Tượng đài Chiến thắng
Tên gọi Măng Đen xuất phát từ tên T’măng Deeng của người dân tộc M'Nâm, có nghĩa là vùng đất bằng phẳng và rộng lớn. Ở độ cao 1100m so với mặt nước biển và nằm giữa đèo Măng Đen và đèo Violăk, với rừng nguyên sinh và thông, khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ và đã có nhiều người ví Măng Đen như một Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên.
Đường vào Măng Đen
Chúng tôi đến Măng Đen bằng xe máy. Vừa đi, vừa dừng lại chụp hình, khoảng hơn 2 tiếng chúng tôi đến nơi. Tuy đèo Măng Đen có đến hơn 100 khúc cua tay áo nhưng đường dễ đi và khá mát mẻ, không thấy vất vả, mệt nhọc.
Sông Dăk Long chia hai nhánh
Măng Đen là dải phân cách giữa Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây, điều này thấy rất rõ khi chúng tôi dừng lại chụp hình tại một điểm khá độc đáo: hút sâu dưới chân đèo, con suối Đăk Long bẻ ngoặt hai nhánh hình chữ V, một đổ về Trường Sơn Đông và một về Trường Sơn Tây. Trên dòng chảy mạn Trường Sơn Tây, suối Đăk Long hợp với các suối khác thành sông Đăk Pơ-ne, rồi sông Đăk Pơ-ne hợp với sông Đăk Sơ-nghé ở Kon Rẫy tạo thành đầu nguồn sông Đăk Bla chảy băng ngang qua lòng thành phố Kon Tum (Kon Tum là thành phố duy nhất ở Tây Nguyên có sông chảy qua).
Măng Đen trước đây vốn là một nông trường thông
Một người bạn cho biết, Măng Đen trước đây vốn là một nông trường thông. Bên trong là rừng nguyên sinh. Các cơ quan hành chính nằm trên Quốc Lộ 14. Đi sâu vào bên trong là các khu resort. Chúng tôi chạy xe lòng vòng trong rừng nguyên sinh Măng Đen, qua các khu nghỉ mát, những con đường láng nhựa hoặc bê tông ngoằn ngoèo, những ngôi biệt thự thấp thoáng dưới rừng cây, những hàng cây mimosa lá trắng xanh ánh lên trong nắng, vài con ngựa quẩn quanh…Khung cảnh thanh bình, yên tĩnh.
Khu biệt thự nghỉ mát ở Măng Đen
Hồ ở Măng Đen
Chúng tôi ghé chùa Khánh Lâm. Chùa đang thi công trên một ngọn đồi cao, rộng 10ha. Theo thầy trụ trì, đây sẽ là tu viện và trung tâm hành hương của các Phật tử. Nếu không chịu khó bước 163 bậc đá để lên chùa bằng lối cổng tam quan phía trước, bạn có thể chạy xe một mạch lên chùa theo con đường vòng phía sau, con đường xuyên qua khu rừng sim và mua bạt ngàn màu tím ngát.
Cây Kơ Nia
Điểm cuối cùng chúng tôi ghé là Đồi Đức Mẹ. Đồi vẫn nguyên trạng hoang sơ, xanh mát lạ thường. Hôm đó vào thứ Hai nên thưa người đến viếng. Bạn bảo thứ bảy, chủ nhật, những ngày lễ trọng thì xe và người đến đây chật như nêm!
Ngồi trong một quán nước đơn sơ giữa rừng đồi, tôi cảm nhận lẩn quất đâu đó mùi hương hoa cà phê; nhưng bạn bảo, mùa hoa đã qua lâu rồi, đó là hương rừng, tổng hoà mùi hương của nhiều loại hoa, hăng hắc mà đằm sâu.
Mimosa quanh hồ
Đồi Đức Mẹ
Buổi trưa, chúng tôi ăn cơm ngoài trời, dưới bóng mát những tán thông. Bạn cho biết thêm một thông tin thú vị: thông ba lá này chính là “rừng xà nu” – tên một truyện ngắn của nhà văn Nguyên Ngọc có trong chường trình sách giáo khoa. Tiếng ve sầu inh ỏi, nhìn quanh chỉ thấy mây trời và thông ngút ngát. Khí hậu mát mẻ, bạn bè cởi mở, cơm gạo mới, không cần nhiều thức ăn vẫn thấy rất ngon.
Bạn tôi nói, mỗi người trong đời nên ít nhất một lần đến Măng Đen, đi vào mùa hè hay mùa đông đều có những thú vị khác biệt. Mùa hè được ngắm mây trời và mùa đông thì ngắm sương mù, đặc biệt nhiệt độ nơi đây hiếm khi vượt quá 20 độ C.
Tác giả bài viết: Tổng Hợp
Nguồn phát: samtuoingoclinh.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn