Từ thành phố Kon Tum, có nhiều đường đến làng Ba Na. Nhưng phần lớn du khách chọn con đường ngang qua cầu treo Kon Klo. Đây được xem là cây cầu treo lớn nhất Tây Nguyên, nối liền khu vực trung tâm thành phố với bản làng được dựng trên triền núi. Từ đây, đi thêm khoảng 6 cây số là đến làng Ba Na. Đường sá được trải nhựa, tuy một số đoạn bị hư hỏng, nhưng xe 30 – 40 chỗ vào được tận nơi. Tuyệt vời nhất là đi xe máy hoặc xe đạp để hít thở khí trời và ngắm nhìn cung đường xanh tuyệt đẹp uốn lượn bên dòng Đăk Bla.
Dịch vụ du lịch ở làng Ba Na đã được khai thác từ lâu và nhiều người biết tới. Mỗi ngày, có nhiều đoàn khách đến thăm làng, phần lớn là du khách quốc tế. Thế nhưng hoàn toàn không có tình trạng chèo kéo ở các quầy hàng lưu niệm, quán ăn; hay tình trạng hàng rong, ăn xin quấy rối khách. Bọn trẻ trong làng gặp khách lạ cất tiếng chào “hello” rồi chạy rong chơi cùng đám bạn. Người lớn cũng chào bằng tiếng Anh hoặc gật đầu chào kèm theo nụ cười thân thiện rồi tiếp tục công việc của mình. Đó là ấn tượng khác biệt và tuyệt vời ở làng du lịch cộng đồng này.
Bởi sự thân thiện đó, du khách cảm thấy rất an toàn khi thong dong dạo bước trên những con đường nhỏ quanh co trong làng. Khi cần tìm hiểu về cuộc sống, tập tục hay văn hóa làng, du khách có thể bất chợt hỏi người dân và đều được giải đáp tận tình. Điểm đến không thể bỏ qua khi đến làng Ba Na là ngôi nhà rông với mái nhà hình lưỡi rìu cao vút ngay giữa làng. Qua những bậc thang gỗ dẫn lên sàn nhà, du khách được tiếp đón niềm nở. Cồng chiêng được chơi tại đây bên những bình rượu cần nhâm nhi với thịt gà hoặc thịt heo nướng. Người Ba Na thân thiện. Họ gọi du khách là người anh em và mời nhau rượu, thịt rồi bắt đầu câu chuyện về cuộc sống như thể tri kỷ lâu ngày vừa gặp lại nhau.
Thưởng thức nghệ thuật cồng chiêng và điệu múa xoan truyền thống xong, du khách có thể tản bộ quanh làng. Ai cũng ấn tượng với những ngôi nhà sàn mộc mạc. Nhà sàn người Ba Na trông chắc chắn và vững chãi. Khung và cột đều làm từ gỗ lấy từ trên rừng từ hàng chục năm trước. Giờ, người Ba Na không đốn gỗ rừng nữa. Trong làng, vẫn còn nhiều ngôi nhà vách đất. Nhà xưa đắp từ đất sét hòa lẫn với rơm như ở miền xuôi. Số khác được xây gạch chắc chắn hơn nhưng vẫn giữ nguyên nếp nhà sàn truyền thống. Nếu đi vào buổi sớm, khi nắng vừa hắt vào hiên nhà, du khách sẽ thấy những cụ già với nếp thời gian hằn trên mặt ngồi trước hiên. Mái tóc bạc trắng liêu xiêu trong gió. Họ khoác lên người chiếc khăn choàng dệt từ thổ cẩm. Những người mê chụp ảnh chắc sẽ mất hàng giờ trước những khung cảnh thanh bình như thế. Lớn tuổi, họ không lên rẫy, xuống suối nữa nên có thể ngồi hàng giờ để trò chuyện với khách phương xa hoặc ngồi làm mẫu cho du khách chụp ảnh mà không lấy một đồng thù lao.
Mùa này, nước sông Đăk Bla chưa lên cao. Du khách có thể tản bộ dọc bờ sông hay đi thuyền độc mộc cùng người bản địa để khám phá vẻ đẹp của dòng sông chảy ngược. Trông có vẻ hiền hòa, thơ mộng nhưng khi lũ về, sông Đăk Bla trở nên hung hãn, như muốn cuốn phăng mọi thứ trên đường di chuyển. Người Ba Na đã quen với nết sông, với thiên nhiên đất này.
Chia tay làng Ba Na, du khách trở về chiếc cầu treo lớn nhất Tây Nguyên để qua sông Đăk Bla trở về thành phố, bắt đầu chuyến khám phá những công trình, kiến trúc cổ kính tôn giáo. Những điểm độc đáo không thể bỏ qua là nhà thờ gỗ, tòa giám mục Kon Tum. Kiến trúc tôn giáo xuất phát từ phương Tây nhưng về đến đây lại đậm chất Tây Nguyên bởi được làm từ gỗ, cột kèo tới hoa văn, sàn nhà đều mang nét văn hóa Tây Nguyên. Dấu ấn Ba Na trong kiến trúc làm du khách đôi lúc nhầm tưởng đó là những công trình tôn giáo Ba Na nếu không có thánh giá đặt trên vị trí cao nhất của tháp chuông. Nếu đến vào giờ lễ, du khách không khỏi bất ngờ khi giáo dân hát thánh ca, đọc kinh bằng tiếng Ba Na. Cách Kon Tum khoảng 80 cây số là ngã ba Đông Dương, nơi tiếp giáp giữa ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia, cũng là một điểm thu hút du khách./.