Măng Đen hay còn gọi là Măng Đeng theo tiếng của bà con dân tộc Mơ Năm có nghĩa là chỗ đất bằng phẳng (Măng là bãi bằng, đất bằng; Đeng là chỗ ở). Trên bình nguyên Măng Đen có nhiều hồ (toong) như Toong Đăm, Toong Ki…nhiều thác (cơi) như Tram, Pa Sĩ, Đăk Ke…tung bọt trắng xóa giữa núi rừng trầm mặc khiến Măng Đen càng thêm thơ mộng và huyền hoặc.
Đến Măng Đen, du khách sẽ được tận hưởng một vùng khí hậu mát mẻ như ở Đà Lạt. Tuy nhiên, Măng Đen có nét mới lạ đó là sự tươi tốt vẹn nguyên, chưa bị bàn tay con người can thiệp vào. Nếu đến Măng Đen vào mùa khô du khách sẽ nhìn thấy hoa mua, hoa sim nở tím ven hồ xung quanh hồ là rừng thông, lá thông trải một lớp thảm dày 10-15cm mượt mà như nhung. Hồ Lung rộng khoảng hơn 1ha, xung quanh còn những thân cây cổ thụ hai, ba người ôm không xuể, rừng ven hồ có rất nhiều phong lan. Đây quả là một nơi thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng.
Măng Đen – Bông hoa rừng mới nở
Măng Đen có được điều kiện tự nhiên lý tưởng nên người dân ở đây trồng được các loại rau xanh và hoa xứ lạnh. Suối ở Măng Đen có loài cá chình, cá niên thơm ngon nổi tiếng. Con sông Ba, chảy qua ba tỉnh Kontum, Gia Lai và Phú Yên, bắt nguồn từ Kon Plong, là một nguồn sống của các cộng đồng người dân tộc bản địa trong vùng…
Chính nhờ những ưu thế thuận lợi của mình mà Măng Đen đã được đưa vào mạng lưới phát triển du lịch quốc gia. Bên cạnh những tiềm năng, thế mạnh về điều kiện khí hậu, địa hình đất đai mà thiên nhiên ưu ái ban tặng, Măng Đen còn được biết đến với những câu chuyện kỳ bí nửa thực, nửa hư khiến cho vùng đất này càng thêm nét huyền bí…
Đức mẹ măng đen
Đến với Măng Đen du khách không chỉ được tận hưởng không khí mát lành mà còn được tham quan bức tượng Đức Mẹ Fatima với đôi bàn tay cụt và nghe kể câu chuyện huyền bí về bức tượng này.
Vào đầu thập niên 1980, do chính sách xây dựng các vùng kinh tế mới của chính phủ Việt Nam, một số người dân sinh sống tại lâm trường Măng Cành đã phát hiện trong rừng sâu có một bức tượng lạ mà về sau này, căn cứ vào hình dáng và màu sắc người ta đã có thể biết đây là tượng Đức Mẹ Maria mà người Công giáo có cách gọi riêng là Đức Mẹ Fatima. Khi được phát hiện và cho đến đầu năm 1987, bức tượng vẫn còn nguyên nhưng đến cuối năm 1987 thì tượng bị mất đầu và mất tay mà không ai rõ nguyên nhân. Năm 2002 khi huyện Kon Plông mới được thành lập và huyên lỵ được đặt tại Măng Đen, đã có kế hoạch mở rộng tuyến quốc lộ 24 để dùng làm tuyến giao thông chính băng qua địa bàn huyện, nối dài đến tận huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi). Năm 2004 khi bắt đầu thi công tuyến đường này, những người làm đường đã gặp nhiều hiện tượng lạ khi thực hiện bản thiết kế đi ngang qua vị trí bức tượng, chẳng hạn như xe ủi bị tắt máy chỉ ở một khu vực (!), cuối cùng họ đành phải điều chỉnh tuyến đường để tránh xâm hại đến bức tượng và hiện tượng lạ đã không còn xảy ra.
Trong số những người làm đường, có một tín đồ Công giáo đã bỏ công phục chế phần đầu và đôi tay. Gương mặt được phục chế không còn giống phiên bản Đức Mẹ Fatima thông thường nhưng lại mang dáng dấp một phụ nữ Tây nguyên, phiền muộn và đau khổ. Một điều khó hiểu là đôi tay sau khi phục chế ít lâu đã bị rơi xuống dưới chân tượng, như thể Đức Mẹ không muốn cho phục chế đôi bàn tay mà chỉ muốn để nguyên tư thế cụt này như một lời nhắn nhủ nào đó gởi đến đoàn chiên con cái Mẹ.
Trong những năm gần đây nơi này đã trở thành điểm hành hương thu hút khá đông người sùng mộ, mà trong số đó không chỉ là những tín đồ đạo Công giáo. Giữa khung cảnh núi rừng thâm u, tượng Mẹ vẫn đứng đó trong tư thế cụt tay, bao quanh rất nhiều hoa và những dãy ghế đá, đặc biệt rất nhiều những tấm biển “Tạ ơn Đức Mẹ” là bằng chứng cụ thể xác nhận những ơn ích mà người cầu xin đã được nhận lãnh…
Với không gian tự nhiên, nguyên thủy của hệ sinh thái, sự hoang sơ và thuần khiết như bông hoa rừng vừa hé nở là yếu tố tạo cho khu du lịch sinh thái Măng Đen có sức hấp dẫn mà ít nơi nào có được