1. Chúng ta chán cái cảnh kẹt xe dài dằng dặt nơi thành phố này, chán cảnh “lô cốt” mọc lên đầy các ngã đường mà mỗi khi đi ngang qua đó giống như một cực hình. Khói bụi, nóng bức, bực dọc và những ánh mắt nhìn nhau thiếu thiện cảm cùng tiếng ồn ào của động cơ, còi xe… là những thứ chúng ta đối mặt hàng ngày. Chán! Nhưng chúng ta chẳng thể làm cho nó tốt hơn, chúng ta không có khả năng thay đổi những hình ảnh ấy ngay tức thì và quan trọng là vẫn chưa đủ dũng khí để rời khỏi thành phố này – Sài Gòn – quê hương thứ hai của nhiều người.
2. Chúng ta sinh ra trong một gia đình mà trước khi ta sinh ra nó đã “có vấn đề”. Việc cãi nhau, thượng cẳng tay hạ cẳng chân hoặc say bét nhè của “người đàn ông trụ cột” gia đình đã diễn ra thường xuyên trước khi ta có mặt. Sau khi ta có mặt thì sự thể ấy vẫn còn (có khi giảm hoặc tăng), người đàn bà một nắng hai sương trong nhà đã chấp nhận, chấp nhận sống vì con. Thế nên bà vẫn dạy ta phải biết yêu gia đình, biết kính người đàn ông trụ cột đã gây cho bà nhiều đau khổ. Nhưng, ta thì không như vậy, ta phản kháng, ta than van, ta làm tất cả nhưng chỉ có một điều ta chưa có khả năng là làm cho người đàn ông trụ cột – người ta gọi bằng ba quay đầu, thay đổi. Và ta bắt đầu chán! Ta khổ sở và tạo thêm áp lực cho người đàn bà – người ta gọi bằng mẹ…
3. Và ta đã từng yêu, người ta cũng từng yêu ta. Cuộc tình đẹp, ngắn và một quãng thời gian dài là những giằng xé, khổ đau. Nhưng ta chưa thoát ra được chiếc bóng của người, bởi ta tiếc công yêu, ta không đủ dũng khí để bắt đầu lại với ai khác nên ta “nhốt” mình trong cái gọi là tình yêu. Nhưng thực tế, tình cảm của cuộc tình ấy chỉ còn lại hình thức khô khan, còn nội dung thì chẳng con chi, bởi hai người gọi là yêu nhau ấy không còn có khả năng truyền thông, do vậy cũng không hiểu, và chắc chắn sẽ không thương được! Quy trình hiểu-thương-lắng nghe là một quy trình khép kín, khi ta lắng nghe thì ta sẽ hiểu và thương; khi ta đã thương thì ta sẽ có khả năng ngồi lắng nghe thật dẻo dai.
“…Những người quyết định chọn tình mà bỏ hiếu hay chọn lý tưởng mà bỏ gia đình thì họ cũng rơi vào tâm trạng đau xót, luyến tiếc và có khi rất hụt hẫng. Tuy nhiên, họ không thể ngờ rằng có khi họ hoàn thành tốt con đường đã chọn thì cũng có nghĩa là họ đã đồng hành với con đường bỏ lại” – Minh Niệm
Ta quên mất quy trình ấy nên ta cứ cố gắng một cách mệt nhọc và tất nhiên khi ai hỏi đến tình yêu và cuộc tình mà ta đã từng hạnh phúc thì kết quả sẽ là: chán lắm hoặc ngán lắm!
4. Vậy phải làm thế nào đây? Nếu do dự, không dứt khoát thì ta sẽ trú chân trong tư thế chán và ngán thực tại. Còn nếu dứt khoát thì ta có thể quyết định cuộc sống hiện tại và tương lai một cách có trí tuệ. Đó có thể là việc ta bắt đầu làm mới lại những cái cũ kỹ, tìm điểm dễ thương, đáng yêu và nói mong muốn của mình. Để cho lòng biết ơn có mặt, để cho sự tĩnh lặng hiện diện thì ta sẽ giải quyết được tình trạng tắt nghẽn trong mình một cách minh bạch nhất. Sự minh bạch ấy thể hiện ở hướng thứ hai là ta thay đổi toàn bộ cuộc sống, kiên quyết thoát ly khỏi nó và chấm dứt mối quan hệ nào đó… Âu đó cũng là một cách để thương mình và người, bởi thà chấm hết mà ta bớt động chạm tới nỗi đau hoặc sự mệt mỏi trong nhau còn hơn là duy trì hình thức trong khi nội dung chỉ là những ung nhọt, những nỗi muộn phiền…