Theo quốc lộ 14, xe chúng tôi nhanh chóng bỏ lại sau lưng màu đất đỏ bazan để đến với vùng đất cát trắng Kon Tum. Là một trong năm tỉnh Tây Nguyên nhưng Kon Tum lại có một màu đất riêng biệt, sự riêng biệt ấy được chính phù sa của dòng Đak Blah bồi đắp qua ngàn năm mà thành.
Dòng sông chảy ngược
Đak Blah được coi là một trong những dòng sông “độc nhất vô nhị” trong hệ thống sông ngòi Việt Nam bởi chính dòng chảy ngược của mình. Trong khi các con sông khác đều chảy theo hướng từ Tây sang Đông, Đak Blah lại chọn vùng núi cao phía Đông Bắc làm điểm bắt đầu cho hành trình tìm ra biển của mình. Từ đây, sông chảy về phía Nam, uốn lượn bao bọc lấy thành phố Kon Tum rồi vòng sang hướng Tây, nhập chung với Krông Pô Cô thành sông Sê San chảy sang đất bạn Campuchia, sau đó hòa với sông Mê Kông hùng vĩ, ra biển. Những di chỉ, trầm tích mà các nhà khoa học đã tìm thấy trong cuộc khai quật tại Lũng Leng (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) vào năm 1999 và 2000 cho thấy đã có một quần cư sinh sống trên khúc sông này cách đây hàng vạn năm. Nói như vậy để ta có thể thấy được sợi dây gắn kết lâu dài của Đak Blah đối với người dân nơi đây.
Cánh đồng hoa màu tươi tốt bên dòng Đak Blah. Ảnh: Phương Linh
Chiều chiều, đứng trên cây cầu Đak Blah nhìn ra xa là hình ảnh của dòng sông êm đềm, thơ mộng, uốn lượn dưới ánh chiều hoàng hôn nhẹ nhàng, trái ngược hoàn toàn với nhịp sống hiện đại, ồn ào, náo nhiệt của thành phố nằm ở phía bên kia cây cầu. Hai bên bờ sông được tô điểm bởi hai màu chủ đạo: màu trắng của đất phù sa và màu xanh của những ruộng bắp đang mùa trổ bông, của vườn rau đang lên tươi tốt. Đắm mình trong khung cảnh nên thơ ấy, bất giác tôi chợt nhớ đến những ca từ rất hay trong bài hát Tình ca trên sông Đak Blah của nhạc sĩ Nguyễn Cường: “Dòng Đak Blah, Đak Blah/Vẫn ôm ghì thị xã/Như núi ôm mây/Như mây ôm núi/Như vòng tay của anh/Dịu êm, dịu êm…/Như tiếng chuông ban chiều đang chầm chậm buông rơi/Như khúc ca hôm nào anh dành tặng riêng em…”.
Lần tìm đến nhà chú A Jar-một nghệ nhân dịch sử thi Bahnar và Xơ Đăng, chúng tôi được nghe lại truyền thuyết trên dòng Đak Blah. Chuyện kể rằng ngày xưa có hai anh em sống bên dòng sông, người anh tên là Rok, to lớn, hung dữ, còn người em tên là Set lại đẹp trai và hết sức hiền lành. Ngày ngày, hai anh em chặn sông để đánh cá. Set chặn sông Pô Cô còn Rok chặn Đak Blah. Trong khi người em chỉ mong ước bắt được nhiều tôm cá thì người anh độc ác lại muốn mình bắt được thật nhiều con chàng hiu (chàng hiu-một biểu tượng của con người, thể hiện dã tâm muốn ăn thịt người-NV). Biết được tâm địa của anh mình, Set nhiều lần khuyên can nhưng không được. Một lần, trong lúc Rok đang loay hoay gỡ bẫy, Set đã cầm giáo đâm chết anh trai của mình, trừ hậu họa cho con người. Chiếc giáo đó sau này hóa thành đá ngay khúc giao của hai dòng Đak Blah và Pô Cô…
Tiềm năng và thách thức
Sự mở rộng của nhiều tuyến quốc lộ đi ngang qua đã khiến cho Kon Tum không còn là một miền đất bị bỏ quên nữa mà biến nó thành một mảnh đất đầy tiềm năng cả về kinh tế lẫn văn hóa.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum thì chỉ tính riêng trên dòng Đak Blah đã có tới 15 điểm khai thác cát sỏi với trữ lượng khai thác lên đến 120.000 m3 một năm, đáp ứng nhu cầu không chỉ cho người dân trong địa bàn tỉnh mà còn cho các tỉnh lân cận. Dòng nước mát hiền hòa cùng dải đất phù sa đã góp phần đem lại nguồn lợi lớn cho người dân trồng hoa màu hai bên sông với lợi nhuận lên đến hơn hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Theo ước tính, tổng sản lượng lương thực năm 2012 của tỉnh Kon Tum đạt 112,4 ngàn tấn. Phải tận mắt nhìn những ruộng lúa xanh tốt, những cánh đồng bắp mơn mởn, mới có thể mường tượng được hết sự trù phú mà Đak Blah đã ban tặng cho nơi này.
Nhiều dự án nhà máy như nhà máy mía đường, nhà máy giấy và bột giấy Tân Mai… được đẩy mạnh đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Ngoài ra, Đak Blah còn có tiềm năng lớn về thủy điện, có thể kể đến công trình nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum với tổng công suất là 220 MW.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận một thực trạng rằng Đak Blah đang đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt và ô nhiễm. Dòng sông là nơi hứng chịu mọi loại nước thải từ khu dân cư cũng như từ các nhà máy công nghiệp. Tình trạng khai thác cát bừa bãi dọc theo sông gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, nhiều nhà máy thủy điện chặn sông, chuyển nước khiến cho nước sông ngày một cạn kiệt. Thực trạng trên đang đe dọa trực tiếp đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân nơi đây.
Đứng trước sự đi lên không ngừng của thành phố, đứng trước những công trình xây dựng đang dần dần mọc lên bên Đak Blah, ông Y Bay (SN 1940, trú tại phường Quyết Thắng, TP. Kon Tum) lo lắng: “So với cách đây vài chục năm thì Đak Blah không thay đổi nhiều lắm. Nếu có khác thì nhà cửa, dân cư hai bên bờ sông đã đông đúc hơn, nhộn nhịp hơn và nước sông dường như có phần đục hơn, không còn trong như trước…”.
Vì vậy, để có thể gìn giữ được sự trong xanh, vẻ đẹp thơ mộng cũng như đảm bảo nguồn cung cấp nước bền vững và lâu dài cho cả thành phố thì Kon Tum cần cân nhắc nhiều hơn nữa những biện pháp bảo vệ, những chính sách đầu tư xây dựng bên cạnh dòng sông này.