Phân biệt sâm dây Ngọc Linh và sâm dây Trung Quốc?
Câu hỏi:
Phân biệt sâm dây Ngọc Linh và sâm dây Trung Quốc?
Trả lời:
Sâm dây hay còn gọi là đảng sâm được đang dần được biết đến và sử dụng nhiều trong các gia đình. Tuy nhiên trên thị trường cũng có nhiều loại sâm dây đặc biệt là sâm dây Trung Quốc. Bài viết sau đây giúp quý khách nhận biết được sâm dây Ngọc Linh và sâm dây Trung Quốc !
Sâm dây hay còn gọi là đảng sâm mọc chủ yếu ở khu vực Đông Á với 2 loại phổ biến nhất là Codonopsis Pilosula và Codonopsis Javanica .
Codonopsis Pilosula phân bổ ở Trung Quốc và Triều Tiên , có thân nhỏ , dài , thân mềm , màu vàng :
Sâm dây ở Việt Nam là loại Codonopsis Javanica , có thân ngắn hơn , to và cứng hơn , màu nâu sậm hơn.
Ở Việt Nam cũng có sâm dây Codonopsis Pilosula được bán tại các phố dược liệu Hải Thượng Lãn Ông . Khi các bạn hỏi mua sâm dây sẽ được đưa ra loại sâm dây này.
Quý khách có thể xem hình dưới để so sánh , nhận ra sự khác nhau giữa 2 loại sâm dây này :
Sâm dây Trung Quốc có màu vàng nhạt , thân mềm dài ,không mùi nếm thử có vị chua , nấu nước lên cũng có vị chua , còn sâm dây Việt Nam cụ thể là sâm dây Ngọc Linh khô cứng , có mùi thơm đặc trưng , nếm có vị ngọt dịu ,nấu nước thơm ,ngọt. Đó là cảm nhận ban đầu khi tiếp xúc giữa 2 loại sâm dây.
Về cơ bản các loại sâm dây có tính năng khá giống nhau , chúng tôi không khẳng định sâm dây Ngọc Linh tốt hơn . Sâm dây rất khó bảo quản,phải phơi sấy thật khô nếu không sẽ bị mọt mốc , với loại sâm dây Trung Quốc này thân dẻo mềm mà bảo quản được lâu không mốc , mọt thì không tránh khỏi ngi vấn sử dụng chất bảo quản. Hi vọng quý khách có sự lựa chọn để tránh tiền mất tật mang !
Cách ngâm rượu Sâm Dây thế nào?
Câu hỏi:
Cách ngâm rượu Sâm Dây thế nào?
Trả lời:
Sâm dây là loại thuốc bổ dưỡng với sức khỏe . Đây là 1 liều thuốc có mặt trong nhiều thang thuốc như “thập toàn đại bổ “ , “tứ quân tử thang”....thậm chí nhiều lúc còn được dùng để thay thế nhân sâm.Vậy nên có thể coi sâm dây như một vị thuốc bổ dưỡng dùng được hằng ngày để bồi bổ cơ thể.
Về cách dùng thì có thể dùng trong các món hầm thuốc bắc như gà ác , rùa , …nhưng phổ biến và đem lại hiệu quả nhất là sắc nước và ngâm rượu.
* Sắc nước :- Mỗi lần sắc nước khoảng 30-40gram với 2l nước. Dùng dao cắt khúc sâm dây thành 2 đốt ngón tay , rửa sạch cho vào nồi đun sôi khoảng 5 phút để bớt nóng rồi uống.
- Nước sâm dây có màu vàng , mùi thơm , uống vào có vị sâm , ngọt mát , sẽ ngon hơn khi uống nóng. Nên sắc nước uống vào sáng và trưa , hạn chế uống tối vì trong sâm dây có những hoạt chất bồi bổ làm kích thích thần kinh có thể gây khó ngủ.
- Nước sâm dây là một đồ uống tốt cho sức khỏe với hương vị thơm ngon dễ uống. Có thể xem như 1 loại đồ uống hằng ngày bồi bổ cơ thể hoặc thậm chí là một loại “trà” lạ , độc đáo có giá trị cao . Mỗi ngày chỉ tốn khoảng 40gram , chưa đến 30 ngàn cho một đồ uống bổ dưỡng cho cả nhà ,tin chắc sẽ không làm mọi người thất vọng với nước sâm dây Ngọc Linh.
* Ngâm rượu :- Cứ 1kg sâm dây khô ngâm với 10l rượu ngon( trên 40 độ) trong vòng 6 tuần là uống được. Tốt nhất nên ngâm rượu trong thẩu thủy tinh hoặc chum sành thì rượu sẽ ra ngon nhất.
- Khi đủ thời gian ngâm sẽ thấy rượu có màu vàng cánh gián đẹp mắt , mùi thơm nồng , uống vào có vị ngọt của sâm . Mỗi ngày dùng khoảng 100ml vào 2 bữa trưa và tối. Uống vào sẽ có cảm giác ăn ngon miệng , ngủ ngon , người thoải mái, khỏe mạnh.
- Cảm giác tự mình ngâm , ra 1 loại rượu thơm ngon và nhất là thật sự bổ dưỡng với sức khỏe , tin chắc quý khách sẽ hài lòng với thẩu rượu sâm dây Ngọc Linh
Sâm bổ hay độc với trẻ nhỏ?
Câu hỏi:
Sâm bổ hay độc với trẻ nhỏ?
Trả lời:
Trước hết phải khẳng định ngay rằng nhân sâm có thể dùng cho bất cứ lứa tuổi nào, vấn đề là ở chỗ phải trả lời chính xác hai câu hỏi: dùng khi nào và dùng như thế nào?Trong y học cổ truyền, các vị thuốc có công dụng bổ dưỡng không ít, trong đó có nhiều thứ nổi tiếng như nhân sâm, nhung hươu, đông trùng hạ thảo, cao hổ cốt, thục địa, đương quy... Nhưng, như cổ nhân đã nói “dược tính giai thiên”, có nghĩa là thuốc y học cổ truyền nói chung và thuốc bổ dưỡng nói riêng đều mang tính thiên lệch, có thứ thiên hàn, có thứ thiên nhiệt, có thứ bổ âm, có thứ bổ dương, bổ khí, bổ huyết khác nhau. Vậy nên, trong quá trình chẩn trị, người thầy thuốc y học cổ truyền trên cơ sở nắm vững tính vị của từng vị thuốc phải biết lựa chọn, phối hợp một cách khôn khéo và hợp lý để đạt được mục đích lấy cái thiên lệch của dược liệu mà điều chỉnh cái thiên lệch trong cơ thể con người nhằm lập lại cân bằng âm dương, khí huyết.Nhân sâm là một vị thuốc có công dụng đại bổ nguyên khí, được dùng trong y học cổ truyền từ hàng ngàn năm nay. Trong nhi khoa đông y, nhiều chứng bệnh rất cần dùng nhân sâm nói riêng và các loại sâm khác nói chung như đẳng sâm, cát lâm sâm, tây dương sâm, thái tử sâm... Ví dụ, khi trẻ bị mắc chứng cam tích (suy dinh dưỡng) ở thể tỳ vị hư nhược thì phương pháp điều trị phải bổ khí, kiện tỳ, ích vị và bài thuốc thường dùng có tên là Sâm linh bạch truật tán, trong thành phần có nhân sâm hoặc đẳng sâm thay thế; khi trẻ bị mắc chứng huyết hư (thiếu máu, suy nhược cơ thể; thường gặp trong giai đoạn hồi phục sau khi mắc các bệnh lý nội ngoại khoa) ở thể khí huyết bất túc thì phương pháp điều trị phải bổ khí, dưỡng huyết và bài thuốc thường dùng có tên là bát trân thang hoặc nhân sâm dưỡng vinh thang, trong thành phần các bài thuốc này cũng có nhân sâm hoặc một loại sâm khác thay thế. Bởi vậy, đối với trẻ em, nhân sâm có thể và cũng rất cần dùng khi yêu cầu trị liệu đặt ra.Tuy nhiên, như đã phân tích, nếu trẻ có thể chất khoẻ mạnh, phát triển bình thường, không bị mắc các bệnh lý thuộc hư chứng thì nhất thiết không cần dùng thuốc bổ nói chung và nhân sâm nói riêng. Nếu dùng thì trẻ phải được thầy thuốc chuyên khoa thăm khám toàn diện để chẩn đoán chính xác và xem bệnh lý của trẻ thuộc loại nào, từ đó mới lựa chọn thuốc bổ phù hợp. Nguyên tắc này không chỉ áp dụng với nhân sâm mà tất cả các loại thuốc bổ đông y khác như nhung hươu, cao hổ cốt, kỷ tử, hoàng kỳ, thục địa... cũng phải tuân thủ triệt để.Chỉ có bệnh lý thuộc thể khí hư mới cần dùng thuốc bổ khí, trong đó có nhân sâm nói riêng và các loại sâm nói chung. Nếu tuỳ tiện dùng nhân sâm cho trẻ bình thường, có thể làm xáo trộn quá trình dậy thì của trẻ, nhất là những bé trai ở độ tuổi từ 13 – 16 tuổi. Những tác dụng phụ do dùng nhân sâm gây ra còn khiến trẻ bị rối loạn đường tiêu hoá, thần kinh không bình thường, lâu dài dẫn đến mất ngủ và dễ bị kích động…
( Theo ThS.BS Hoàng Khánh Toàn // SGTT Online)
Làm thế nào để sử dụng sâm hiệu quả nhất?
Câu hỏi:
Làm thế nào để sử dụng sâm hiệu quả nhất?
Trả lời:
1. Dùng để bồi bổ cơ thể
Pha trà uống: Nhân sâm thái thành lát mỏng, mỗi lần dùng 1-2g, cho vào ấm, đổ nước sôi vào như là pha trà. Sau 5 phút có thể rót ra uống dần như trà. Có thể hãm vài lần như vậy, sau khi thấy mùi vị đã nhạt thì lấy bã ra nhai và nuốt dần.
Sâm tán bột: Sâm sấy khô, tán mịn, mỗi lần dùng 1-2g, có thể dùng bột sâm pha nước uống hoặc uống trực tiếp bột sâm và chiêu bằng nước đã đun sôi.
Hai cách kể trên thường áp dụng đối với chứng “khí hư” trong Đông y, với những biểu hiện chính: Người mệt mỏi, hay vã mồ hôi, thở yếu, chuyển hoá cơ bản kém.
Ngậm tan: Sâm thái thành lát thật mỏng, mỗi lần ngậm một lát, cho đến khi mềm nát thì nuốt dần, ngày nuốt 3-4 lát.
Cách dùng này thường áp dụng đối với người mắc bệnh lâu ngày, mệt mỏi, kém ăn, cùng chứng “phế hư”- chức năng hô hấp suy giảm, phổi yếu, thở gấp, ho suyễn.
Sắc uống: Nhân sâm thái lát, mỗi ngày dùng 5-10g, sắc kỹ với nước, pha thêm 20-30g đường vào, chia thành nhiều lần uống và ăn cả cái. Trường hợp dùng để cấp cứu: tăng sâm lên 30-60g, sắc uống hết ngay trong một lần.
Cách này thường dùng trong trường hợp cơ thể suy yếu nặng, sau phẫu thuật bị mất nhiều máu, cấp cứu lúc lâm nguy.
Nấu cháo ăn: Nhân sâm 3g, thái lát, sắc kỹ một lúc với nước, sau đó cho thêm gạo và nước vào nấu thành cháo ăn.
Cách dùng này có tác dụng bổ dưỡng, thích hợp với những người mắc các chứng bệnh mạn tính đường tiêu hoá và người già cơ thể suy yếu, răng hỏng nhiều.
Sâm hấp trứng gà: Trứng gà 1 quả, khoét 1 lỗ nhỏ ở đỉnh, cho 1-2g bột nhân sâm vào, trộn đều. Lấy một miếng khăn giấy thấm nước cho ướt để dán kín lại rồi đem hấp chín. Mỗi ngày dùng 1 lần.
Cách dùng này thường áp dụng để bồi bổ cơ thể đối với những người mắc các bệnh mạn tính.
Sâm hầm thịt gà: Dùng gà mái 1 con (gà chân đen càng tốt), làm sạch lông và tạp chất, mổ bụng cho 5-10g sâm thái lát vào rồi khâu kín lại; Hầm chín, ăn thịt, sâm và nước; mỗi tuần 1-2 lần.
Cách dùng này thường áp dụng để bồi bổ cơ thể phụ nữ sau thời kỳ sinh đẻ.
Lưu ý: Trong những trường hợp trên, nếu không có nhân sâm, có thể thay thế bằng đẳng sâm, hoặc sâm bố chính, chỉ cần tăng liều lượng lên khoảng 2-3 lần.
2. Không nên lạm dụng
Nhân sâm là một vị thuốc quý, song đó không phải là thứ “vạn linh chi dược”. Hơn nữa, nếu sử dụng không hợp lí, còn có thể dẫn đến cái hoạ “sát thân phá gia”, như người xưa đã cảnh báo.
Từ xưa, trong giới Đông y đã lưu truyền một câu thành ngữ: “Đại hoàng cứu nhân vô công, nhân sâm sát nhân vô quá”. Nghĩa là: Đại hoàng (vị thuốc thông dụng, tương đối rẻ) có cứu được bệnh cũng không được ghi công, trong khi đó nhân sâm giết chết người vẫn không bị buộc tội.
Trong sách “Y học nguyên lưu luận”, Danh y Từ Linh Thai còn đề cập tới một ngộ nhận rất đáng tiếc, đó là: Khi đã sử dụng đến nhân sâm mà bệnh nhân vẫn chết, người đời thường lầm tưởng rằng, thầy thuốc đã cố gắng tột độ, còn con cháu cũng đã hết mực hiếu nghĩa...
Chính vì vậy, từ xưa nhân sâm còn là thứ bị một số thầy thuốc thiếu lương tâm lợi dụng để tâng công, tránh tội.
Kết quả thực nghiệm dược lí hiện đại cho biết, độc tính của nhân sâm tương đối thấp. Tuy nhiên, nếu không có bệnh mà lạm dụng, hoặc là dùng liều quá cao, thời gian sử dụng quá dài, vẫn có thể xuất hiện các phản ứng trúng độc.
Khi bị ngộ độc nhân sâm, thường thấy những biểu hiện như mất ngủ, đau đầu, chóng mặt, thần kinh hưng phấn liên tục, trạng thái khoái cảm, huyết áp tăng cao, thân thể phù thũng, iả chảy lúc sáng sớm, da mẩn đỏ, mũi chảy máu v.v... Người phương Tây gọi đó là “Hội chứng lạm dụng nhân sâm”.
Một thông báo cho biết, có đôi thanh niên nam nữ khoẻ mạnh, đã dùng 30 gam hồng sâm, sắc lấy 800 ml cùng nhau uống; sau 10 phút cả hai người đều thấy đầu choáng, phiền táo, mắt nhìn không rõ vật, ngôn ngữ rối loạn, thần trí mơ hồ v.v... may được cấp cứu kịp thời nên mới thoát nạn.
Một thông báo khác cho biết, một trẻ sơ sinh, ngay trong buổi sáng đầu tiên đã “được” cha mẹ cho uống nước sắc của gần 1 gam sâm Cao Ly. Sau đó liền thấy đứa trẻ kêu khóc liên tục, không ngủ, chân tay co giật, thở gấp cùng với những triệu chứng nhiễm độc cấp tính khác; sau đem đi cấp cứu cũng không cứu nổi.
3. Những trường hợp không nên dùng
Người khoẻ mạnh không nên dùng sâm
Người xưa thường bảo, đang khoẻ mạnh mà dùng sâm, chẳng khác gì ngôi nhà đang vững chắc lại đục tường cấy thêm cột vào để gia cố; như vậy không chỉ vô ích mà còn khiến ngôi nhà chóng hư hỏng hơn.
Quan sát lâm sàng hiện đại cho thấy, không có bệnh mà dùng sâm có thể làm huyết áp tăng cao, miệng khô lưỡi rát, đại tiện táo, chảy máu mũi và rối loạn chức năng nội tạng.
Cao huyết áp, xơ mỡ động mạch, không nên dùng độc vị nhân sâm
Trong sâm có một số chất có tác dụng chống phân giải chất béo, ví dụ như aspartic acid, arginine... Do đó, khi dùng sâm, quá trình tích mỡ ở một số cơ quan và thành mạch máu sẽ có thể gia tăng, như vậy có thể gây nguy hiểm đối với người bị cao huyết áp và xơ mỡ động mạch.
Phụ nữ đang mang thai nói chung không nên dùng nhân sâm
Theo quan niệm của Đông y học, phụ nữ khi có thai nói chung không nên sử dụng đến phương pháp “đại bổ”.
Nếu dùng quá nhiều các thứ thuốc bổ như nhân sâm, long nhãn, gà hầm... có thể sinh ra một số chứng bệnh ở tỳ vị, trở nên phiền táo, trong miệng mọc mụn...
Ăn uống cần có đủ chất, nhưng không nên tiến hành bổ dưỡng quá nhiều, tạo nên sự dư thừa, gây cản trở cho quá trình chuyển hoá và nuôi dưỡng thai nhi.
Không dùng sâm bừa bãi đối với trẻ em
Trong sâm có một số thành phần như panacen, panaquillon, panaxin, panax sapogenol... có thể gây ngộ độc. Trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh, cơ thể còn non yếu nên rất dễ trúng độc.
Trẻ bị ngộ độc sâm, thường có các triệu chứng: hay kêu khóc, quấy nhiễu không yên, mặt nhợt nhạt, xuất hiện các vết tím bầm, co quắp, thở gấp, tim đập chậm, nôn mửa v.v...
Cho nên, khi sử dụng sâm đối với trẻ em, cần có sự hướng dẫn cẩn thận của thầy thuốc. Chớ nên cho trẻ uống sâm để “giải nhiệt”!
4. Giải độc nhân sâm
Đối với các phản ứng nhiễm độc nhân sâm, trường hợp nhẹ chỉ cần ngừng sử dụng là cơ thể sẽ dần dần hồi phục. Trường hợp nặng phải đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu. Trường hợp ngộ độc nhẹ, có thể dùng củ cải hoặc hạt củ cải giã nát sắc uống, cũng mang lại hiệu quả nhất định.
Sâm dây Kon Tum có tác dụng gì?
Câu hỏi:
Gần đây tôi đi du lịch ở Kon Tum. Có lần vào nhà hàng ăn đặc sản thấy trên bàn có món "hồng sâm luộc". Theo như giới thiệu, đó là một loại sâm mọc hoang ở địa phương, có tác dụng tăng lực, bổ dưỡng rất tốt. Nay tôi viết thư này, mong được "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho biết thêm về tác dụng của loại sâm này?
Trả lời:
Quan sát mẫu thuốc bạn gửi đến, có thể xác định đó là vị thuốc trong Đông y gọi là "đảng sâm".
Cây đảng sâm là một loài dây leo, củ dùng làm thuốc bổ, nên dân gian thường gọi đó là "sâm dây". Tại Kon Tum, dân địa phương thường gọi là "hồng đảng sâm". Cây còn có nhiều tên khác, như "cây đùi gà", "mằn rày cáy" (dân tộc Tày), "co nha dòi" (Thái), "cang ho" (H’Mông), ...
Trong Đông y, vị thuốc đảng sâm được khai thác từ nhiều loài khác nhau - cùng thuộc chi Codonopsis, thuộc họ Hoa chuông (Campanulaceae).
Tại Việt Nam, thường gặp loài có tên khoa học là Codonopsis javanica (Blume) Hook. f. Loài này phân bố ở độ cao 900-2200m, có ở hầu hết tại các tỉnh miền núi; tập trung nhất ở Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, ... ở phía Nam, có ở núi Ngọc Linh (thường gọi là hồng đảng sâm ) và vùng Đà Lạt. Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc tương đối tập trung ở các vùng nương rẫy cũ, ven rừng, nhất là loại hình rừng núi đá vôi sau khi đã bị khai phá để lấy đất canh tác.
Đảng sâm (Codonopsis javanica) là một loại cây thảo sống lâu năm. Mọc bò hay leo bằng thân quấn; phân nhánh nhiều, phía dưới hơi có lông, phía ngọn nhẵn. Toàn cây có nhựa mủ trắng. Lá mọc đối, ít khi mọc so le; gốc lá hình tim; đầu lá nhọn, phiến lá mỏng hình trứng rộng, dài 3-8cm, rộng 2-4cm; mép nguyên lượn sóng hoặc hơi khía răng cưa; mặt trên màu lục nhạt; mặt dưới màu trắng xám, nhẵn hoặc có lông rải rác. Hoa mọc riêng ở kẽ lá. Có cuống dài 2-6cm. Đài có 5 phiến hẹp; tràng hình chuông, màu trắng hoặc hơi vàng, có vân tím ở họng; chia 5 thùy, nhị 5, chỉ nhị hơi dẹt; bao phấn dính gốc; bầu hình cầu có 5 ô. Quả nang hình cầu, có 5 cạnh mờ, đầu bẹt, phía trên có một núm nhỏ hình nón, đường kính 1-2cm, có đài tồn tại; khi chín màu tím hoặc tím đỏ; hạt nhiều, màu vàng nhạt, bóng. Rễ hình trụ dài, đường kính có thể đạt 1-1,7cm. Đầu rễ phình to, trên có nhiều vết sẹo lồi của thân cũ, phía dưới thường phân nhánh; mặt ngoài màu vàng nhạt, khi khô màu vàng xám.
Củ đào về rửa sạch đất cát, cắt bỏ đầu rễ và rễ con; phơi nắng hay sấy nhẹ đến khô. Hoặc phơi sấy cho hơi khô, lăn cho mềm; sau đó lại tiếp tục phơi hoặc sấy đến khi khô hẳn.
Theo Đông y: Đảng sâm có vị ngọt hơi đắng, tính ấm; vào 2 kinh Tỳ và Phế. Có tác dụng làm mạnh tỳ vị, bổ phế khí, trừ đàm chỉ khái (cầm ho). Thường sử dụng để làm thuốc bổ, chữa ho do yếu phổi (phế hư khái thấu), tiêu chảy do chức năng tiêu hóa suy nhược (tỳ hư tiết tả), sản phụ thiếu sữa, trẻ nhỏ cam tích, đái dầm, ...
Ngoài sử dụng rễ làm thuốc, củ, ngọn và lá non cũng có thể sử dụng làm rau, chế các món ăn; quả cũng ăn được.
Một số đơn thuốc có sử dụng đảng sâm:(1) Chữa cơ thể suy yếu, người mệt mỏi (khí hư phạp lực): Dùng đảng sâm 15-30g, sơn dược (củ mài), đại táo (táo tàu) - mỗi thứu 9-15g; sắc nước uống trong ngày.
(2) Chữa ho do yếu phổi (Phế hư khái thấu): Dùng đảng sâm tươi 30g, bách bộ 9g; sắc nước uống trong ngày.
(3) Chữa sản phụ thiếu sữa: Dùng đảng sâm, đương quy - mỗi thứ 10-15g; hầm với thịt gà ăn. Hoặc dùng đảng sâm, trái vẩy ốc (tức “quả xộp”, “trâu cổ”, Ficus pumila L.) - mỗi vị 30g; sắc uống.
(4) Chữa khí hư: Dùng đảng sâm, rễ bùng bục - mỗi thứ 15g, hải phiêu tiêu (mai cá mực) 24g, rễ rau dền gai 30g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.
(5) Chữa trẻ nhỏ đái dầm: Dùng đảng sâm 20-30g, thịt lợn nạc 50-100g; hầm chín ăn (uống nước canh, ăn thịt).
(6) Chữa trẻ nhỏ cam tích: Dùng đảng sâm 15g, tiên mao 15g, thịt lợn nạc 50-70g; cùng hầm chín, chia ra ăn trong ngày.
Lương y HUYÊN THẢO