Theo ngôn ngữ Ba Na, Kon là làng, Tum là hồ, Kon Tum có nghĩa là Làng Hồ, bởi xuất phát vùng đất này từ xa xưa từng là một cái hồ lớn. Đặc điểm địa hình và khí hậu đa dạng đã tạo nên cho vùng cực bắc Tây Nguyên có những cảnh quan thiên nhiên độc đáo và quyến rũ.
Đến với Kon Tum, du khách không thể bỏ qua những địa điểm thiên nhiên nổi tiếng như núi Ngọc Linh, Lòng hồ Ya Ly, vườn quốc gia Chư Mom Ray, rừng đặc dụng Đắk Uy, rừng thông Măng Đen, thác Đắk Lung, suối nước nóng Đắk Tô…
Và còn nữa những bản làng của đồng bào anh em cùng thú vui ẩm thực càng đáng khám phá và để lại nhiều dư vị ngọt ngào. Ly cà phê phố núi cũng có vị đậm đà khác biệt.
Dân Kon Tum bảo, nếu có thống kê sẽ thấy mật độ quán cà phê ở Kon Tum so với tỷ lệ dân số của thành phố thuộc vào loại cao nhất nước! Có thể nói, uống cà phê không chỉ là một thói quen giải trí mà đã thành một nét văn hóa của người phố núi.
Tòa giám mục tại thành phố Kon Tum
Khởi động hành trình khám phá phố núi là chương trình “city tour” với những điểm đến quen thuộc, là những kiến trúc điển hình thấy rõ sự tinh tế của phương Tây giao hòa với sự mạnh mẽ, mộc mạc của kiến trúc dân tộc Ba Na: Nhà thờ gỗ là một công trình kiến trúc đặc biệt, được làm toàn bằng gỗ, xây dựng từ năm 1913 đến nay vẫn còn nguyên vẹn dù đã nhuốm màu thời gian theo từng thớ gỗ đen bóng được chạm khắc công phu.
Tòa Giám mục trầm mặc, uy nghiêm rợp bóng cây xanh giữa lòng thành phố và Nhà rông Kon K’lor – ngôi nhà rông truyền thống của người Ba Na cao vút, lớn nhất thôn Kon K’tu nằm bên cầu treo Kon K’lor.
Những cụ già thường quây quần dưới gốc cổ thụ vót nứa làm những vật trang trí cho nhà rông. Những bàn tay chai sần, gân guốc tỉ mỉ vót từng thanh nứa như giữ lại hồn cho bản làng.
Nhà rông Kon Jri ở xã Đắk Rơ Wa Dạo phố xong, khám phá vườn quốc gia Chư Mom Ray cũng là hành trình thú vịở cả đường đi và điểm đến. Vườn có diện tích gần 50ha, cách thành phố Kon Tum khoảng hơn 50km thuộc hai huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi, là nơi bảo tồn đa dạng sinh học, các loài động, thực vật rừng quý hiếm.
Để thay đổi không khí, du khách có thể đến với Ya Ly. Thủy điện Ya Ly hình thành một khu vực lòng hồ rộng lớn có cảnh quan xinh đẹp, thu hút nhiều người đến ngoạn cảnh và thư giãn cùng nhiều hoạt động đậm chất dân dã.
Đặc biệt, cá anh vũ ở đây là đặc sản, cá tươi rói dưới hồ câu lên chỉ cần nướng mọi là đã dậy mùi thơm lừng, ngon ngọt vô cùng. Giữa cảnh mây nước mênh mông, nhắm ly rượu kê sóng sánh thấy trời đất phiêu bồng.
Ngắm cảnh hồ rồi, cần tản bộ đôi chân, bạn có thể đi lên phía trên đập thủy điện. Ở đó, làng dân tộc Jarai thanh bình còn nguyên nét văn hóa của dân tộc Tây Nguyên với những người dân hiền lành, mến khách. Khói bếp nhà rông cùng mùi khoai, bắp nướng cũng làm khách phương xa gợi nhớ quê nhà.
Thuyền độc mộc bên dòng Đắk B’la Đi xa phố hơn, làng cổ Kon K’tu của người Ba Na dưới chân dãy núi Kong Muk và dòng sông Đắk B’la chảy mãi về Tây vẫn giữ vẹn nguyên sắc thái núi rừng Tây Nguyên hoang sơ. Người dân nơi đây tin rằng, dòng sông Đắk B’la chảy ngược là tặng vật linh thiêng mà Giàng dành riêng cho bản làng. Các cô gái ở trong vùng tắm gội trên dòng sông này sẽ luôn thanh sạch, tinh khiết, đẹp đẽ như những đứa con của nữ thần.
Nếu khách đến vào mùa lễ hội sẽ được chiêm ngưỡng nhiều sắc màu lễ hội rộn ràng, vui tươi. Còn nếu ngày thường, nếu khách yêu cầu, các cô sơn nữ làng Kon K’tu duyên dáng cũng sẵn lòng biểu diễn điệu múa xoang trong tiếng cồng chiêng của những trai làng.