Đi dọc những tuyến đường Bà Triệu, Lê Hồng Phong, Phan Đình Phùng... (thành phố Kon Tum) nhìn những giỏ lan rừng treo trên giá đang hé nở hay những nhánh lan bày lộn xộn trên vỉa hè những người mê lan không “kìm lòng” ghé vào.
Ghé vào một điểm bán lan rừng bên đường Bà Triệu, tôi như lạc vào giữa rừng hoa lan. Đủ loại lan đua nhau khoe sắc: Dã hạc, hoàng phi hạc, long tu xuân, long tu hài, hoàng thảo ngũ tinh, hoàng thảo xoắn, thủy tiên, vảy rồng, kim điệp, sóc lào, đuôi cáo... Ngay cả những loại lan quý hiếm mà người chơi thường thích săn tìm cũng góp mặt như: Trúc phật bà, trúc mành, lan trầm, dã hạt trắng, đơn cam...
Rất nhiều loại lan được bán trên đường Bà Triệu, thành phố Kon Tum. Ảnh: G.T
Mới tập tành chơi lan, tôi chưa có kinh nghiệm tự trồng, chỉ sưu tầm những loại lan được trồng sẵn vào chậu vào giá và đã nở hoa, mà những loại giỏ lan đó lại có giá đắt gấp mấy lần những bó lan thô tự mua về trồng.
Thấy tôi ngắm nghía giỏ lan treo trên cây đang hé mầm nụ, chị bán lan tên Y Trang cho biết đó là lan đuôi cáo bắc, giỏ đó có giá 500 ngàn đồng. Khi nghe chị nói giá đó, tôi bỏ ý định mua. Nhưng khi chị lấy tập ảnh cho xem và còn mở điện thoại giới thiệu thêm về hoa của nó, thế là tôi lại thay đổi ý định...
Mua riết rồi cũng thành quen, chị Y Ben (làng Pleirơ Hai 1, phường Lê Lợi) tâm sự với tôi: Tôi bán lan đã hơn 10 năm nay. Trước đây, tôi thường đem lan xuống Gia Lai để bán, nhưng vất vả quá nên quay về bán trên đường Bà Triệu cho tới nay. Nguồn hàng, tôi lấy lại từ các đầu mối bán sỉ lan rừng.
Chị kể: Nhờ bán lâu năm nên tôi cũng tích góp được khá nhiều kinh nghiệm chăm sóc và bán lan. Tôi biết rõ tên các loại lan và cách trồng từng loại. Khi giới thiệu lan, thấy khách chần chừ, tỏ ra không mặn mà, tôi tư vấn và mở điện thoại giới thiệu cho khách xem loại hoa, màu sắc... Nhờ vậy mà nhiều khách hàng đã đổi ý chọn mua.
Vào các ngày trong tuần, nhất là những ngày thứ Bảy, Chủ nhật, những người yêu lan thường tập trung rất đông ở quán cà phê Hiếu Hoàng (đường Trần Nhân Tông, thành phố Kon Tum). Tại đây họ vừa uống cà phê vừa chiêm ngưỡng những giỏ lan đang khoe sắc, chia sẻ kinh nghiệm chơi lan hay đổi cho nhau những chậu lan họ yêu thích.
Là khách quen thường ghé vào mua lan, khi tôi hỏi cách chăm sóc lan, chủ quán cà phê chị Hoàng Thị Hiếu liền chia sẻ: Việc trồng và chăm sóc lan cũng không quá khó, với những ai có sở thích, đam mê lan thì việc chăm sóc lan lại là niềm vui. Lan rừng cần được tưới một lượng nước vừa đủ để tạo độ ẩm nhất định. Việc bón phân và phun thuốc phải đủ số lượng và đúng thời gian. Khâu nhân giống và cắt tỉa cành cũng cần phải đúng thời điểm để cây cho hoa vào các dịp lễ, tết…
Chị Hiếu tỉa bớt rễ cho Lan Trúc phật bà để đưa vào giá trồng. Ảnh: G.T
Dạo thăm vườn lan của anh Nguyễn Văn Ký (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum), tôi mê mẩn vì có rất nhiều chậu lan rừng cattleya, nó hội đủ vừa sắc vừa hương, mà hầu hết do anh tự nhân giống.
Anh Ký làm nghề kinh doanh thạch cao, công việc khá bận rộn và vất vả, nhưng anh vẫn sắp xếp để có thời gian chăm sóc cả vườn lan tốt xanh và ra hoa đều đặn. Anh tâm sự: Tôi từ nơi khác chuyển về đây sống nên ít bạn lại không biết nhậu nhẹt, sẵn sở thích “say” lan, nên dù công việc bận rộn, tôi vẫn dậy rất sớm để chăm lan, hoặc có thời gian rảnh là tôi tìm đến những điểm bán lan để săn những loại lan mình chưa có. Gặp lúc công việc áp lực, mệt mỏi, nếu không có vườn lan chắc tôi dễ bị stress. Những lúc như thế tôi chỉ cần ra vườn lan ngắm những cánh hoa khoe sắc, hay ngửi mùi thơm ngan ngát là thấy thoải mái, khỏe ra ngay...
Trước đây, những người chơi lan rừng thường thuộc tầng lớp khá giả, ngày nay ai cũng có thể đến với thú vui này. Mặc dù chơi lan rừng khá tốn kém, lại đòi hỏi nhiều công phu, tính kiên nhẫn nhưng đổi lại họ được đắm mình vào thiên nhiên, được tự tay nâng niu chăm sóc, ngắm những giỏ lan đang khoe sắc cùng với mùi hương thơm ngát tỏa ra từ những nhánh lan... để rồi mọi mệt mỏi dường như tan biến, giúp tâm hồn thư thái, lấy lại cân bằng trong cuộc sống...