Tuy nhiên, điều nghịch lý là diện tích loại cà phê nổi tiếng này ở Đà Lạt ngày càng teo tóp và có nguy cơ biến mất.
Trên 1,2 triệu đồng/kg
Ở độ cao trên 1.500 m so với mặt nước biển, có nhiều vùng đồi dốc thoai thoải cùng khí hậu mát mẻ với nền đất đỏ bazan, Cầu Đất (xã Xuân Trường, Đà Lạt) được xem là vùng đắc địa, lý tưởng nhất cho giống cà phê Arabica phát triển. Chính vì vậy, cách đây khoảng 140 năm, người Pháp đã đưa cà phê Arabica sang trồng tại vùng đất này.
Cụ Lê Văn Thọ (85 tuổi, ngụ xã Xuân Trường) nhớ lại: “Cách đây khoảng 60 năm, lúc tôi còn làm công nhân đồn điền cho người Pháp, đã nghe nói đến loại cà phê nổi tiếng này. Khi ấy người Pháp thu hoạch cà phê ở Đà Lạt rồi chế biến tại chỗ, đóng gói gắn nhãn hiệu “Arabica du Tonkin” chuyển đi phục vụ giới thượng lưu, quý tộc và xuất khẩu sang nhiều nước. Còn với người bình thường thì hầu như không mấy ai được biết đến hương vị loại cà phê trồng ở Cầu Đất này”.
Mới đây, sản phẩm cà phê rang xay Arabica Cầu Đất chính thức vươn ra thế giới thông qua hệ thống cửa hàng Starbucks. Được biết, loại cà phê này được bán với giá mỗi ký đã rang kèm hương liệu lên đến gần 50 USD (trên 1,2 triệu đồng) và được xếp vào dòng sản phẩm cao cấp.
Cà phê ngon số 1 thế giới trồng tại xã Xuân Trường, Đà Lạt.
Báo động
Hiện nay loại cà phê ngon số 1 thế giới này vẫn hiện diện trên vùng đất cao nguyên, nhưng diện tích ngày càng bị thu hẹp đến mức báo động.
Theo Chi cục Thống kê TP Đà Lạt, tổng diện tích cà phê trên địa bàn chỉ còn hơn 3.400 ha (chủ yếu là cà phê Arabica, được phân bố tại ba xã Xuân Trường, Trạm Hành và Tà Nung) trong tổng số 140.000 ha cà phê của tỉnh. Theo cơ quan này, diện tích và sản lượng cà phê Arabica Đà Lạt vẫn tiếp tục sụt giảm theo từng năm.
Ông Trương Diên Tỵ (64 tuổi, xã Xuân Trường) chia sẻ, từ năm 10 tuổi ông đã cùng gia đình bám trụ lại vùng đất này. Chỉ tay về đồi cà phê phía trước, ông nói giọng buồn: “Trước đây khu vực này toàn là cà phê Arabica. Nhưng nay gia đình tôi và nhiều gia đình khác bỏ trồng cà phê Arabica để chuyển sang trồng cà phê vối (robusta), trồng chè, tiêu... để cải thiện đời sống”.
Nhiều nông dân khác cũng cho hay, cà phê Arabica rất khó tính, dễ bị sâu bệnh tấn công, chi phí đầu tư nhiều và rất dễ bị tổn thương khi nhiệt độ quá lạnh hoặc chăm sóc không đúng cách... Còn cà phê Robusta dễ trồng, sản lượng cao và có sức đề kháng mạnh hơn cà phê Arabica. Cụ thể, năng suất bình quân cà phê Arabica thấp chỉ đạt 1,5-2 tấn/ha, trong khi cà phê Robusta 4-6 tấn/ha, thậm chí 8-10 tấn/ha. Giá một tấn cà phê Robusta dao động 34-35 triệu đồng, còn cà phê Arabica cũng chỉ ở mức 40-42 triệu đồng.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có giải pháp để giúp nông dân trồng cà phê Arabica có thu nhập ít nhất cũng bằng trồng các loại cà phê khác thì loại cà phê này có nguy cơ bị xóa sổ.
“Trong những năm gần đây, do hiệu quả kinh tế mang lại không cao, sâu bệnh diễn biến phức tạp… nên nhiều hộ dân đã phá bỏ vườn cà phê Arabica. Chỉ trong năm năm qua, diện tích cà phê Arabica của xã giảm khoảng 300 ha, hiện chỉ còn khoảng 1.000 ha”, ông Hà Phước Ta, Bí thư xã Xuân Trường, cảnh báo.
Giấc mơ Arabica
Ngay sau khi có thông tin tập đoàn Starbucks đưa cà phê Đà Lạt vào hệ thống, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch phấn đấu đến năm 2020 địa phương sẽ có khoảng 30.000 ha cà phê Arabica.
Theo ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm biến khu vực Nam Tây Nguyên trở thành một trong những vùng sản xuất cà phê Arabica ngon nhất thế giới.
“Xét về mọi mặt, Lâm Đồng là địa phương hội tụ đầy đủ yếu tố để có thể biến giấc mơ trên thành hiện thực. Cụ thể, tỉnh có diện tích cà phê lớn thứ hai cả nước, chỉ sau Đắk Lắk. Đặc biệt là địa phương sở hữu một vùng đất có cây cà phê Arabica chất lượng cao nhất Việt Nam”, ông S nhấn mạnh.
Sự sốt sắng của lãnh đạo chính quyền địa phương là điều dễ hiểu. Nhưng vẫn chưa có một giải pháp nào hiệu quả để phát triển cà phê Arabica, dù khó khăn trước mắt đã xuất hiện những người nông dân.
O6ng Trương Diên Tỵ tỏ ra trăn trở khi chúng tôi nói đến chuyện chính quyền địa phương sẽ triển khai phát triển mạnh cà phê Arabica. Ông nói: “Nghe người ta nói 1 kg Arabica bán trên thị trường giá cả triệu đồng, nhưng nông dân chúng tôi bán ra cũng chỉ hơn các loại cà phê bình thường vài nghìn đồng. Trong khi đó, cà phê Arabica sản lượng chỉ bằng một nửa so với các loại cà phê khác thì nông dân cũng không mặn mà để trồng cà phê nổi tiếng này đâu. Trừ khi Nhà nước có phương án hỗ trợ thỏa đáng và tìm đầu ra ổn định thì nông dân mới yên tâm sản xuất”.
Trang trại cà phê chồn Đà Lạt
Ông Nguyễn Quốc Minh từ TP HCM đã lên Đà Lạt đầu tư 42 tỷ đồng xây dựng trang trại trồng cà phê sạch - nuôi chồn và sản xuất chế biến cà phê chồn. Trang trại quy mô rộng 2 ha được ông Minh mua lại vườn trồng cà phê Moka đang vào thời kỳ kinh doanh của người dân địa phương. Còn về giống chồn, ông mua 120 con chồn hương (cầy vòi hương) từ Indonesia và tại Đắk Lắk, đảm bảo là giống có nguồn gốc, xuất xứ, lý lịch về gia phả rõ ràng. Mỗi ký cà phê chồn bán với giá 20 triệu đồng, 200.000 đồng/ly.
Trước khi đưa cà phê Arabica Đà Lạt vào hệ thống, tập đoàn chuyên kinh doanh cà phê nổi tiếng thế giới Starbucks chỉ chọn sáu địa phương tại Indonesia, Kenya, Rwanda, Brazil, Colombia và Guatemala làm nhà cung cấp cà phê Arabica.