Thuyền độc mộc truyền thống gắn với đất và người Kon Tum

Chủ nhật - 28/09/2014 21:50
Bắt nguồn từ những cánh rừng đông Trường Sơn ngút xa chảy sang hướng Tây- Tây Nam rồi hợp lưu với dòng Pô Kô và đổ về sông Sê San hùng vĩ, sông Đăk Bla hiền hòa làm nên nét địa hình riêng có của mảnh đất cực Bắc Tây nguyên . Gắn liền với sự hình thành của dòng sông chảy ngược gần như duy nhất ở Việt Nam, từ xa xưa, thuyền độc mộc đã gắn bó với sinh hoạt hàng ngày của các cư dân người Ba Na bản địa. Đi qua năm tháng, thuyền độc mộc hôm nay vẫn còn là nét đẹp trong đời sống đồng bào.
Thuyến độc mộc trên sông Đăk Bla- Ảnh: Quang Vinh
Thuyến độc mộc trên sông Đăk Bla- Ảnh: Quang Vinh
Ở làng nhỏ Kon Ngo, xã Vinh  Quang, thành phố Kon Tum, bao đời nay, bãi bồi rộng lớn mỡ màu ven sông Đăk Bla là nguồn sống của  những người dân Ba Na hiền lành, chất phác. Sau một ngày vất vả trên cánh đồng bắp, đồng mì bên bờ Nam Đăk Bla, vợ chồng Y Bái lại chèo thuyền qua sông để trở về nơi có cái bếp củi đang chờ đỏ lửa và mấy đứa con thơ đang đợi những bắp ngô thơm.
 
Thuyền độc mộc, hay còn gọi là cái “sõng”, tiếng Ba Na là “Plung”. Plung ra đời từ khi nào, ai là người khai sinh ra nó? Không ai biết rõ. Theo sự hình thành và phát triển của những thôn làng người Ba Na  từ phía thượng nguồn đến cuối dòng  Đăk BLa trên đất Kon Tum, hẳn là Plung đã được làm nên từ chính đôi bàn tay cần cù, khéo léo của tổ tiên người Ba Na bản địa để phục vụ cho chính đời sống, sinh hoạt hàng ngày của mình. Tuy không ngày ngày phải qua sông như nhiều bà con ở các làng Kon Ngo, Kon Rờ Bàng, Kon Jơ Ri, Kon Ktu song với ông A Jar- một người sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian của người Ba Na, hội viên hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kon Tum, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, plung luôn là hình ảnh thật  thân thương, gần gũi.  Ông A Jar chia sẻ:  Từ xa xưa, làng của  người Ba Na luôn được  làm  cao hơn  ruộng rẫy. Ở phía bên kia sông Đăk Bla  đất rất  tốt nhưng mà lại bị  ngăn cách bởi con  nước  nên plung  là phương tiện rất là cần thiết để chở người và nông sản. Không những thế, bà con còn dùng cái plung dùng trong sinh hoạt hàng ngày  như đánh cá, chài lưới.  Plung còn  được thanh niên ngày xưa  dùng để đua, để  thử sức với nhau  xem ai  khỏe, ai giỏi chèo thuyền .
Thuyền độc mộc được làm nên từ những thân cây gỗ lớn còn nguyên vẹn và đặc biệt  phải là những cây gỗ có khả năng chịu  nước, phổ biến  là loại Sao  Cát, nhưng tốt hơn cả là cây Rơ Man thân gỗ trắng, mối không ăn mà mọt cũng không phá  được. Thợ làm thuyền đều là những người thợ mộc có tay nghề cao, thuần thục trong việc làm nhà rông, nhà sàn, hay  như chế tác tượng gỗ và các đồ vật từ gỗ. Để làm được con thuyền  có độ dài phổ biến 5-6 m, chiều rộng lòng thuyền khoảng 0,5-0,6 mét, ngày trước, những người thợ thuyền phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu chọn cây, lấy gỗ đến đục đẽo, tạo dáng tạo hình mất cả tháng trời. Cũng bởi nguyên liệu để làm plung cần là những thân gỗ lớn, còn nguyên vẹn nên việc chế tạo thuyền độc mộc trước đây chủ yếu bằng phương pháp thủ công. Cùng một kích cỡ, kiểu dáng, nhưng thuyền có đẹp, có bền hay không còn tùy thuộc vào sự kỳ công và “hoa tay” của mỗi thợ làm thuyền. Thuyền nhỏ,dễ lướt nên cũng rất dễ điều khiển. Trẻ, già, trai, gái…Ai có sức một chút đều có thể chèo  được.
Kể từ khi Kon Tum có cầu treo Kon Klor bắc qua sông Đăk Bla, thuyền độc mộc đã không còn hiện diện ở một trong những bến sông lớn trước đây được coi là sầm uất nhất nối làng Kon Klor, phường Thắng Lợi với vùng sản xuất  thuộc xã Đăk Rơ Va. Tuy vậy, tại các làng đồng bào nằm rải rác ven sông Đăk Bla từ các xã của huyện Kon Rẫy, qua thành phố Kon Tum đến huyện Sa Thầy thì hiện vẫn còn hàng trăm thuyền độc mộc được bà con sử dụng  qua sông hàng ngày. Từ năm 1999, lần đầu tiên Hội đua thuyền trên sông Đăk Bla được quan tâm tổ chức và trở thành giải thể thao truyền thống  của tỉnh thì  mọi người càng có dịp chứng kiến nét đẹp văn hóa, nét đẹp sinh hoạt - đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tỏa sáng.
 
Đua thuyền “ Mừng Đảng, mừng xuân”- Ảnh Thanh Như
Năm tháng đi qua. Sóng nước khiến những con thuyền không còn vẹn nguyên như  thuở nào. Rừng càng lùi xa, gỗ thành khan hiếm. Những người thợ thuyền cũng theo nhau ra đi …Ở Kon Tum bây giờ, dường như  chẳng tìm đâu ra người đẽo plung như ngày nào. Muốn có được chiếc plung mới, người ta phải đặt hàng rất xa, từ  vùng thượng nguồn và với một khoản chi phí không hề nhỏ cần được dành dụm khá lâu. Cần mẫn vá lại  những chỗ plung đã cũ  hay là phải dùng thêm thuyền bằng tôn bằng thiếc thay thế, biết làm sao khác được khi nhu cầu qua lại trên sông hàng ngày vẫn như cơm ăn ước uống? Có một điều, cho dù  những chiếc plung gần gũi, thân thương có dần dần vắng thưa trên những bến sông  thì vẻ đẹp giản dị, thuần phác  mà  những người dân Ba Na cần cù  đã làm nên ở vùng ven sông nước thì sẽ mãi được lưu giữ, trở thành nét đẹp của cuộc sống.

Tác giả bài viết: Thanh Như

Nguồn phát: samtuoingoclinh.com

 Từ khóa: sâm dây kon tum

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Tuyên bố trách nhiệm: Thông tin trên samtuoingoclinh.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên samtuoingoclinh.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
  • Xách ba lô lên tới Măng Đen Kon Tum,

    Xách ba lô lên tới Măng Đen Kon Tum, "Đà...

    Đến với Kon Tum, đến với Măng Đen, bạn được đến một cao nguyên đầy nắng và gió, nhưng Măng Đen cho bạn một cái gì đó nó rất khác, đối với riêng tôi, mỗi khi đến Măng Đen là một cảm giác gì đó tươi...

  • Tham quan bản làng của các dân tộc ở Kon...

    Tham quan bản làng của các dân tộc ở Kon...

    Tìm hiểu, chúng tôi biết thêm, nghề dệt thổ cẩm ở đây được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; người lớn truyền dạy cho lớp trẻ; cụ thể là phụ nữ/ con gái nhưng đơn lẻ chưa tập hợp thành tổ hợp...

  • Kon Tum: Chiêm ngưỡng chiếc cầu treo...

    Kon Tum: Chiêm ngưỡng chiếc cầu treo...

    Cầu treo Kon Klor đã trở thành niềm tự hào của người dân Kon Tum và là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi ghé thăm mảnh đất này.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây