Làng cổ Kon Kơ Tu với hơn 300 hộ dân có quá trình tạo dựng và cư trú lâu đời hiện đang tồn tại hàng chục nhà sàn mang kiến trúc đặc hữu của dân tộc Ba Na, vây quanh bên ngôi nhà Rông truyền thống. Cùng với đó là các phong tục, tập quán, những điệu múa, những tiếng cồng chiêng tạo nên không gian văn hóa truyền thống của người dân nơi đây. Điều này cũng như một điểm nhấn của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong không gian làng cổ Kon Kơ Tu.
Với nhiều làng ở khu vực Tây Nguyên, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc có thể chịu tác động phần nào do sự phát triển của kinh tế xã hội, nhưng riêng làng Kon Kơ Tu thì vẫn giữ cho mình những nhịp điệu vốn có trong cuộc sống thường nhật của đồng bào bản địa. Người dân nơi đây vẫn hàng ngày lên rừng làm nương, săn con nai, con dúi, phụ nữ trong làng thì dệt vải, đan gùi. Chiều chiều, khi hoàng hôn buông xuống, mấy chiếc thuyền độc mộc lại nhẹ lướt trên dòng Đăk Blah, đưa những người dân trở về sau một ngày làm việc trên nương rẫy, theo sau họ có thể là gánh củi khô, hay gùi rau hái được ở rừng để dùng cho bữa tối. Bên dòng nước, nhiều người cũng tranh thủ tắm giặt, trẻ con thì nô đùa trên bãi cát ven bờ… Khung cảnh thật đẹp về một cuộc sống bình yên mà thi vị giữa chốn núi rừng Tây Nguyên.
Hiện tại, làng cổ Kon Kơ Tu vẫn tổ chức các lễ hội của riêng mình với những bài cồng chiêng, điệu múa xoang ở nhà Rông của làng. Theo nghiên cứu, người Ba Na Kon Tum có vốn văn hóa dân gian cổ truyền khá đậm đà, ngoài cồng chiêng còn có nhiều loại nhạc cụ truyền thống độc đáo như: đàn T’rưng, Ting glinh (đàn nước), Tingning (đàn quả bầu). Ngoài ra, người Ba Na còn có nhiều làn điệu dân ca giao duyên mượt mà đằm thắm cùng với nhiều kiểu hát kể phong phú như: Hri ‘Nhoi (hát đồng dao), Hri Mơ’Mon, Hri HơNhoông, Hri Cheo, Hri Troôm…, đặc biệt nhất là Hri Hơ’Mon (hát kể sử thi Ba Na)…