Đáp chuyến bay từ Sài Gòn đến Pleiku vào một ngày trời nắng đẹp, thuê chiếc xe máy ở thành phố Pleiku vậy là tôi bắt đầu cuộc hành trình tiến về Kon Tum. Nằm cách Gia Lai 48 km về phía Bắc, Kon Tum là một tỉnh thuộc vùng cực Bắc Tây Nguyên, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em nên văn hóa vô cùng đa dạng, không những có thiên nhiên hùng vĩ mà Kon Tum còn gắn liền với các sự tích, truyền thuyết và lịch sử hào hùng.
Quốc lộ 24 – như một cảnh hiện ra trong bộ phim về miền tây nước Mỹ.
Theo những thông tin mà tôi tìm hiểu được, Kon Tum có nguồn gốc từ ngôn ngữ Ba Na, Kon có nghĩa là làng, Tum là hồ, chỉ tên gọi một ngôi làng gần một hồ nước cạnh dòng sông mà hiện nay là làng Kon Kơ Nâm ở thành phố Kon Tum.
Cầu treo Kon Klor
Trên quốc lộ 14B đi từ Gia Lai, Kon Tum chào đón tôi bằng dòng sông Đắk Bla uốn lượn bao quanh thành phố, nổi tiếng với dòng nước màu đỏ thẳm chảy ngược từ phía Tây gắn liền với biết bao truyền thuyết. Và để nối liền hai bờ dòng sông huyền thoại ấy lại có một địa danh vô cùng nổi tiếng khác, đó là cầu treo Kon Klor – cây cầu treo lâu đời, được mệnh danh là đẹp nhất vùng Tây Nguyên.
Cầu treo Kon Klor nối liền hai bờ dòng sông Đăk Bla huyền thoại.
Để đến được cầu treo Kon Klor, tôi tiếp tục đi theo quốc lộ 14B rồi rẽ vào trung tâm thành phố, sau khi hỏi đường một vài người dân bản địa, cầu treo Kon Klor dần dần hiện ra sau những rặng cây, nét cổ kính và âm thanh vang vọng mỗi khi có xe cộ qua lại trên chiếc cầu hai mươi năm tuổi làm tôi vô cùng thích thú.
Dừng xe bên đường, rảo bước qua những thanh sắt vững chãi ra đến giữa cầu, bạn sẽ có thể nhìn thấy bao quát toàn cảnh con sông Đăk Bla uốn lượn, len lỏi giữa núi rừng rồi khuất xa dần phía chân trời, một khung cảnh chắc hẳn sẽ làm say lòng bất kì một kẻ lãng du nào có dịp đặt chân đến đây.
Một góc nhìn khác về cầu treo Kon Klor.
Hành trình đến đèo Măng Đen, hồ Đắk Ke, thác Pa Sỹ
Trong rất nhiều địa danh nổi tiếng ở Kon Tum mà tôi đọc được qua các trang sách báo, như một mối duyên, tôi chọn thác Pa Sỹ làm nơi dừng chân cho riêng mình. Thác Pa Sỹ là một thác nước tự nhiên, nằm trong quần thể khu du lịch sinh thái – văn hóa Pa Sỹ, cách thành phố Kon Tum 57 km về phía Đông Bắc. Trên chiếc xe máy cọc cạch, cùng với người bạn đồng hành thân thiết là chiếc ba lô và cái máy ảnh phim đã cũ, tôi men theo quốc lộ 24 rồi từ từ tiến sâu vào vùng đất Tây Nguyên này.
Hồ Đăk Ke thơ mộng.
Sau khi qua khỏi huyện Kon Rẫy, cảnh vật hai bên đường dần dần hiện ra khiến tôi vô cùng sững sờ và choáng ngợp. Dọc theo hai bên đường, rừng cao su với từng hàng cây thẳng tắp đang đến mùa thay lá, thân cây trơ trọi, lá rụng phủ kín gốc cây khiến cho cả một góc trời nhuộm thành một màu nâu đỏ, khung cảnh nên thơ một cách lạ kỳ. Tôi như không thể tin vào mắt mình, cảnh vật đẹp như một bức tranh sơn dầu.
Cả một góc trời nhuộm thành một màu nâu đỏ.
Dừng chân bên đường, chụp vài bức ảnh lưu niệm nơi đây cũng là lúc các em nhỏ người dân tộc trên đường đi học về. Tôi chào em, em cười với tôi, nụ cười ngây thơ và hồn nhiên của các em đã khiến cho tôi trong một khoảnh khắc nào đó, bất chợt cảm thấy cuộc đời này thật đẹp. Trò chuyện vài câu cùng các em rồi chia tay nhau tiếp tục chuyến du lịch Kon Tum, nhìn theo những bước chân xa dần của các em, tôi tự hỏi đến bao giờ chúng tôi sẽ gặp lại nhau?
Khu rừng nắng cháy.
Tôi đã trải qua cảm giác này rất nhiều lần, một người bạn mới quen trên đường, cùng tôi chia sẻ vài ba câu chuyện rồi chia tay nhau lên đường, mỗi người một hướng và có lẽ sẽ chẳng bao giờ có cơ hội gặp lại nhau nữa, cuộc đời vốn đã là như thế.
Rừng cao su mà tôi đi lạc vào.
Sau khi đã vượt qua đoạn đường hơn 40 km từ Kon Tum, tôi đến được đèo Măng Đen, con đèo thưa thớt người, chạy dài quanh co uốn lượn 12 km nối liền hai huyện Măng Đen và Kon Klông. Chạy xe bon bon trên đường, chỉ có mình ta với núi rừng, cảm giác tâm trí phiêu bồng và tự do như một cánh chim trời thật sự khó phai trong tôi.
Một lưu ý nhỏ khi bạn đến đèo Măng Đen là nhiệt độ sẽ giảm xuống khá đột ngột khi lên cao, bạn nên chuẩn bị áo ấm trước khi qua đèo, đây là một điều vô cùng tuyệt diệu mà thiên nhiên đã ban tặng cho Măng Đen. Bạn hãy thử một lần vi vu cùng con xe máy trên đèo để tận hưởng cái lạnh và sự thay đổi lạ kỳ của thời tiết này.
Khung cảnh nhìn từ đèo Măng Đen.
Đến thác Pa Sỹ khi đã quá trưa, lúc đã thấm mệt, ăn vội bữa trưa lót dạ rồi bước xuống các bậc thang đường dẫn, thác Pa Sỹ hùng vĩ hiện ra trước mắt tôi. Vẻ đẹp hoang sơ của một dòng thác mạnh mẽ, bọt tung trắng xóa giữa đại ngàn núi rừng Tây Nguyên khiến cho tôi quên hết đi mệt mỏi. Tôi đã đứng đấy thật lâu, dưới chân dòng thác, chỉ để ngắm nhìn từng đợt nước tuôn chảy, để được hòa mình vào thiên nhiên. Thác Pa Sỹ toát lên một vẻ uy nghi và huyền bí đúng như những câu chuyện huyền thoại đã kể về nó.
Thác Pa Sỹ hiện ra giữa đại ngàn núi rừng Tây Nguyên.
Một điểm tham quan đặc biệt nữa trong khu du lịch – văn hóa Pa Sỹ mà bạn không nên bỏ qua đó là vườn tượng – một khu vườn hoang sơ với thảm lá vàng, được trang trí bởi hàng chục bức tượng chạm khắc vô cùng tinh xảo, thể hiện những nét văn hóa độc đáo đặc trưng của những dân tộc anh em cùng chung sống trên mảnh đất Kon Tum.
Bạn hãy một lần đặt chân đến đây, bước đi trên những thảm lá vàng, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các bức tượng, nghe tiếng bước chân xột xoạt trên lá và tiếng gió rít qua những hàng cây để tận hưởng cảm giác lạ lẫm như lạc vào một khu rừng trong truyện cổ tích vẫn thường nghe kể.
Bước chân trên thảm lá vàng ở vườn tượng như đang lạc vào thế giới cổ tích huyền bí.
Vậy là một cuộc hành trình nữa lại kết thúc, miền đất Tây Nguyên hiện ra thật đẹp trong những ký ức mà tôi vẫn thường hay nhớ về. Và nếu có cơ hội, bạn nên một lần du lịch Kon Tum – vùng đất khô cằn nắng cháy nhưng có sức mê hoặc lạ kỳ. Hãy đi và cảm nhận vẻ đẹp nơi này bằng cả trái tim mình.