Cách đây mấy năm, khi huyện Tu Mơ Rông triển khai trồng sâm dây (hồng đẳng sâm) đại trà cho nhiều xã thì bà Y Bắp đã biết trồng và kiếm hàng chục triệu đồng mỗi năm từ cây sâm này. Bà kể, ý tưởng trồng sâm dây lóe lên khi bà vay và tích lũy được một ít vốn nhờ mua bán hàng nông sản của đồng bào Xê Đăng trong vùng.
Hồi đó, mua bán, làm rẫy cật lực nhưng cũng chỉ đủ ăn, không có tiền lận lưng bao nhiêu. Trong khi đó, bà con vào rừng tìm cây sâm dây được bao nhiêu bán hết cho người dưới xuôi, còn rừng mỗi ngày một ít loài sâm này. Những chuyến vào rừng, Y Bắp thấy cây sâm này dễ mọc, chỉ cần nằm dưới đất ẩm là ngoi lên. Tới mùa thì rụng lá, sau đó lại nổi chồi non xanh rờn. Cứ thế, củ sâm cũng to lên sau mỗi chu kỳ rụng – mọc lá. Ý tưởng trồng sâm dây lóe lên trong đầu và Y Bắp bắt tay vào làm ngay. Khi mua sâm dây của bà con, Y Bắp giữ lại những củ nhỏ, chọn vùng đất rẫy mới làm mang ngay ra trồng xen với các loại hoa màu khác, vì “để lâu là rễ sâm héo không thể trồng được”.
Theo Hội Nông dân tỉnh Kon Tum, Y Bắp là người nhân hậu, sẵn sàng giúp đỡ bà con trong vùng về cây, con giống. Vừa qua Y Bắp được tỉnh cử đi dự Hội nghị điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp T.Ư tại Hà Nội.
Sau một thời gian vừa trồng vừa rút kinh nghiệm, khi thấy sâm trồng xuống đã phát triển tốt, Y Bắp từ trồng vài rẫy 1.000 – 2.000 m2 xen với bo bo, bắp, mì, lúa rẫy… đã mở ra nhiều hơn dưới tán cây công nghiệp như cà phê, cây bời lời. “Nói thiệt, hiện mình không biết có bao nhiêu diện tích sâm dây, nhưng 50 ha cây công nghiệp các loại thì sâm này đều có”, Y Bắp thiệt thà nói.
Khi vào rừng tìm sâm đem bán, đồng bào bản địa chỉ tìm được loại củ to bằng ngón tay cái vì sâm ngày càng cạn kiệt, chưa kịp lớn đã bị đào. Y Bắp trồng sâm, đợi mấy năm mới thu hoạch nên củ to gấp đôi, gấp ba. Theo Y Bắp, sâm dây càng để lâu năm củ càng lớn, bán càng được giá, loại củ lớn phơi khô giá 500.000 – 600.000 đồng/kg (7 – 10 kg củ tươi mới cho 1 kg củ khô), thương lái đến mua tận nhà. “Nếu bán hết sâm dây hiện tại, chắc thu được tiền tỉ”, Y Bắp tính toán.
Củ sâm dây tươi
Ở huyện Tu Mơ Rông, có 2 phụ nữ trồng sâm dây nổi tiếng, nhưng về quy mô và thu nhập thì Y Bắp mới là “khủng” nên người ta hay gọi bà là “Nữ hoàng sâm dây”. Ngoài thu nhập từ sâm dây, Y Bắp hiện đang sở hữu 15 ha cây bời lời (loại cây lấy vỏ để làm nguyên liệu sản xuất nhang). Đáng chú ý, gia đình chị còn đang sở hữu hàng chục ha sâm Ngọc Linh trồng đã đến thời kỳ thu hoạch (từ 37 – 40 triệu đồng/kg). Tuy nhiên, khi hỏi đến chị chỉ cười cười và bảo “việc trồng sâm Ngọc Linh là bí mật kinh doanh, chưa thể tiết lộ”. Ngoài ra, rẫy cà phê của Y Bắp đã cho quả mùa thứ 2, đang thu hoạch. Bà còn chăn nuôi heo, trâu, bò và thu nhập từ chăn nuôi cũng cho hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Theo đông y, cây sâm dây có vị ngọt hơi đắng, nhưng tính ấm. Sâm dây được sử dụng làm thuốc bổ, làm mạnh tỳ bổ phế; cầm ho, chữa ho do yếu phổi. Ngoài ra nó còn là cây thuốc chữa bệnh tiêu chảy do chức năng tiêu hóa suy nhược, sản phụ thiếu sữa cho cho bú, trẻ con hay đái dầm. Phương thức hay dùng nhiều nhất là ngâm sâm dây vào rượu không cao độ (trên dưới 40 độ)…
“Với phụ nữ ở đây, ai muốn trồng sâm dây, Y Bắp chia sẻ tất cả từ kỹ thuật trồng đến việc chăm sóc, bán sao cho có lời”, bà Y Bắp nói.