Để hài hòa lợi ích giữa làm giàu từ rừng của người dân, doanh nghiệp mà vẫn giữ được rừng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ và phát triển rừng. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 150/QĐ - UBND. Đây là văn bản có tính đột phá của tỉnh về công tác bảo vệ và phát triển rừng, trong đó điểm nhấn đáng quan tâm là giao cho cấp ủy từng địa phương chỉ đạo công tác bảo vệ rừng, đồng chí bí thư là trưởng ban chỉ đạo.
Đặc điểm của rừng ở Kon Plong, Ngọc Hồi là tỷ lệ rừng còn khá cao, áp lực phát triển kinh tế lại lớn nên muốn giữ được rừng thì trong quy hoạch của các địa phương nên ưu tiên cho doanh nghiệp, cá nhân có dự án phát triển kinh tế dưới tán rừng như trồng cây dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng hoặc phát triển kinh tế du lịch sinh thái dựa vào rừng. Nếu phát triển trang trại, nông trại thì nên ưu tiên cho các dự án nông trại hữu cơ, ít phá rừng và ít ảnh hưởng đến môi trường sinh thái rừng.
Khi đi thực tế tại các khu rừng của Kon Plong, Ngọc Hồi, tôi liên tưởng đến cuốn sách “Cuộc cách mạng một - cọng - rơm” của một tác giả là lão nông người Nhật Bản. Nếu chúng ta phát triển kinh tế rừng theo tư tưởng của tác phẩm này thì sẽ giải được bài toán làm giàu từ rừng mà vẫn giữ được rừng. Bởi khi phát triển kinh tế rừng, chúng ta càng ít can thiệp vào rừng mà chỉ nuôi - trồng những loại cây, con chỉ có thể phát triển dưới tán rừng như nuôi hươu lấy nhung, trồng một số loại dược liệu như sâm Ngọc Linh, sâm dây, lan kim tuyến...
Tình hình vi phạm lâm luật tại các địa phương tuy có giảm nhưng vẫn còn âm ỉ và ngày càng tinh vi, phức tạp, đối tượng vi phạm ngày càng manh động, phương tiện vi phạm ngày càng hiện đại, cơ động hơn nên công tác bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm cũng ngày càng khó khăn hơn, cần được quan tâm và trang bị thêm phương tiện và lực lượng hỗ trợ. Đơn cử như tại Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plong, tính từ ngày 01/ 01/2015 đến nay đã phát hiện 29 vụ vi phạm, diện tích thiệt hại là 8.678m2 rừng tự nhiên, chức năng sản xuất. Khối lượng gỗ vi phạm là 137.086m3 gỗ tròn xẻ từ nhóm III đến nhóm VI, trong đó hành vi mua bán, cất giữ, chế biến kinh doanh lâm sản trái với quy định của nhà nước là 18 vụ với khối lượng gỗ vi phạm 51,812m3 gỗ tròn xẻ từ nhóm III đến nhóm VI, hành vi khai thác trái phép là 2 vụ với khối lượng gỗ vi phạm 84,747m3 gỗ tròn và 45kg nhựa thông. Hành vi phá rừng trái phép là 6 vụ, với diện tích 8.678m2 rừng tự nhiên, chức năng sản xuất, hành vi vận chuyển lâm sản trái phép là 1 vụ với khối lượng gỗ vi phạm 0,527m3 gỗ xẻ nhóm V, hành vi vi phạm các quy định chung của nhà nước về bảo vệ rừng là 2 vụ. Hiện nay, các vụ vi phạm đã được xử lý thích đáng và tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm.
Trên địa bàn thuộc lâm phần quản lý của Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi, theo ông Võ Thanh Thành, Hạt trưởng, thì số lượng vi phạm trên địa bàn từ đầu năm đến nay là 31 vụ, trong đó phá rừng trái phép là 1 vụ với diện tích 0,647ha; khai thác lâm sản trái phép 5 vụ với khối lượng 33,779m3 gỗ các loại; vận chuyển lâm sản trái phép 5 vụ với khối lượng 17,691m3 gỗ các loại; mua bán, cất giữ, chế biến gỗ trái phép là 20 vụ với khối lượng 129,929m3 gỗ các loại. Hầu hết các vụ vi phạm đều được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo đúng pháp luật. Trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, Hạt Kiểm lâm còn có thêm nhiệm vụ là thu phí sử dụng đối với gỗ và lâm sản nhập khẩu với khối lượng qua cửa khẩu Bờ Y là 70.317,465m3 gỗ các loại, tổng tiền thu phí sử dụng bãi là 16.632.615.852 đồng.
Theo ông Võ Minh Văn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plong thì khi quy hoạch, cấp phép cho các dự án đầu tư, các cơ quan chức năng nên tham khảo ý kiến ngành kiểm lâm để tránh tình trạng phát triển kinh tế mà ảnh hưởng đến vốn rừng quý hiếm đặc trưng nơi đây. Rừng Kon Plong hiện chiếm tỷ lệ thuộc hàng cao nhất nước, 82%. Vì vậy, khi phát triển kinh tế, các cơ quan chức năng nên cân nhắc giữa việc làm kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là bảo vệ rừng.