Hiện nay chương trình trồng cà phê xứ lạnh tại rất nhiều tỉnh Tây Nguyên. Vậy cà phê xứ lạnh là cà phê gì và tại sao gọi như thế. Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về loại cà phê này.
Cà phê xứ lạnh là một chiến dịch hay là một cái tên rất hay, nhưng cụ thể cà phê xứ lạnh là cà phê gì thì chưa rõ. Để tìm hiểu về cà phê xứ lạnh chúng ta sẽ thấy có đến 3 loại cà phê, cà phê chè, cà phê vối, cà phê mít.
3 loại cà phê này Việt Nam đều có và Việt Nam được xem là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới sau Brasil. Loại cà phê Việt nam hiện nay xuất khẩu nhiều nhất là Robusta. Giờ chúng ta hãy tìm hiểu xem 3 loại cà phê như thế nào, dựa theo những hiểu biết của tôi. Sinh ra và lớn lên tại Kon Tum, cây cà phê thì không có gì lạ với chúng tôi. Cây mọc quanh nhà quanh vườn, đem đến thu nhập dù ít hay nhiều cho người hái cà phê. Trên Tây Nguyên nơi vùng đất đỏ bazan trù phú thì cây cà phê là một cây đặc biệt được xem là một loài được di thực và phổ biến nơi đây.
Lần đầu tiên cà phê được đưa vào Việt Nam vào năm 1875, giống Arabica được người Pháp mang từ đảo Bourton sang trồng ở phía Bắc sau đó lan ra các tỉnh miền Trung, … Sau thu hoạch chế biến dưới thương hiệu “Arabica du Tonkin”, cà phê được nhập khẩu về Pháp. Sau đó đã đem tới hai giống mới là cà phê vối (C. robusta) và cà phê mít ( C. mitcharichia) vào năm 1908 để thay thế giống Arabica thì năng suất không đạt như 2 giống trên.
Đầu tiên chúng ta sẽ tìm hiểu về loại cà phê mít. Cà phê mít Coffea liberica
Cây cao 2m -5m. Thân, lá và quả đều to. Do lá to, xanh đậm nhìn xa như cây mít nên gọi là cà phê mít. Cây chịu hạn tốt, ít cần nước tưới nên thường trồng quảng canh. Tuy nhiên do năng suất kém, có vị chua nên không được ưa chuộng và phát triển diện tích.
Do năng suất kém, chất lượng không cao (Có vị chua) nên cà phê mít không mấy được ưa chuộng và phát triển diện tích. Hạt cà phê mít thường được trộn vào với cà phê vối, cà phê chè khi rang xay để tạo hương vị.
Ở nhiều vùng không thích hợp với 2 loại cà phê cao cấp kia người ta thường trồng cà phê mít theo hình thức quảng canh hoặc trồng thành hàng để làm đai rừng chắn gió cho các lô trồng cà phê vối, cà phê chè với mục đích tiết kiệm đất và tăng thu nhập hợp lý. Do đặc tính chịu hạn và có sức chống chọi với sâu bệnh cao nên hiện cà phê mít được dùng làm gốc ghép cho các loại cà phê khác rất được các nhà vườn ưa chuộng.
Ở Việt Nam, cà phê mít được trồng chủ yếu ở các tỉnh như Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum
Cà phê mít thường hợp với gu của người châu Âu, các loại cà phê hòa tan theo gu châu Âu thường có tỉ lệ cà phê mít nhiều nên thường có vị chua đặc trưng
Cà phê vối được xem là loại cà phê quan trọng thứ 2 trên thế giới
Nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới là Việt Nam. Các nước xuất khẩu quan trọng khác như Brasil, Ấn Độ. Lúc còn nhỏ, nhà tôi thì không thì trồng cà phê, nhưng nhà cậu dượng trồng rất nhiều, cũng đi bứt cà phê phụ, đó là giống cà phê robusta. Đối với giống cà phê này thì năng suất đạt, sức sinh trưởng của cây cũng mạnh. Nếu quý vị khách hang đến Tây Nguyên ly cà phê phin là một gì đó rất đặc trưng, không phải ly cà phê đá sài gòn. Uống không quen có thể gây ra chứng say cà phê nếu dùng đặc. Đặc biệt ly cà phê Kon Tum người chế biến rang xay và pha rất dẻo và đặc. Cá nhân tôi uống thấy rất ngon đậm vị đậm đà đã hình thành văn hóa cà phê nơi đây. Có thể châu âu họ uống khác, mình uống khác, nhưng không phải vì vậy họ mới sang chảnh còn ta thì không.
Cà phê vối (danh pháp hai phần: Coffea canephora hoặc Coffea robusta) là cây quan trọng thứ hai trong các loài cà phê. Khoảng 39% các sản phẩm cà phê được sản xuất từ loại cà phê này. Nước xuất khẩu cà phê vối lớn nhất thế giới là Việt Nam. Các nước xuất khẩu quan trọng khác gồm Brasil, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Uganda, Côte d'Ivoire. Ở Brasil cà phê vối được gọi với tên là Conilon
Cây cà phê vối có dạng cây gỗ hoặc cây bụi, chiều cao của cây trưởng thành có thể lên tới 10 m. Quả cà phê có hình tròn, hạt nhỏ hơn hạt cà phê chè (tức cà phê arabica). Hàm lượng caffein trong hạt cà phê vối khoảng 2-4%, trong khi ở cà phê chè chỉ khoảng 1-2%.
Giống như cà phê chè, cây cà phê vối 3-4 tuổi có thể bắt đầu thu hoạch. Cây cho hạt trong khoảng từ 20 đến 30 năm. Cà phê vối ưa sống ở vùng nhiệt đới, độ cao thích hợp để trồng cây là dưới 1000 m. Nhiệt độ ưa thích của cây khoảng 24-29°C, lượng mưa khoảng trên 1.000 mm. Cây cà phê vối cần nhiều ánh sáng mặt trời hơn so với cây cà phê chè.
Cà phê vối chứa hàm lượng caffein cao hơn và có hương vị không tinh khiết bằng cà phê chè, do vậy mà được đánh giá thấp hơn. Giá một bao cà phê vối thường chỉ bằng một nửa so với cà phê chè. Niên vụ 2012- 2013 Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,426 triệu tấn (~ 23,77 triệu bao, loại 60 kg/bao) cà phê loại này[8], chiếm gần một nửa lượng cà phê vối xuất khẩu của toàn thế giới (trên 60 triệu bao). Hiện nay gần 90% diện tích cà phê ở Việt Nam được trồng cà phê vối, 10% trồng cà phê chè, khoảng 1% còn lại được trồng cà phê mít
Phần này sẽ tới cây cà phê chè, được gọi là cây cà phê xứ lạnh. Tôi làm chủ đề này vì hiện nay tại tỉnh Tu Mơ Rông đang triển khai số lượng lớn cây cà phê này và đã đạt được những thành công nhất định.
Cà phê xứ lạnh vì loài cà phê này thích mọc ở vùng cao, có khí hậu lạnh
Độ cao thích hợp: Trên 1000m đến 1500m so với mực nước biển. Tại huyện Tu Mơ Rông Ngọc Linh Kon Tum đáp ứng được yêu cầu này.
Cà phê chè là tên gọi theo tiếng Việt của loài cà phê có (danh pháp hai phần là: Coffea arabica) do loài cà phê này có lá nhỏ, cây thường để thấp giống cây chè một loài cây công nghiệp phổ biến ở Việt Nam. Cà phê chè có hai loại: cà phê moka và cà phê catimor.
Đây là loài có giá trị kinh tế nhất trong số các loài cây cà phê. Cà phê chè chiếm 61% các sản phẩm cà phê toàn thế giới. Cà phê arabica còn được gọi là Brazilian Milds nếu nó đến từ Brasil, gọi là Colombian Milds nếu đến từ Colombia, và gọi là Other Milds nếu đến từ các nước khác. Qua đó có thể thấy Brasil và Colombia là hai nước xuất khẩu chính loại cà phê này, chất lượng cà phê của họ cũng được đánh giá cao nhất. Các nước xuất khẩu khác gồm có Ethiopia, México, Guatemala, Honduras, Peru, Ấn Độ.
Cây cà phê arabica ưa sống ở vùng núi cao. Người ta thường trồng nó ở độ cao từ 1000-1500 m. Cây có tán nhỏ, màu xanh đậm, lá hình oval. Cây cà phê trưởng thành có thể cao từ 4–6 m, nếu để mọc hoang dã có thể cao đến 15 m. Quả hình bầu dục, mỗi quả chứa hai hạt cà phê.
Cà phê chè sau khi trồng khoảng 3 đến 4 năm thì có thể bắt đầu cho thu hoạch. Thường thì cà phê 25 tuổi đã được coi là già, không thu hoạch được nữa. Thực tế nó vẫn có thể tiếp tục sống thêm khoảng 70 năm. Cây cà phê arabica ưa thích nhiệt độ từ 16-25°C, lượng mưa khoảng trên 1000 mm.
Trên thị trường cà phê chè được đánh giá cao hơn cà phê vối (coffea canephora hay coffea robusta) vì có hương vị thơm ngon và chứa ít hàm lượng caffein hơn. Một bao cà phê chè (60 kg) thường có giá cao gấp 2 lần một bao cà phê vối. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới nhưng chủ yếu là cà phê vối. Năm 2005 dự kiến diện tích trồng cà phê chè mới đạt khoảng 10% tổng diện tích trồng cà phê cả nước (khoảng 40.000 ha/410.000 ha).
Lý do khó phát triển cà phê chè do độ cao ở Việt Nam không phù hợp, những vùng chuyên canh cà phê ở Việt Nam như Đắk Lắk, Lâm Đồng... đều chỉ có độ cao từ 500-1000m so với mực nước biển, loài cây này lại nhiều sâu bệnh hại nên không kinh tế bằng trồng cà phê vối nếu trồng ở Việt Nam.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://samtuoingoclinh.com là vi phạm bản quyền