Làng Kon Ktu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) nằm bên dòng Đăk Bla- lúc này đang mùa nước cạn, lộ ra những bãi cát vàng thoai thoải và những bãi đá xám. Mấy năm qua, làng là điểm đến khá hấp dẫn đối với những người thích loại hình du lịch sinh thái, khám phá.
Ở Kon Ktu, du khách được nghe và hòa mình vào tiếng cồng chiêng, cùng múa xoang xung quanh ánh lửa bập bùng; có thể được chứng kiến hoặc tham gia dệt vải, đan gùi; được đi bằng thuyền độc mộc xuôi theo dòng Đăk Bla thơ mộng uốn quanh dưới dãy núi Kong Muk. Và, du khách cũng có thể tham gia các buổi lên nương rẫy, thu hoạch nông sản, đánh bắt cá dưới sông...
Chỉ ngán mỗi cái khoản đường vào làng, mất mấy cây số gập ghềnh, bị xe tải chở cát băm nát, lúc nào cũng bụi mù mịt- nhiều người từng than phiền như vậy.
Nhưng đấy là chuyện con đường. Còn nói về bữa tiệc hôm ấy, một bữa tiệc đã làm cho những người bạn thị thành của tôi nhớ mãi. Khi lên xe bạn tôi còn cứ ao ước nhanh được thưởng thức lại: các món nướng ống lồ ô.
Hôm ấy, nhờ có A Bênh bố trí được bữa tiệc để đãi nhóm bạn và nhờ vậy tôi có cái để tự hào rằng, sức hút của ẩm thực Kon Tum đối với du khách đâu chỉ có gà nướng, gỏi lá mà còn có những ấn tượng đặc biệt khác.
Rau rừng được chế biến với các món nướng ống lồ ô
Nhà của A Bênh có vị trí đắc địa - phía sau nhà rông của làng. Ngồi ở nhà chồ (phần nhô ra của nhà sàn), Y Bông - con gái của A Bênh vừa nựng con nhỏ vừa ngượng nghịu cười: “Không biết đâu, hỏi bố ấy”. Ấy là tôi đang hỏi cô về cách nướng ống lồ ô. Thế hàng ngày dân làng không còn nấu đồ ăn bằng ống lồ ô à? Y Bông nhìn tôi ngạc nhiên: Có nồi cơm điện, có bếp gas, nấu ống lồ ô làm gì cho khổ?
“Ừ nhỉ!” - tôi gật gù. Bây giờ cuộc sống hiện đại, dân làng nấu bằng nồi điện, bằng bếp gas, bếp điện, bếp từ với nồi nhôm, nồi inox vừa tiện lợi, sạch sẽ vừa ít tốn thời gian. Hơn nữa, việc tìm ống lồ ô cũng không dễ như trước, những cánh rừng lồ ô bạt ngàn quanh làng đã biến mất, muốn kiếm lồ ô phải đi rất xa. Vì vậy, chỉ khi làng có lễ hội, dân làm mới chế biến các món nấu, nướng ống lồ ô.
Rất may là A Bênh còn sẵn lòng nấu nướng các món ăn bằng ống lồ ô đãi khách - tôi thầm nghĩ.
Trong khi ấy, nhóm bạn của tôi cũng đã vây quanh nơi bếp lửa của A Bênh, nơi tỏa ra cái mùi khen khét, thơm thơm tỏa ra, do các ống lồ ô tươi bị đốt. Chẳng những thế, bạn tôi rất thích thú khi nhìn một đống lửa rừng rực cháy, và một hàng dài những ống lồ ô xanh mướt dựng song song, gác trên một giá đỡ, ngọn lửa vươn lên, trùm lấy những ống lồ ô. Trong ánh mắt họ tỏ ra rất ngạc nhiên, hứng khởi.
Hôm nay, A Bênh tổ chức bữa tiệc đặc biệt, theo cách gọi vui của mọi người là "lồ ô toàn tập", với các món nấu, nướng ống lồ ô, từ cơm, bằng loại gạo rẫy ngon nhất, rau rừng nấu với ốc và cá bắt từ sông Đăk Bla, tôm nấu rau dớn, thịt heo... đem lại sự thích thú, ngỡ ngàng cho mọi người- ngay cả với "chủ nhà" là tôi.
Để có bữa tiệc này, A Bênh đã phải chuẩn bị từ 2 ngày trước, bắt đầu từ công đoạn tìm ống lồ ô. A Bênh phải đi khá xa, tít trên núi để lựa cho những ống lồ ô loại bánh tẻ, tức là không được quá già (dễ cháy) mà cũng không quá non (dễ bị nứt, ốp), thân thẳng, lóng dài, vỏ xanh, cỡ bắp tay người lớn là đẹp nhất- vì như vậy dễ xoay trở, lại chứa được nhiều thức ăn, A Bênh giải thích với chúng tôi về cách chọn ống lồ ô.
Trong dàn ống lồ ô ấy, có ống nướng thịt heo thái lát, ướp tiêu rừng, bột ngọt, sả; có ống nấu canh cá - loại cá A Bênh mua của người làng mới đánh lưới được dưới sông Đăk Bla trước làng, đem về bỏ ruột, cắt miếng trộn rau rừng; có ống nấu cơm gạo rẫy được trồng trên núi Kong Muk.
Chuẩn bị món nướng ống lồ ô
Cơm, canh, thịt nấu bằng bếp gas, nồi điện không thơm ngon đâu. Muốn ăn ngon, ăn cho thích cái bụng phải nấu lồ ô thôi - con gái A Bênh hóm hỉnh nói với tôi.
Chứng tỏ đâu chỉ có khách mới thấy ngon, ngay cả mấy đứa con nhà A Bênh và dân làng cũng thích. Ngặt nỗi, để chế biến món ăn theo cách này tốn nhiều thời gian, công sức; vì phải vào rừng chặt lồ ô mang về, rồi phải vạt cành nhánh, phải nhóm lửa nấu nướng rất cực, trong khi đó với bếp gas, nồi điện, chỉ việc bỏ thực phẩm vào và... nhấn nút.
Hôm tôi dẫn bạn vào làng, món đặc biệt nhất (vì hết nhanh nhất) có lẽ là tôm sông nấu rau dớn - loại rau thường mọc ở ven sông, khe suối được người nhà của A Bênh đi rừng hái về từ ngày hôm trước.
Tôm tươi bắt dưới sông về để nguyên con, rửa sạch, cho vào ống lồ ô cùng với rau dớn, nêm ít muối, tiêu rừng, nút bằng lá chuối, xóc đều, để khoảng 15 phút rồi nướng. Người nướng phải chăm xoay trở ống để chín đều. Khi bày ra đĩa (tốt nhất là bày lên lá chuối đã lau sạch), màu xanh mượt của rau dớn kết hợp với màu đỏ của tôm, cộng thêm hương thơm ngào ngạt khiến món ăn càng trở nên hấp dẫn thực khách.
Trong câu chuyện vui bên ánh lửa, bạn tôi cứ tò mò hỏi về sự ra đời của “ẩm thực lồ ô”. A Bênh cười: Chẳng biết giải thích làm sao. Người già truyền cho người trẻ, từ xa xưa, người Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai đã biết dùng ống lồ ô làm dụng cụ nấu nướng. Có lẽ do cuộc sống nương rẫy thiếu thốn dụng cụ nấu ăn, hoặc do sống du canh du cư, không tiện mang theo nồi niêu, xoong chảo nên mới nghĩ ra cách này. Đi đến đâu chỉ cần chặt ống lồ ô, xuống suối lấy nước, mò con tôm, con cua, con cá, hái nắm rau rừng là có bữa ăn.
Đến khi được nếm miếng thịt heo nướng ống lồ ô đầu tiên, một người bạn trong nhóm đã thốt lên rằng “tuyệt vời!”. Do nấu trong ống lồ ô, thức ăn giữ được hương vị tự nhiên, nguyên gốc, thêm vị ngọt từ nước lồ ô tươi nên lại càng ngon ngọt.
Bạn nói: Ở thành phố tôi cũng có thể thưởng thức món thịt nướng ống lồ ô, bởi ẩm thực lồ ô bây giờ đã vượt qua khỏi không gian làng, đi vào trong thực đơn của nhiều nhà hàng, quán ăn. Nhưng hôm nay tôi mới nhận thấy, ngồi trong phòng lạnh, bàn trải khăn lịch sự mà thưởng thức “ẩm thực ống lồ ô” bày trên đĩa men sáng bóng thì nhạt nhẽo vô cùng, không ngon bằng ở đây.
Vậy mới nói đây là điều làm nên sức hút cho ẩm thực phố núi của mình, tôi tự hào lên tiếng. Và, sau đó còn giải thích thêm: Chưa nói đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nhé, gạt sang một bên đi, trước hết nói về ống lô ô đã, ở đó có tươi như ở đây không, ống lồ ô có xanh mướt, lớp màng có căng lên không, đốt lên có xèo xèo tiếng nước không, hay là vàng hươm hươm rồi, đã khô rồi?
Rồi nữa, con cá có vớt từ dưới suối lên tươi roi rói không, miếng thịt có được chọn ra từ con heo do chính người làng nuôi mới mổ thịt trước sân nhà không, hay là lấy ra từ... tủ lạnh? Ấy, còn cái khoản tiêu rừng, lá rừng nữa. Nhiêu đó là đủ để lý giải vì sao món ăn nướng lồ ô ở đây ngon hơn rồi.
Trong bụng tôi cứ “sướng rân” khi nghe bạn bè hít hà khen và ăn các món nướng ống lồ ô như "gió cuốn mây bay".
Tôi càng thấy vui hơn khi nhóm bạn thành phố ấy đều chia sẻ: Lần đầu tiên trong đời mình được thưởng thức “ẩm thực ống lồ ô” tuyệt vời đến vậy. Những món ăn ấy đậm đà, đẫm hương vị núi rừng, đong đầy tình cảm, sự phóng khoáng và chiều sâu tâm hồn, thực sự là tinh túy của đại ngàn.
Sống ở phố núi Kon Tum, tôi tự hào khi nói với bạn rằng: Ẩm thực Kon Tum không chỉ nổi tiếng xa gần bởi cơm lam, gà nướng. Lần sau bạn đến, tôi sẽ chiêu đãi thêm những món độc đáo khác, ít nhất cũng hấp dẫn như “ẩm thực lồ ồ” vậy.