Bạn có thể đến Măng Đen bằng hai con đường chính, từ thị xã Kon Tum đi xuyên những cánh rừng thông ngút ngàn về phía Đông Bắc khoảng 50km, hoặc từ Quảng Ngãi men theo quốc lộ 24, bọc đèo Violăk, mất khoảng 137km về phía Tây Nam.
Đèo Violắk bắt nhịp thành phố Quảng Ngãi với Măng Đen - Ảnh: Kontumplus
Đường lên Măng Đen, thông reo vẫy gọi - Ảnh: Quang Vũ
Theo truyền thuyết người xưa kể lại rằng, Măng Đen có nghĩa là “vùng đất đẹp như tiên cảnh”, cái tên này có nguồn gốc từ dân tộc Mơ Nâm.
Một nhà sàn dân tộc tại Măng Đen - Ảnh: ChrisGoldberg
Măng Đen được vị thần quyền lực nhất của dân tộc Mơ Nâm sáng tạo nên, ông đã ưu ái dành cho nơi này những rừng thông bạt ngàn xa tít tắp, sông núi trùng điệp với cây lá cỏ hoa tươi tốt, ong bướm rập rờn khắp nơi, mưa thuận gió hoà hằng năm, thú rừng nhiều vô kể.
Vẻ đẹp như tiên cảnh của Măng Đen - Ảnh: Ngọc Viên Nguyễn
Quy tụ trên cánh rừng nguyên sinh ở Măng Đen là hàng trăm tác phẩm tượng gỗ được điêu khắc tỉ mỉ từ những bàn tay thô mộc của các nghệ nhân đến từ các buôn làng.
Vô số các tượng gỗ được đặt trong rừng Măng Đen - Ảnh: Hachi8
Măng Đen về đêm lại thêm phần hữu tình với tiếng rừng thiêng thở cùng dòng sông phản chiếu những ánh sao đang lững lờ trôi, xứng đáng là một trong những địa điểm ngắm sao tuyệt vời nhất Việt Nam mà bạn không nên bỏ qua. Những âm thanh trầm hùng trong đêm tĩnh mịch từ các con suối chảy róc rách, từ tiếng của chim thú trong rừng, đã tạo nên một bản hợp âm ru lòng người giữa đêm cô liêu.
Măng Đen huyễn hoặc lòng người về đêm - Ảnh: Thethaovietnam
Sau khi vị thần Plinh huynh sáng tạo ra Măng Đen, ông cảm thấy buồn vì một nơi đẹp như thế này lại không có con người sinh sống. Vậy nên Plinh huynh đã phái bảy người con của mình xuống Măng Đen lập nên những ngôi làng dân tộc trù phú, sung túc, đoàn kết bên nhau làm ăn sinh sống.
Một ngôi làng ở Măng Đen - Ảnh: Kontumgov
Bảy người con của Plinh huynh thương dân hết mực, chăm sóc cuộc sống cho nhân dân, họ dạy dân làm rẫy, làm nhà, dạy dân dệt vải, dạy đàn ông săn bắn, dạy những người già kể chuyện cổ tích, truyền thuyết về làng mình, dân tộc mình, họ còn dạy cho con trai, con gái Mơ Nâm đánh cồng chiêng múa hát, khiến cho cuộc sống nhân dân ngày càng trở nên thịnh vượng và đậm đà bản sắc dân tộc.
Tái hiện hình ảnh lịch sử đậm đà bản sắc dân tộc Tây Nguyên - Ảnh: Hachi8
Gà nướng khói và Cơm ống lam là hai món đặc sản của Măng Đen - Ảnh: Internet
Cuộc sống ấm no hạnh phúc ở Măng Đen đã khiến cho bảy người con của Plinh huynh quên mất điều cấm kỵ mà ông dặn họ, vào một đêm lễ cúng trâu mừng năm mới (lễ cúng Yeeng), họ đã uống rượu say và phạm phải điều cấm khiến Plinh huynh nổi giận. Ông đã trừng phạt hết thảy cả bảy người con của mình cùng các thần dân ở Măng Đen, Plinh huynh đánh xuống Măng Đen 7 cột lửa và 3 tia sét nuốt chửng tất cả họ xuống lòng đất. Chỉ còn sót lại vài người không tham gia lễ hội, và họ đã duy trì nền văn hoá Mơ Nâm ở Măng Đen đến nay.
Bảy cột lửa và ba tia sét đó sau khi nguội tắt đã tạo thành 7 hồ nước và 3 dòng thác đẹp mê lòng người ở Măng Đen ngày nay. Bảy hồ nước đó là: Hồ Toong Ly lung, Hồ Toong Ziu, Hồ Toong Zơ Ri, Hồ Toong Săng, Hồ Toong Đam, Hồ Đăk Ke.
Hồ Đắk Ke đẹp ngất ngây giữa lòng Măng Đen - Ảnh: Jump_photos
Một góc hồ Đăk Ke như dát vàng dưới ánh hoàng hôn - Ảnh: Jump_photos
Chiều buông trên sông hồ Măng Đen - Ảnh: Jump_photos
Còn ba dòng thác được hình thành từ tia sét là: Thác Pa sỹ, Thác Đăk ke, Thác Đăk Pne. Thác Pa sỹ là dòng thác đẹp nhất ở Măng Đen, thác được hình thành từ 3 ngọn suối lớn nhất trên đất Măng Đen gộp lại và đổ xuống thành dòng thác, cái tên Pa Sỹ cũng bắt nguồn từ đó.
Thác Pa sỹ nghĩa là 3 nguồn suối chụm lại thành một dòng - Ảnh: Annie MJ
Thác Đăk Pne bắt nguồn từ suối Đăk Long chảy ngược dòng nhập vào ngã 3 sông Đăk Pne. Đây là nguồn sông từ đỉnh núi cao nhất nhập về sông Đăk Bla dẫn ra sông Sê San rồi hoà vào Sông Mê Kông và chảy về Đồng Bằng Sông Cửu Long.Thác Đắk Pne quyến rũ với góc chụp từ trên cao - Ảnh: Annie MJ
Hiện nay Măng Đen cũng là nơi sở hữu nhiều kiến trúc nhà thờ nổi tiếng độc đáo nhất việt Nam, là những công trình lịch sử đáng tự hào của dân tộc Tây Nguyên nói riêng và của Việt Nam nói chung. Một nơi không thể không ghé qua khi du lịch ở Măng Đen là Nhà thờ Chánh toà Kon Tum, hay còn gọi là Nhà thờ Gỗ. Độc đáo với kiến trúc Pháp, nhà thờ Gỗ đã gần một trăm năm tuổi và được làm hoàn toàn bằng gỗ cà chít.
Vẻ đẹp huyền bí của Nhà thờ Gỗ qua ống kính nghệ thuật - Ảnh: Xóm nhiếp ảnh
Vẻ trang nghiêm và lộng lẫy bên trong nhà thờ Gỗ - Ảnh: Quang Vũ
Một nhà thờ độc đáo khác ở Măng Đen - Ảnh: Hachi8
Mặc dù được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai nhưng Măng Đen không chỉ có được vẻ đẹp mộng mơ ở Đà Lạt, mà Măng Đen còn được tạo hoá ưu ái dành cho vẻ đẹp hùng vĩ của Tây Nguyên, điểm thêm nét đặc sắc văn hoá cồng chiêng với những thiên sử huyền thoại hào hùng. Thật không có từ nào có thể diễn tả hết được nét đẹp hoang sơ mà kỳ ảo của Măng Đen. Nếu có thể, hãy ghé qua Măng Đen một lần Bạn nhé!