Sử thi Tây Nguyên – Huyền thoại và hiện thực

Thứ ba - 03/02/2015 18:42
Từ lâu, Tây Nguyên được biết đến như là miền đất huyền thoại, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần vô giá. Không chỉ là vùng đất của cồng chiêng, của rượu cần, đàn T’rưng… mà nổi danh hơn cả với tên gọi “xứ sở của sử thi”.
Sử thi Tây Nguyên gắn liền với tên tuổi những anh hùng thần thoại
Sử thi Tây Nguyên gắn liền với tên tuổi những anh hùng thần thoại
Bản anh hùng ca hoành tráng
 
Sử thi Tây Nguyên gắn liền với tên tuổi những anh hùng thần thoại, những anh hùng của buôn làng Tây Nguyên từng được bao thế hệ, bao đời nay ngưỡng vọng như Đăm San, Đăm Di, Dyông Dư… Nhưng điều thú vị và hấp dẫn ở sử thi Tây Nguyên là những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của nó với những cứ liệu lịch sử đầy thuyết phục về một giai đoạn lịch sử của dân tộc mà theo một số nhà nghiên cứu, sử thi Tây Nguyên có thể ra đời vào khoảng thế kỉ XVI, khi xã hội Tây Nguyên có những biến động to lớn do các cuộc chiến tranh giữa các buôn làng… Cũng theo các tài liệu lịch sử, sử thi Tây Nguyên đã được biết đến từ khá lâu, từ thời Pháp thuộc, đầu những năm hai mươi của thế kỉ trước… nhưng phải đến gần đây mới được nghiên cứu, khai thác một cách qui mô, sâu rộng hơn.
 
Theo các nhà nghiên cứu, cho đến nay, đã có hơn hai trăm bộ sử thi Tây Nguyên được sưu tầm, ghi chép và đang được tổ chức biên soạn; số còn lại đã được biết đến nhưng chưa kịp ghi chép cũng có hàng trăm bộ nữa. Trong đó, sử thi ngắn cũng có tới mấy trăm câu (sử thi H’điêu có 570 câu); sử thi tương đối dài thì có hàng nghìn câu, như Đăm San (2077 câu), Khinh Dú (5880 câu); có những sử thi rất dài, có lẽ dài nhất trong số những sử thi đã được biết cho đến nay là Ot N’rông của người M’nông khoảng 30.000 câu… Nhưng điều quan trọng hơn là dù ngắn hay dài, sử thi Tây Nguyên vẫn phản ánh một cách trung thực, sinh động đời sống sinh hoạt cộng đồng, cuộc đấu tranh vì những ý tưởng nhân văn cao cả mà sự kiện trung tâm là hình ảnh những người anh hùng (các M’tao) qua các cuộc chiến đấu dũng cảm, với tài năng phi thường của mình, đưa nhân dân đến hình thành những cộng đồng mới, đông đúc, giàu mạnh, vinh quang hơn… Một trong những hình ảnh tiêu biểu ấy là Đăm San, người  anh hùng của các buôn làng Tây Nguyên.
 
Có thể nói sử thi Tây Nguyên là một bản anh hùng ca hoành tráng nhất trong giàn hợp xướng của một dân tộc có hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất để sinh tồn và phát triển …
 
Những nghệ nhân huyền thoại
 
Điều đặc biệt ở sử thi Tây Nguyên là cách kể độc đáo. Dù văn bản có độ dài hàng trăm, hàng ngàn câu, nhưng vẫn có các cụ già thuộc lòng. Họ là những nghệ nhân, là những “kho tàng sống”, góp phần lưu giữ những giá trị tinh thần vô giá của người Tây Nguyên. Và đêm đêm bên bếp lửa nhà sàn vẫn trầm ngâm kể cho con cháu nghe, thường phải kể hàng chục đêm mới xong… Có lẽ vì được sáng tác theo một loại văn vần đặc biệt của người Tây Nguyên nên người ta dễ thuộc, dễ nhớ đến như vậy.
Già làng A Bek hát kể sử thi cho thanh niên làng Đăk Wớk, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy.
Nhưng còn một lý do quan trọng hơn là tình yêu thiết tha và lòng say mê đối với vốn văn hóa vô giá của dân tộc. Với họ mỗi lần kể sử thi là mỗi lần được nhập cuộc, được sống lại cái không khí cuộc sống cộng đồng cách nay hàng trăm năm… Mặt khác, cái khung cảnh huyền ảo của màn đêm, của không gian núi rừng như tạo nên một không – thời gian huyền thoại mà cũng rất thực và sống động lạ thường… Nếu ai đã được nghe kể Khan Ê Đê hay hơmon Bana thì hẳn không quên được cái ấn tượng của những đêm bên bếp lửa bập bùng và bên ché rượu cần giữa nhà rông hay nhà dài, nghệ nhân ngồi giữa kể sử thi và xung quanh con cháu, buôn làng ngồi nghe như nuốt từng lời, như hòa vào cái không gian huyền ảo, lung linh, lặng thầm cuộc sống.
 
Ngoài cách kể trên, còn một cách kể độc đáo hơn. Đó là cách người ta nằm kể. Mỗi lần như thế, nghệ nhân nằm trên một chiếc ghế chỉ dành cho khách quý và là chỗ ngồi của các nghệ nhân cồng chiêng trong các ngày lễ hội lớn. Nhà văn Nguyên Ngọc đã miêu tả:  Họ nằm đấy “đầu gối lên một chiếc gối cao, tay gác lên trán, trang nhã và đẹp như một vị tiên”. Và có điều rất kì lạ “ông cụ nhắm mắt lại mà kể. Vì sao vậy? Chính ở đây chứa đựng một trong những điều bí ẩn tuyệt diệu nhất của sử thi Tây Nguyên…”
 
Như vậy, với những giá trị văn hóa tinh thần vô giá, sử thi Tây Nguyên đã góp phần làm nên diện mạo của các dân tộc giàu bản sắc văn hóa ở một vùng đất huyền thoại và nhiều tiềm năng. Cho nên việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên, trước hết là tiếp tục sưu tầm, tổ chức biên soạn cũng như việc bảo tồn, lưu giữ, phát huy tác dụng và truyền lại cách kể sử thi nói chung là những việc làm cấp thiết và có một ý nghĩa cực kì to lớn. Đây có thể coi là sự sống còn của một cộng đồng, một dân tộc. Bởi lẽ, trong đời sống của người Tây Nguyên xưa nay, văn hóa phi vật thể mà sử thi là một yếu tố hay một bộ phận quan trọng có những tác động trực tiếp và gián tiếp…
 
Có một thực tế hiện nay là trong các buôn làng Tây Nguyên, việc dân làng tụ tập về nhà Rông hay nhà dài đêm đêm nghe già làng kể sử thi đã thưa vắng dần. Lớp người kế tục công việc của những nghệ nhân thì hầu như vắng bóng, trong khi lớp nghệ nhân – già làng thì ngày một thưa dần… Thiết nghĩ cần phải có nhiều hơn những việc làm cụ thể để gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Trong đó, không thể không nhắc tới việc hỗ trợ các nghệ nhân hiếm hoi còn lại truyền nghề cho con cháu mình.

Tác giả bài viết: Nguồn: baokontum.com.vn

Nguồn phát: samtuoingoclinh.com

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Tuyên bố trách nhiệm: Thông tin trên samtuoingoclinh.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên samtuoingoclinh.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
  • Xách ba lô lên tới Măng Đen Kon Tum,

    Xách ba lô lên tới Măng Đen Kon Tum, "Đà...

    Đến với Kon Tum, đến với Măng Đen, bạn được đến một cao nguyên đầy nắng và gió, nhưng Măng Đen cho bạn một cái gì đó nó rất khác, đối với riêng tôi, mỗi khi đến Măng Đen là một cảm giác gì đó tươi...

  • Tham quan bản làng của các dân tộc ở Kon...

    Tham quan bản làng của các dân tộc ở Kon...

    Tìm hiểu, chúng tôi biết thêm, nghề dệt thổ cẩm ở đây được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; người lớn truyền dạy cho lớp trẻ; cụ thể là phụ nữ/ con gái nhưng đơn lẻ chưa tập hợp thành tổ hợp...

  • Kon Tum: Chiêm ngưỡng chiếc cầu treo...

    Kon Tum: Chiêm ngưỡng chiếc cầu treo...

    Cầu treo Kon Klor đã trở thành niềm tự hào của người dân Kon Tum và là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi ghé thăm mảnh đất này.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây