Ngôi làng những người trăm tuổi

Thứ tư - 10/06/2015 07:16
Người Mơ Nâm ở Kon Plông (tỉnh Kon Tum) hiện sống dọc các thung lũng giữa lưng chừng núi chủ yếu trên các xã: Đắk Long, Hiếu.
Vợ chồng A Giỗ và Y Noang ở làng Kon Rẫy. Nhiều người vợ ở đây hơn chồng đến chục tuổi - Ảnh: T.B.D.
Vợ chồng A Giỗ và Y Noang ở làng Kon Rẫy. Nhiều người vợ ở đây hơn chồng đến chục tuổi - Ảnh: T.B.D.
Điều đáng ngạc nhiên là mặc dù đời sống nghèo nàn, kham khổ nơi điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhưng rất nhiều người Mơ Nâm sống qua tuổi 100.
100 tuổi vẫn cõng gùi đi rẫy
 
Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đắk Long Đinh Tố Gỗ chạy xe máy dẫn chúng tôi vào làng Kon Rẫy nằm sâu trong thung lũng dưới những cánh rừng nguyên sinh.
 
Ngôi làng Kon Rẫy nằm xếp thành hình vòng cung dưới sự che chở của Yàng núi. Ông Đinh Tố Gỗ lật cuốn sổ thống kê các thành viên mà ông đang phụ trách rồi chỉ cho chúng tôi một cái tên: Y Mriêu, sinh năm 1914 - theo cách tính của người Mơ Nâm thì Y Mriêu đã sống thọ qua hơn 200 mùa rẫy.
 
Ông Gỗ quả quyết trước khi dẫn chúng tôi đến thăm nhà Y Mriêu: “Không thể gặp được Mriêu vào giữa sáng đâu, Mriêu cõng gùi lên rẫy rồi”.
 
Xế trưa, chúng tôi chạy xe máy luồn qua con đường đất dẫn tới căn nhà gỗ nằm bên con nước để tìm người đàn bà trăm tuổi. Một phụ nữ lớn tuổi đội nón cời, đi chân đất, cõng chiếc gùi chất đầy rau dại đứng nhìn chúng tôi rồi hỏi gì đó bằng tiếng Xê Đăng.
 
Ông Gỗ dừng xe, bước xuống đáp lại rồi quay qua bảo với tôi: “Y Mriêu đó, nó mới đi rừng hái lá rau về ăn bữa trưa”.
 
Không thể tưởng tượng được trước mặt tôi là người đã sống qua 200 mùa rẫy theo cách tính của người Mơ Nâm - tức 100 tuổi. Khác xa với tưởng tượng, một người Mơ Nâm ở độ tuổi ấy chúng tôi bắt gặp có người đã nằm yên một chỗ, mắt lờ đờ, da dồn thành từng cụm chờ đợi ngày về với atâu (ông bà tổ tiên).
 
Nhưng Mriêu vẫn mạnh mẽ như bao người phụ nữ Mơ Nâm ở thung lũng Kon Rẫy: đôi mắt đen và sáng long lanh khi biết có người vào thăm nhà, bàn chân và hai bàn tay chai sạn, dáng người hơi còng nhưng tóc vẫn đen như gỗ mun.
 
Ông Gỗ cho biết Mriêu là người sống thọ nhất ở Kon Rẫy. Bà Mriêu không biết nói tiếng Kinh, thấy người lạ vào bà vẫn lọ mọ trên sàn nhà sàng mớ lúa vừa hái được trên đám rẫy ở bìa rừng.
 
“Con két nó phá quá, ăn hết lúa của người Kon Rẫy. Ngày nào mình cũng phải ngồi canh đám lúa, đuổi nó đi mới có hạt lúa về nhà” - bà Mriêu nói.
 
Ông Đinh Tố Gỗ cho biết Mriêu sinh vào năm 1914. Dịp tết vừa qua, bà được Chủ tịch nước gửi tặng thiệp mừng thọ 100 tuổi. Người Mơ Nâm mỗi năm có hai mùa rẫy, cùng lứa tuổi như Mriêu nhiều người đã về với Yàng núi, với atâu nhưng Mriêu vẫn mạnh mẽ như thân gỗ giữa rừng.
 
Mriêu có tất cả năm người con, người con lớn nhất của Mriêu năm nay đã gần 70 tuổi.
 
Bà Mriêu nói người Mơ Nâm lấy chồng lấy vợ sớm lắm, 16, 17 tuổi là tính đến chuyện lập gia đình rồi nhưng bà lấy muộn hơn.
 
“Hồi đó khổ quá mà, chẳng có gì ăn cả, nhà mình lại nghèo nên phải làm rẫy nuôi ông bà già, không có trâu có bò để đi bắt chồng” - bà Mriêu kể.
 
Bà kể dù chồng ít hơn bà cả chục tuổi nhưng A Ninh - chồng bà - cũng đã sớm bỏ Mriêu mà đi. Mấy người con lớn lên lấy vợ lấy chồng rồi dựng nhà ở quanh làng, chỉ có bà sớm hôm vào ra căn nhà gỗ lầm lũi, cô đơn.
 
Dù đã 100 tuổi nhưng điều lạ lùng là bà Mriêu vẫn tự đi rẫy, vẫn theo con lên nương cuốc ruộng trồng lúa để kiếm cái ăn. Bà không sống với con mà ở một mình trong ngôi nhà gỗ, mọi sinh hoạt, ăn uống đều do bà tự làm.
 
“Thỉnh thoảng mấy đứa con gùi gạo xuống cho, rồi đem thức ăn cho mình chứ mình không ở với nó đâu, mình còn khỏe lắm”. Chủ tịch Hội Người cao tuổi Đinh Tố Gỗ nói chưa bao giờ thấy Y Mriêu ốm nặng, khi ông lớn lên ở làng đã thấy bà lấy chồng, có gia đình rồi cho tới tận bây giờ Y Mriêu vẫn mạnh khỏe.
 
Hỏi bí quyết sống thọ của mình, Mriêu chỉ tay lên sàn bếp, nơi treo những túi nilông được giắt lên vách gỗ: “Mình không ăn muối, ăn bột ngọt đâu! Hồi xưa khổ quá không có muối, phải lấy mùn tranh làm gia vị rồi quen cho tới giờ”.
 
ngôi làng trăm tuổi kon tum
Dù đã bước qua tuổi 100 nhưng Y Mriêu (làng Kon Rẫy) hằng ngày vẫn mang gùi đi lên rẫy. Y Mriêu được xem là người Mơ Nâm cao tuổi nhất ở Đắk Long - Ảnh: T.B.D.
Cây cổ thụ ở làng Kon Bring
 
Ông Đinh Tố Gỗ lật cho chúng tôi xem cuốn sổ ghi danh sách thành viên của Hội Người cao tuổi xã Đắk Long. Trong cuốn sổ được ghi chép bằng tay ấy, những cái tên như A Bao, Y Hương, A Bré... đều sinh trước những năm 1920, ngót nghét 90 - 100 tuổi.
 
Ông Gỗ cho biết danh sách ông nắm hiện nay có tất cả 165 người cao tuổi, trong đó số người thọ qua 80 lên tới hàng chục người. Theo ông Gỗ, dù cuộc sống lam lũ, cực khổ nhưng người Mơ Nâm được thừa hưởng món quà quý giá nhất của thiên nhiên: không khí luôn trong lành.
 
Làng của người Mơ Nâm cũng nằm giữa các thung lũng thảo dược, các loài thuốc quý, người dân thường xuyên vào rừng hái về làm thức ăn mà không biết rằng đó là các vị thuốc.
 
A Bré ở làng Kon Bring (xã Đắk Long) cũng là công dân Mơ Nâm ở trên đỉnh Măng Đen sống thọ ngót nghét trăm tuổi. A Bré giờ đã nằm một chỗ trong ngôi nhà gỗ nghèo nàn. Bốn năm trước, một ngày đi rẫy trở về đột nhiên đôi mắt Bré bắt đầu mờ đi, mọi thứ xung quanh tối dần rồi mờ đục hẳn.
 
Ông không còn đi nương cuốc ruộng được nữa, sống bức bối trong căn nhà gỗ ở cuối làng Kon Bring. Thấy người lạ đến thăm, A Bré đang nằm bên bếp leo lét những đám lửa tàn lọ mọ chồm dậy, hướng tai về phía có người lạ: “Đứa nào đấy?”.
 
Người thanh niên làng Kon Bring dẫn chúng tôi vào thăm A Bré trả lời có người lạ vào thăm, ông ngước mặt lên nóc nhà gỗ rồi đáp: “Có thuốc lá không cho ông già một điếu, nằm một chỗ buồn quá, con cái đi rẫy cả ngày nên ông không có thuốc hút”.
 
A Bré không nhớ rõ tuổi tác của mình, cũng chẳng có giấy tờ nào lưu lại chính xác ngày sinh tháng đẻ của ông, tuổi tác của ông cũng do con cái, người làng tự đặt.
 
Trong cuốn sổ ghi chép của Đinh Tố Gỗ, ông A Bré sinh năm 1925 nhưng ông quả quyết: “Ối, cái tuổi của mình như thế là không đúng đâu, lúc thanh niên rồi mình mới được làm giấy tờ, khai tuổi mà. Mình sinh trước cả Mriêu (Y Mriêu) ở Kon Rẫy mà”.
 
Ông Bré có tất cả sáu người con, bốn trai, hai gái. Con đầu của A Bré cũng đã ngoài 70 tuổi. Ông cho biết bốn năm trước ông còn là lao động chính của cả nhà, lúa không bao giờ cạn trong kho thóc, bắp không bao giờ hết trên giàn bếp nhưng đôi mắt đột ngột mờ đục rồi tối hẳn khiến A Bré phải ngồi một chỗ trong góc nhà.
 
Tuổi đã ngót nghét trăm năm nhưng ông vẫn vạm vỡ, khỏe mạnh, có người kéo tay dẫn đi ông vẫn bước bình thường như một người đàn ông Mơ Nâm ở độ tuổi sung sức.
 
Người con gái thứ hai của A Bré cho biết rất ít khi thấy bố mình ốm. “Thỉnh thoảng ông chỉ ốm lặt vặt rồi tự khỏi thôi, không phải đi viện bao giờ. Mỗi bữa Bré vẫn ăn được ba bát cơm, nếu có thịt có cá thì ông ăn được nhiều hơn”. Con gái của A Bré nói rằng ông khỏe được là nhờ... rượu cần.
 
“Ở làng mình người sống qua tuổi 90 nhiều lắm, tuổi cao nhưng ai cũng uống rượu rất khỏe, chỉ uống rượu cần thôi”. A Bré dù đã trăm tuổi nhưng vẫn uống rượu cần khỏe như thanh niên, ngồi được từ ngày này qua ngày khác.
 
Người Mơ Nâm ở Kon Bring cho biết rượu cần của họ là một sản vật đặc biệt, được nấu từ lúa rẫy và ủ bằng thứ men lấy từ vỏ cây rừng, cực kỳ sạch sẽ và dù có say túy lúy vẫn rất tốt cho sức khỏe.

Tác giả bài viết: THÁI BÁ DŨNG theo Tuổi Trẻ

Nguồn phát: samtuoingoclinh.com

 Từ khóa: sâm dây kon tum

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Tuyên bố trách nhiệm: Thông tin trên samtuoingoclinh.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên samtuoingoclinh.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
  • Xách ba lô lên tới Măng Đen Kon Tum,

    Xách ba lô lên tới Măng Đen Kon Tum, "Đà...

    Đến với Kon Tum, đến với Măng Đen, bạn được đến một cao nguyên đầy nắng và gió, nhưng Măng Đen cho bạn một cái gì đó nó rất khác, đối với riêng tôi, mỗi khi đến Măng Đen là một cảm giác gì đó tươi...

  • Tham quan bản làng của các dân tộc ở Kon...

    Tham quan bản làng của các dân tộc ở Kon...

    Tìm hiểu, chúng tôi biết thêm, nghề dệt thổ cẩm ở đây được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; người lớn truyền dạy cho lớp trẻ; cụ thể là phụ nữ/ con gái nhưng đơn lẻ chưa tập hợp thành tổ hợp...

  • Kon Tum: Chiêm ngưỡng chiếc cầu treo...

    Kon Tum: Chiêm ngưỡng chiếc cầu treo...

    Cầu treo Kon Klor đã trở thành niềm tự hào của người dân Kon Tum và là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi ghé thăm mảnh đất này.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây