Điểm đến là một nơi hiếm thấy trên bản đồ du lịch thông thường, dù không xa Sài Gòn là bao nhiêu.
Gò của những con côngGò Công là “gò của những con công”, theo một lý giải của người địa phương, do xưa kia nơi đây là vùng đất gò có nhiều công sinh sống. Quốc lộ 50 những ngày giữa tháng 9-2014 là một con đường đẹp, ít xe cộ, xuyên qua những cánh đồng lúa chín, xen kẽ những thửa ruộng đã gặt và mảng màu xanh ngắt của mạ mới lên.
Có lẽ do ảnh hưởng của cơn bão nên bầu trời cứ xám xịt cho tới khi chúng tôi tới phà Mỹ Lợi thì mặt trời mới bắt đầu ló dạng. Một trong những con phà cổ nhất vùng sông nước phía Nam từng một thời tấp nập, giờ hiện ra trong đìu hiu, xa vắng. Vài ba sạp hàng bày bánh kẹo, sản vật.
Tấm bảng “cấm bán hàng” treo khiêm tốn trên tường lấp ló sau những chồng hàng, phải chú ý mới thấy. Thứ duy nhất còn thấy quen thuộc là vài lò làm lạp xưởng tươi, thứ lạp xưởng nức tiếng một thời mà không ai qua đây lại không mua về làm quà cho người thân.
Cũng như bao con phà khác ở miền Tây, rồi con phà này cũng sẽ thành cổ tích khi mà nơi xa xa kia cây cầu Mỹ Lợi sắp được hoàn thành. Mừng quá cho sự đổi thay của quê hương, nhưng cũng chạnh lòng khi chợt nhớ tới những chuyến đi qua biết bao con phà trên những dòng sông.
Rất nhiều điều thú vị trên những chuyến phà ngang ấy: những thân phận, những cuộc đời, dòng sông mải miết trôi và con phà trăm năm tuổi. Tới một lúc nào đó không còn con phà nữa, người đã đi xa, dòng sông bỗng trở thành ký ức và bạn mang một nỗi nhớ khôn nguôi.
Qua phà, con đường như hẹp lại nhưng cũng tươi xanh hơn nhiều nhờ hàng so đũa, có những gốc vài năm tuổi, có gốc chục năm tuổi. Những vườn chuối trĩu buồng đang nở những bông hoa đỏ khổng lồ và đặc biệt là rất nhiều hoa hàng rào ở những ngôi nhà ven lộ như bông trang, vàng anh, bông dừa... đua nhau khoe sắc.
Gò Công là một thị xã nhỏ vô cùng duyên dáng với một hồ nước ngay trung tâm. Hình như ngoài Mỹ Tho ra, ít có thị xã hay thị trấn nào ở miền Tây có hồ nước xinh xắn như vậy.
Một cơ sở làm chổi truyền thống ở địa phương - Ảnh: Trần Thùy Linh
... và khoảnh khắc yên bình - Ảnh: Trần Thùy Linh
Trải nghiệm làng quêChặng đường tiếp theo bằng xe đạp là điểm nhấn chính của chương trình. Con đường làng nhỏ xíu trải đá dăm chạy dọc theo bờ kênh xanh mướt và những cánh đồng ngát hương lúa.
Với người thành phố, đây có lẽ là một trong những trải nghiệm lý thú nhất của chuyến đi. Những ruộng rau, ruộng khoai, bông cải trắng, cải thìa, những luống hành, giàn đậu, dưa leo, mướp, bí đang mùa trổ bông vàng rực rỡ làm nên một khung cảnh yên bình hiếm đâu có được.
Điều đặc biệt làm con đường đạp xe ở Gò Công Đông trở nên thú vị chính là sự pha trộn giữa phong cảnh của vùng ngập mặn sát biển với những loài cây đặc trưng như đước, bần, mắm, trà... và phong cảnh sông nước miền Tây với những vườn cây trĩu quả, đồng lúa, hoa màu, đặc biệt là những vườn so đũa, hoa dùng nấu canh chua, lá làm thức ăn cho dê.
Một hành trình thật khác với những tour đi xe đạp thường thấy dưới bóng dừa miền Tây.
Chúng tôi ghé thăm một cơ sở xay xát lúa thủ công sát bên chợ Tân Điền. Dù ngày nay đã có nhiều máy móc nông nghiệp hiện đại, nhưng những cơ sở truyền thống như vậy cũng không quá hiếm trong vùng này.
Hệ thống máy cao tới 4-5m, hoàn toàn bằng gỗ với ống dẫn và phễu bằng thiếc, đã hơn hai, ba chục năm tuổi vẫn hoạt động nhịp nhàng và hiệu quả, tạo nên một ấn tượng thật khác biệt. Rời nhà máy xát lúa, con đường đưa chúng tôi tới một trong những cửa biển của Gò Công.
Nếu bạn thích ngắm cảnh biển, có thể tới cửa biển Tân Thành, một bãi biển cát đen rất hoang sơ, tràn ngập hoa muống biển tím ngát và những rẫy dưa hấu xanh mướt trồng trên cát bãi bồi nên cho vị ngọt thanh hiếm thấy.
Nằm khuất sau cánh rừng ngập mặn tại một cửa sông thuộc ấp Tân Đông là một làng chài nhỏ vốn không phải là điểm du lịch. Ngay khi chúng tôi tới, thuyền chài vừa cập bến. Thủy hải sản tươi rói, ốc hương, ốc gai, ốc móng tay, ốc công chúa, nghêu, mực, cá, cua và tôm mũ ni... hứa hẹn một bữa trưa thịnh soạn đầy ắp hương vị biển.
Tới làng làm chổi thuộc thị trấn Vĩnh Bình, một lần nữa khung cảnh lại biến đổi đến không ngờ. Những mái nhà ngói cổ thấp thoáng sau những vườn chuối vườn dừa. Không khí mát dịu của cơn mưa làm mọi vật như tươi mới hơn, lung linh hơn.
Hai bên lộ người ta phơi đầy vỏ dừa khiến con đường và cả con kênh như được khoác một màu áo mới. Ở đây nhà nhà đều làm chổi. Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tôi chỉ thấy nơi đây những nụ cười và sự cởi mở rất đỗi hồn hậu với khách ghé thăm.
Có lẽ Gò Công chưa đủ hấp dẫn với nhiều người, nhưng chắc chắn rằng một chuyến du lịch trải nghiệm bằng xe đạp về với “gò của những con công” ấy sẽ đem lại cho bạn những trải nghiệm mới mẻ và đầy bất ngờ về một vùng đất không chỉ giàu tính lịch sử, truyền thống mà còn rất bình yên và hữu tình.
Thuốc nam được phơi trong sân chùa - Ảnh: Trần Thùy Linh
Một điểm dừng thú vịChúng tôi dừng chân tại một ngôi chùa nhỏ thuộc phái Tịnh độ cư sĩ Phật hội trên đường 862, thị xã Tân Hòa. Với phương châm “Tu - học - hiện - hành - cứu nhân độ thế” bằng y dược cổ truyền, cơ sở tu hành này trở thành điểm chăm sóc sức khỏe cộng đồng khá hữu hiệu đối với những bệnh thông thường cho cộng đồng.
Bước qua khỏi cổng tam quan là vườn thuốc và sân phơi. Vườn thuốc không lớn nhưng có rất nhiều loại cây thuốc như: rau bợ, dây gấm, huyết rồng, trung quân, chân vịt, râu mèo, đặc biệt nhiều loại rau gia vị thông dụng như tía tô, kinh giới, húng quế, khổ qua…
Theo các vị tu hành nơi đây, khoảng 3.000 loại thuốc nam được trồng tại nhiều địa điểm được mang về chùa chế biến. Phần lớn diện tích chùa được sử dụng làm kho chứa các vị thuốc sau khi được sao hoặc phơi khô.
Những người bạn nước ngoài vô cùng thích thú khi được bắt mạch và chẩn đoán về sức khỏe. Thuốc được bốc ngay sau đó, hoàn toàn miễn phí. Chợt liên tưởng đến những cơ sở tương tự khi đi du lịch Trung Quốc.
Rõ là chúng ta không thể rập khuôn theo kiểu cách đã bị thương mại hóa quá đà ở Trung Quốc, tuy nhiên nếu ngành du lịch nước nhà biết khéo léo hợp tác, những địa điểm như thế này sẽ trở nên một trải nghiệm lý thú cho du khách.