Cây “xóa nghèo” Được chọn để tham gia “Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh”, đầu năm 2013 anh A Chen ở thôn Chung Tam, xã Măng Ri, H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) được hỗ trợ hơn 2.500 cây giống và phân bón để trồng trên diện tích 0,5 ha của gia đình. A Chen bảo, đi các huyện có thấy cây cà phê và "nghe nói trồng cây này mau giàu lắm", nhưng ngặt vì nghèo, không có vốn để trồng. Thế rồi, một ngày nọ cán bộ xã lên bảo gia đình được chọn trồng cà phê, A Chen mừng như mở cờ trong bụng.
Từ ngày đó, A Chen được tham gia tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê catimor. "Nhận giống về trồng xong rồi hồi hộp chờ. Hầu như ngày nào tui cũng qua rẫy cà phê thăm nó. Thấy nó nứt cành, thay lá, rồi ra hoa. Ô, cái hoa trắng lắm, lòng tui vui như uống nước suối mát!", A Chen kể.
A Róc, Phó chủ tịch UBND xã Măng Ri, cho biết cùng đợt trồng với A Chen, đồng bào Xê Đăng ở đây còn đăng ký thêm 50 ha, nhưng do đang làm thí điểm nên chỉ có 45 hộ trồng được 11 ha. Ưu điểm của giống cây này là không cần tưới nước, chỉ cần phân bón và làm cỏ nên rất hợp với người địa phương. Cũng theo A Róc, ngoài dự án tỉnh Kon Tum hỗ trợ xã thì các dự án khác và trước đó dân cũng tự phát trồng loại cà phê này hiệu quả, nên dân rất tin tưởng.
“Trong hai năm đầu, người dân địa phương thu hoạch cà phê chín bói trên dưới 5 kg trái/cây, nhưng cây năm thứ 3 trở lên thu chính thức được từ 5 - 7 kg/cây, còn đạt nhất là 10 kg/cây, giá bán có năm 6.600 - 7.000 đồng/kg tươi, còn hiện nay chỉ 4.000 đồng/kg. Đây là cây đạt hiệu quả kinh tế cao nhất ở miền đất này”, A Róc nói và cho biết chính quyền xã cũng đang vận động người dân mở rộng diện tích cà phê xứ lạnh, phấn đấu ít nhất mỗi hộ có 0,5 - 1 ha. “Chỉ vài năm nữa, xã Măng Ri giảm hộ nghèo trông thấy", A Róc tự tin.
Diện tích tăng nhanh
Theo tính toán của H.Tu Mơ Rông, sau 10 năm triển khai trồng cà phê catimor, đến nay địa phương đã phát triển đại trà ra nhiều xã Ngọc Yêu, Măng Ri, Tê Xăng, Đăk Rơ Ông, Đăk Tờ Kan… với 630 ha, trong đó có gần 200 ha đã cho thu hoạch. Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông, ông A Hơn, cho rằng người Xê Đăng đã thực sự "hít" cây cà phê catimor nên chú trọng đầu tư phát triển khá mạnh. Chỉ trong năm 2015, diện tích cà phê trồng mới toàn huyện đã vượt hơn 260% kế hoạch (175 ha/70 ha kế hoạch).
“Cà phê catimor rất phù hợp với thời tiết khí hậu ở vùng núi cao Tu Mơ Rông. Hầu hết diện tích cà phê trồng mới đều đạt tỷ lệ sống hơn 90%, cây phát triển xanh tốt. Đặc biệt là ít phải chăm sóc, trong khi giá cả cũng như chất lượng cao hơn những giống cà phê khác. Địa phương đã xác định phát triển cà phê catimor là cây trồng chủ lực trong chiến lược xóa nghèo bền vững cho người dân cũng như trong chiến lược phát triển kinh tế của huyện”, ông A Hơn nói. Hiện huyện này khuyến khích đồng bào chuyển đổi diện tích đất trồng mì sang trồng cà phê.
Trao đổi với PV Thanh Niên, Phó phòng Nông nghiệp Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, ông Trần Văn Cao Sơn cho hay cà phê catimor đã có mặt trên nhiều vùng đất ở tỉnh và khẳng định hiệu quả rõ rệt. Đầu năm 2014, Kon Tum tiếp tục triển khai "Đề án phát triển cà phê xứ lạnh" tại 3 huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông, đến nay phát triển 364 ha với 1.358 hộ tham gia. “Địa phương đã tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê và đầu tư gần 9 tỉ đồng để cấp tận làng gần 2 triệu cây giống cùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho đồng bào. Đến năm thứ 3 cà phê cho thu hoạch chính, đồng bào đã có sản phẩm bán ra thị trường để tái đầu tư thì tỉnh sẽ không cấp miễn phí giống và vật tư nông nghiệp nữa", ông Sơn nói.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, cà phê catimor trồng 5.000 cây/ha, với đơn giá hiện nay 4.000 đồng/kg thì thu về 100 triệu đồng/ha (năng suất 5 kg trái/cây). Đây là cây có giá trị kinh tế nhất ở các vùng xứ lạnh của tỉnh. Theo "Đề án phát triển cà phê xứ lạnh" của UBND tỉnh Kon Tum, năm 2016 tỉnh sẽ đầu tư trên 7,6 tỉ đồng để hỗ trợ dân trồng 384 ha cà phê catimor và đến năm 2018 trồng 1.600 ha.