Trong khuôn viên nhà thờ còn có cô nhi viện, cơ sở may, dệt thổ cẩm, cơ sở mộc để giáo dục, đào tạo và tạo việc làm cho nhiều mảnh đời không may. Khuôn viên nhà thờ luôn mở rộng cửa cho khách tham quan. Vào uống rượu trái cây do các nữ tu chưng cất và nhìn ngắm những em gái người dân tộc ngồi dệt thổ cẩm cũng là kỷ niệm khó quên về thị xã êm đềm này.
Đứng từ rất xa, du khách đã có thể nhìn thấy tháp chuông nhà thờ bằng gỗ ẩn hiện trong sương khói với màu nâu ấm áp nổi bật trên nền trời xanh trong của cao nguyên, thấp thoáng những kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ của nhà thờ được trang trí hài hoà cùng đường nét hoa văn các dân tộc. Vẻ độc đáo của nhà thờ được xây dựng bằng chất liệu gỗ là nơi đây toát lên vẻ trang nghiêm của nơi thờ phụng mà vẫn rất gần gũi với cuộc sống của người dân các dân tộc!
Một cảnh tượng không đâu có: ở sân trước khuôn viên rất rộng, nhiều người dân tộc ít người kính cẩn đi lễ với chân đất và mặc trang phục dân tộc… Cũng trên khuôn viên sân nhà thờ, bức tượng Đức Mẹ hai tay nâng bế Chúa Hài Đồng mang phong cách rất đặc biệt vì được làm từ một thân gỗ nguyên sơ, tạc theo phong cách mộc mạc của các dân tộc Tây Nguyên. Cung thánh nhà thờ được trang trí hoa văn nghệ thuật mang bản sắc Tây nguyên, tạo ấn tượng vừa trang nghiêm huyền bí vừa hết sức gần gũi.
Theo tư liệu lịch sử, nhà thờ gỗ Kon Tum được một vị linh mục Pháp xây dựng từ năm 1913. Từ đó, trải qua bao biến thiên lịch sử, nhà thờ gỗ Kon Tum trở thành một kiệt tác bởi kiến trúc gỗ mang phong cách Basilica còn tồn tại duy nhất trên thế giới. Không chỉ được thiết kế theo kiến trúc Roman, điểm độc đáo của nhà thờ ở chỗ phối hợp hài hoà kiểu nhà sàn của người Ba Na nên đậm sắc thái văn hóa, tín ngưỡng người dân cao nguyên từ những đường nét họa tiết đến những điểm nhấn trên chất liệu. Là một công trình khép kín gồm: giáo đường, nhà tiếp khách, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo, nhà rông. Tuy gồm nhiều công trình nhưng do sắp xếp hài hòa nên bố cục tổng thể nhà thờ không bị phá vỡ, ngược lại thánh đường còn được tôn thêm vẻ đẹp nhờ khu hoa viên với nhà rông cao vút, điểm xuyết các bức tượng làm bằng rễ cây có tính mỹ thuật cao.
Không gian kỳ vĩ của nhà thờ hiển hiện ngay ở hàng cột chính và phụ bên trong và bên ngoài hành lang đều bằng những thân cây gỗ quý to lớn… Bên trong nhà thờ, dàn khung tạo mái vòm cũng được làm bằng gỗ ! Bên cạnh chất liệu gỗ, nhà thờ không hề có bêtông cốt thép hay vôi vữa, chất liệu để xây dựng những bức tường đều bằng đất nhồi rơm theo kiểu xây nhà truyền thống thủ công của các nghệ nhân tài hoa từ Bình Định, Quảng Nam và miền Bắc vào. Trên tường rơm là những bức tranh kính màu về Chúa, Đức Mẹ rực rỡ khi ánh nắng vùng cao xuyên qua…
Hệ thống cột gỗ, rui mè trong nhà thờ tuy không chạm khắc tỉ mỉ, công phu như ở các nhà rường cổ, nhưng chính những hoa văn có đường nét phóng khoáng đã thể hiện được cái chất của người Tây nguyên, hồn nhiên và khỏe mạnh. Thánh đường có rất nhiều khung cửa kính màu vẽ các điển tích trong kinh thánh, các khung cửa này vừa có tác dụng lấy ánh sáng vừa tạo thêm vẻ rực rỡ, tráng lệ cho giáo đường. Không bê tông cốt thép, không một chút vôi vữa, nét độc đáo của ấn tích này là tất cả các bức tường đều được xây bằng đất trộn rơm - kiểu làm nhà của người miền Trung, dù gần một thế kỷ trôi qua vẫn vững vàng, bền đẹp.
Không xa nhà thờ Chánh Tòa là chủng viện Kon Tum do vị giám mục đầu tiên của giáo phận Kon Tum xây dựng từ năm 1935 đến năm 1938, cũng có kiến trúc tương tự như nhà thờ nhưng quy mô lớn hơn. Bước qua cổng, du khách cảm thấy thư thái với hai hàng cây sứ lâu năm tỏa bóng mát, thoảng hương thơm dìu dịu trên đường vào trong chủng viện. Trên tầng hai của chủng viện có một phòng truyền thống trưng bày chi tiết về lịch sử truyền giáo tại Kon Tum từ giữa thế kỷ XIX, gồm nhiều hiện vật, các bút tích… của những vị linh mục trên đường truyền đạo, các hình ảnh, tài liệu liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của giáo phận Kon Tum.
Cũng có thể coi đây là một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh này. Các hiện vật, bản đồ trưng bày trong chủng viện đều rất giá trị, được chạm khắc bằng gỗ tỉ mỉ. Điều đáng trân trọng là ở đây không bán vé tham quan, cũng không phải đóng góp tiền của gì và dù chỉ có một du khách, cô thuyết minh trẻ của chủng viện vẫn say mê kể chuyện với sự am hiểu sâu sắc về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng… Có lẽ người ở đây chỉ mong muốn cái hay cái đẹp của vùng đất Tây Nguyên được du khách đường xa biết tới. Đúng là một nơi không thể bỏ qua khi đến Kon Tum tìm hiểu lịch sử, văn hóa và đời sống người dân vùng đất này.
Một vị linh mục cho biết, nhà thờ Gỗ được dựng lên hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, bàn tay tài hoa của các nghệ nhân người Kinh từ Bình Định, Quảng Nam và cả từ miền Bắc vào đã làm nên điều kỳ diệu đó. Xem ra đến với nhà thờ Gỗ Kon Tum, người ta được ngắm một công trình nghệ thuật đã tồn tại cả trăm năm… Đại ngàn giờ đã lùi rất xa, màu áo thổ cẩm cũng ít thấy giữa phố núi. Nhưng tiếng chuông thánh đường vẫn vang vọng ngày ngày, cho đến khi nào con người còn cần những chốn thiêng liêng.