Vùng đất của Sâm dây
Tu Mơ Rông là một trong 2 huyện nghèo nhất của tỉnh Kon Tum, có 11 xã đặc biệt khó khăn. Nhưng ngược lại, Tu Mơ Rông lại được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, quanh năm mát mẻ, là vùng đất có nhiều loại cây dược liệu quý. Ngoài cây quốc gia – Sâm Ngọc Linh, Sâm dây là loại dược liệu quý với tiềm năng lớn trên mảnh đất Tu Mơ Rông.
Xác định tiềm năng lợi thế của huyện là vùng khí hậu lạnh, diện tích rừng tự nhiên lớn với trên 67.000ha, có những cây dược liệu quý- Sâm dây (Hồng Đẳng sâm), huyện Tu Mơ Rông đã và đang có các chính sách để phát triển lại cây này vì dễ trồng, dễ chăm sóc, vốn đầu tư không nhiều như Sâm Ngọc Linh và đặc biệt cũng dễ tiêu thụ.
Cây Sâm dây thường mọc tự nhiên đều ở tất cả các xã ở huyện Tu Mơ Rông nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là ở các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây, Ngọc Yêu… Cây Sâm dây thường mọc lẫn trong các trang cỏ, nương rẫy, ven rừng, ven suối. Cây nở hoa khoảng tháng 8 và tháng 9, mùa quả nhiều vào tháng 10,11 hàng năm.
Vì nhu cầu mua Sâm dây ngày càng nhiều nên hiện cây Sâm dây bị người dân khai thác một cách ồ ạt, nên đến nay, nguồn sâm dây tự nhiên cũng đang dần cạn kiệt. Do đó, việc trồng Sâm dây trở thành một yêu cầu bức thiết, không chỉ để bảo vệ nguồn cây dược liệu quý mang tính đặc hữu ở Tu Mơ Rông mà còn giúp người dân giảm nghèo và làm giàu từ Sâm dây. Trước thực tế này, Trung tâm ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ Kon Tum đã nghiên cứu nuôi cấy mô, nhân giống vô tính cây Sâm dây và đưa vào trồng thử nghiệm trên 3,5ha. Sau 2 năm trồng thử nghiệm, Sâm dây đã cho thu hoạch và hiện đang được triển khai, nhân rộng ở huyện Tu Mơ Rông.
Cùng với sự vào cuộc rất tích cực của các nhà nghiên cứu, huyện Tu Mơ Rông cũng có những chính sách nhằm phát triển cây dược liệu quý này và giúp người dân thoát nghèo. Bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ của huyện, đội ngũ cán bộ kỹ thuật phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thu gom quả Sâm dây trong tự nhiên, tự ươm giống, xây dựng thành quy trình và trực tiếp cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cho người dân. Minh chứng là vườn Sâm dây của gia đình anh A Công ở làng Mô Pả, xã Đăk Hà với diện tích trên 5000m2 được các cán bộ kỹ thuật phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện hỗ trợ cây giống và quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, anh đã làm đúng hướng dẫn nên sau gần 1 năm xuống giống, cây đã cho củ khá to. Có điều khác với Sâm dây mọc tự nhiên, vườn Sâm của anh được lên luống và cắm cọc cho dây leo, phương pháp trồng này đã thực sự mang lại hiệu quả.
Ông Hoàng Dũng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tu Mơ Rông cho biết: Cây Sâm dây rất phù hợp với khí hậu trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông và có thể trồng bằng thức thâm canh. Đặc biệt, đây là loại cây dây leo, rất dễ trồng, ít công chăm sóc, ít phải dùng phân bón mà chủ yếu là chịu khó làm cỏ để sạch, làm đất. Dây leo đến đâu là củ mọc đến đó. Nếu tiến hành trồng có chăm sóc cẩn thận thì khoảng sau 1,5 - 3 năm sẽ cho thu hoạch với khả năng có thể đạt hàng trăm triệu đồng/ha. Để phục vụ việc nhân ra diện rộng loại dược liệu quý này, hiện nay, Phòng Nông nghiệp huyện đang tiếp tục nhân giống để cung cấp cho bà con trong huyện phát triển loại cây dược liệu này.
Cây Sâm dây vừa dễ trồng, dễ chăm sóc và hiệu quả kinh tế cao, đang được người dân ở vùng rừng núi Ngọc Linh Tu Mơ Rông phát triển. Và thực tế, tại huyện Tu Mơ Rông đã có không ít hộ dân làm giàu từ cây Sâm dây này. Điển hình như chị Y H Lạng, Làng Pu Tá,xã Măng Ri. Là người địa phương nên ít nhiều chị cũng hiểu biết về tác dụng của Sâm dây đối với sức khỏe con người nên ngay từ năm 2009 khi người dân ở đây khai thác ồ ạt, chị cũng vào rừng đào củ sâm. Củ to chị bán, củ nhỏ chị mang lên rẫy trồng với mục đích vừa để bảo tồn giống cây quý này, vừa gây dựng vườn Sâm dây để có thu nhập ổn định lâu dài cho gia đình. Chị vừa trồng thành khu riêng, vừa trồng xen trong khu rừng thông, lúa rẫy, nhờ vậy, đến nay, gia đình chị đã phát triển được gần 1ha Sâm dây. Hàng năm chị có thu nhập trên 100 triệu từ Sâm dây. Kinh tế gia đình ngày càng phát triển từ nguồn bán củ, bán quả giống sâm dây, chị không những xây dựng được ngôi nhà vững chãi mà còn cho 3 người con ăn học đoàng hoàng và người con đầu của chị sắp tốt nghiệp đại học..
Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Y Hlạng còn vận động bà con trong làng cùng trồng Sâm dây để xóa đói giảm nghèo. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ Sâm dây của gia đình chị Y HLạng, dân làng đã tin tưởng và làm theo, đến nay cả một vùng đồi gần làng Pu Tá, xã Măng Ri đã phủ xanh cây Sâm dây.
Quyết tâm xây dựng thành sản phẩm hàng hoá
Từ những lợi thế của cây Sâm dây, Nghị quyết của Đảng bộ huyện Tu Mơ Rông cũng đã xác định và chủ trương phát triển cây Sâm dây là một trong 7 loại cây trồng chủ lực cho phát triển kinh tế của huyện, là hướng thoát nghèo bền vững. Vì thế, mới đây, Huyện uỷ Tu Mơ Rông đã ban hành Chương trình số 36 về phát triển ngành kinh tế mũi nhọn và các sản phẩm chủ lực của huyện trong đó có phát triển cây Sâm dây, phấn đấu đến năm 2020 sẽ phát triển diện tích Sâm dây sâm khoảng 250 ha.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, huyện Tu Mơ Rông đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về việc trồng Sâm dây xóa đói giảm nghèo. Hàng năm huyện ưu tiên tập trung nguồn lực để hỗ trợ cây giống và khuyến khích đồng bào dân tộc trong huyện phát triển mạnh diện tích Sâm dây, đồng thời, xây dựng chính sách kêu gọi thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển Sâm dây, xây dựng nhà máy chế biến dược liệu từ Sâm dây.
Ông Hà Hồng Duy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông khẳng định: Hiện nay UBND huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển ngành kinh tế mũi nhọn và các sản phẩm chủ lực của huyện, trong đó có cây Sâm dây để trình HĐND huyện trong kỳ họp tới. Khi HĐND huyện thông qua sẽ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện trong năm 2014 và những năm tiếp theo. Trong thời gian tới, để phát triển vùng nguyên liệu Sâm dây, huyện đang tiến hành quy hoạch đất sản xuất nông lâm nghiệp của 11 xã, ưu tiên quỹ đất để phát triển mạnh diện tích Sâm dây. Cùng với đó, kết hợp quy hoạch vùng sản xuất với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đồng thời, từ các nguồn vốn sự nghiệp KHCN của huyện, chương trình 135... huyện sẽ hỗ trợ cho nhân dân về giống và tạo điều kiện tốt để các doanh nghiệp quan tâm đến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ Sâm dây và các loại cây dược liệu khác.
Với những chủ trương, định hướng của huyện Tu Mơ Rông, chính quyền các xã đã và đang vận động, khuyến khích đồng bào dân tộc trong huyện phát triển Sâm dây để vừa bảo vệ nguồn dược liệu quý này, vừa tận dụng đất rẫy kết hợp trồng để nhanh chóng tăng mạnh diện tích Sâm dây hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Thực hiện cụ thể hóa chủ trương của huyện đối với Sâm dây, đồng bào dân tộc ở các xã trong huyện đã và đang đẩy mạnh phát triển mạnh diện tích Sâm dây, điển hình là tại xã Măng Ri .
Ông Lâm Quang Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết: Từ chủ trương của huyện, HĐND xã đã ban hành nghị quyết phấn đấu ít nhất mỗi hộ phát triển ít nhất 1 sào Sâm dây. Từ Nghị quyết này xã đã tiến hành vận động bà con dân tộc tận dụng quỹ đất kết hợp với sản xuất nương rẫy trồng xen cây Sâm dây, phấn đấu mỗi hộ có ít nhất từ 0,5 sào đến 1 ha. Phải nói thật, phong trào trồng Sâm dây ở Măng Ri đã được người dân bắt đầu phát triển cách đây khoảng 4 năm nay về trước, nhưng tập trung phát triển mạnh 2 năm trở lại đây. Và hiện, toàn xã đã có khoảng 90% số hộ đã trồng Sâm dây ở những khu đất trống, trồng xen tại các nương rẫy. Dù chưa thống kê hết được diện tích Sâm dây, nhưng ước toàn xã hiện có hơn 5 ha. Hầu hết các hộ dân đã tận dụng nương rẫy trồng manh mún xen giữa các loại cây trồng khác như cà phê, bời lời, lúa rẫy.
Để phát triển Sâm dây là một trong những loại cây trồng chủ lực, huyện Tu Mơ Rông đang có kế hoạch xây dựng định hướng “dài hơi” để vừa đầu tư, nhân rộng cũng như phát triển, mở rộng diện tích Sâm dây vừa để giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu một cách bền vững. Đồng thời, huyện cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất về cơ chế, chính sách và khuyến khích các doanh nghiệp đến đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến để xây dựng Sâm dây trở thành sản phẩm hàng hoá chỉ riêng có ở vùng rừng núi Ngọc Linh hùng vĩ.
Với lợi thế và tiềm năng về cây Sâm dây và những chính sách ưu đãi chủ trương đúng đắn của huyện Tu Mơ Rông đối với Sâm dây, tin rằng trong tương lai không xa, các sản phẩm từ Sâm dây sẽ trở thành “thương hiệu” riêng có của vùng rừng núi Ngọc Linh ở Tu Mơ Rông.
"Business is not only for profit but also for nation building - Kinh doanh không đơn thuần là lợi nhuận mà còn là sự kiến thiết đất nước"