Thành phố Kon Tum vốn nằm trên một đồng bằng nhỏ, trước đây từng là trung tâm hành chính cũ của người Pháp ở Tây Nguyên nên các cố đạo truyền giáo đến đây từ rất sớm. Nhà thờ Gỗ được một linh mục người Pháp tên là Décrouille thiết kế và trực tiếp điều hành xây dựng từ năm 1913 đến năm 1918. Nhà thờ có diện tích sử dụng trên 700m2 với vật liệu trang trí nội thất hoàn toàn bằng các loại gỗ quý. Riêng tháp chuông nhà thờ mang phong cách kiến trúc Gothic có chiều cao hơn 20m lại luôn thanh thoát mà vẫn không kém vẻ hoành tráng. Sàn nhà thờ được đặt cao hơn 1m so với mặt đất và hành lang chạy dọc, bao quanh giáo đường đã mang đúng sắc thái của nhà sàn Tây Nguyên. Có thể nói, công trình nhà thờ Gỗ chính là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc Roman và kiểu nhà sàn gỗ của người Ba-Na, một sự giao thoa đặc biệt giữa văn hóa Tây Nguyên và văn hóa châu Âu.
Với nguyên liệu chủ yếu bằng gỗ cà chít, nhà thờ Gỗ còn là một công trình khép kín gồm thánh đường, nhà khách, phòng trưng bày về phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc, nhà rông. Bước vào trong, không gian giáo đường nhà thờ Gỗ sẽ mở ra thênh thang cùng với các hàng cột gỗ đen bóng, các tín đồ sẽ càng cảm giác mình thật nhỏ bé trước công đức của Chúa Trời.
Sự pha trộn giữa kiến trúc nhà sàn tây Nguyên và kiến trúc nhà thờ phương Tây
đã tạo nên một công trình tôn giáo mang tính thẫm mĩ rất cao của Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum.
Hàng cột gỗ của nhà thờ được chạm trổ các hoa văn tráng lệ.
Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum, còn có tên là nhà thờ Gỗ,
một công trình kiến trúc độc đáo và là niềm tự hào của người dân tỉnh Kom Tum.
Sàn nhà thờ được lát hoàn toàn bằng gỗ và cách mặt đất khoảng 1m.
Một bức tranh cổ được đặt trong giáo đường của nhà thờ.
Các khung cửa kính màu của nhà thờ được trang trí các bức tranh mô tả các điển tích trong kinh thánh.
Nhà thờ có diện tích sử dụng hơn 700m2 với nội thất được trang trí hoàn toàn bằng các loại gỗ quý chạm trổ hết sức công phu.
Một buổi sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc bản địa trong giáo đường nhà thờ gỗ.
"Nhà thờ gỗ là tên gọi của người Kon Tum cho nhà thờ Chánh tòa, tọa lạc ngay trung tâm Thành phố. Cái tên ấy xuất phát từ vật liệu chính làm nên nhà thờ. Hiện diện trên mọi chi tiết kiến trúc của nhà thờ là màu gỗ nâu đen."
Là nơi sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc bản địa nên giáo đường của nhà thờ cũng được trang trí các hoa văn, họa tiết mang đậm bản sắc Tây Nguyên, tạo ấn tượng vừa trang nghiêm huyền bí vừa hết sức gần gũi với người dân trong vùng. Những dãy ghế gỗ thẳng tăm tắp bên trong giáo đường cũng góp phần tạo chiều sâu cho không gian thêm trang nghiêm, mang đến cảm giác an bình cho du khách khi dừng chân cầu nguyện và chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính bao quanh mình.
Du khách tham quan giáo đường nhà thờ Gỗ còn rất ấn tượng trước nhiều khung cửa kính màu vẽ các điển tích trong Kinh thánh, với tác dụng lấy ánh sáng và tạo thêm vẻ rực rỡ, tráng lệ cho giáo đường. Trần giáo đường được xây dựng bởi rui, mè tre, đất, rơm và dù đã hơn một thế kỷ trôi qua bức trần này vẫn bền, đẹp cùng với thời gian. Nhà thờ Gỗ đã được dựng lên hoàn toàn bằng phương pháp thủ công từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân người Kinh đến từ Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi.... Nguyên liệu gỗ sau khi cưa xẻ, đục đẽo đều được gắn kết lại với nhau bằng mộng, không sử dụng đinh hay một thứ kết dính nào khác. Bên cạnh đó, chính sự pha trộn tôn vinh lẫn nhau của hai nét văn hóa kiến trúc vốn khác biệt là Tây Nguyên và phương Tây đã làm nên một công trình tôn giáo có tính thẩm mỹ rất cao.
Dù ở thời điểm nào trong năm, khuôn viên nhà thờ Gỗ cũng luôn mở rộng cửa cho khách tham quan. Chúng tôi đến đây trong một ngày bình thường như mọi ngày nên sự yên bình nơi nhà thờ càng trở nên thầm lặng. Bà con sinh sống xung quanh khu vực nhà thờ cho biết, nếu vào mùa hoa đậu nở (tháng 1, 2 hàng năm ), trên đường tới nhà thờ du khách sẽ gặp sắc hồng, sắc trắng của những con đường hoa làm lộng lẫy thêm nhan sắc Kon Tum. Còn nếu vào dịp lễ Giáng Sinh, du khách còn được chứng kiến hàng nghìn giáo dân đủ các tộc người tập trung ở ngay bãi đất trống trong khuôn viên nhà thờ trước cả tuần để tham dự lễ. Nhà thờ Gỗ lúc này như là một trung tâm của lễ hội, nơi khởi phát đức tin của đồng bào các dân tộc, trong không gian văn hóa đậm bản sắc Tây Nguyên…/.