Trong bộ máy tổ chức của DN, bên cạnh vị trí tổng giám đốc (còn gọi là CEO – Chief Executive Officer) thường có các vị trí: giám đốc (GĐ) điều hành (COO), GĐ bán hàng (CMO), GĐ công nghệ (CTO), GĐ hệ thống thông tin (CIO), GĐ tài chính (CFO)... và các ban trợ lý. Với các tập đoàn đa quốc gia, các vị trí tương ứng sẽ chia theo nhiều cấp thuộc ngành dọc như cấp toàn cầu, cấp vùng, cấp địa phương, cấp quốc gia...
Điều đáng nói là các DN lớn tại Việt Nam có rất nhiều Phó Tổng GĐ, có ủy quyền của Tổng GĐ thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, mới chỉ có hai chức danh được xác lập chính xác là CIO và CFO. Còn lại, các vị trí khác đều được ủy quyền cho nhiều người và quản lý theo vùng địa phương nhiều hơn là theo ngành dọc. Chính điều này tạo ra các bộ máy vùng miền, không thống nhất nguồn lực cần thiết theo các mũi nhọn ngành dọc.
Tại nhiều TC/DN, thậm chí là những tập đoàn lớn, chức danh CIO chưa tồn tại mà chỉ có các trưởng bộ phận về CNTT và phát triển mạng. Hệ quả tất yếu của việc thiếu vị trí chuyên trách, là các trưởng bộ phận CNTT hoặc các CIO đã lẫn công việc của mình sang CTO hoặc thậm chí là COO mà bỏ mất vai trò chính của mình.
Lĩnh vực công việc của CTO
Một CTO sẽ quan tâm chủ yếu đến các vấn đề về công nghệ và kỹ thuật, bao gồm:
Xác lập công nghệ mới sẽ được ứng dụng trong tương lai và tỷ trọng của nó, phân tích ảnh hưởng và lựa chọn công nghệ nền để ứng dụng trong tương lai. Ví dụ, CTO ngành viễn thông di động cần xác lập tỷ trọng và khả năng hội tụ giữa mạng không dây, WIMAX và các dịch vụ (DV) viễn thông truyền thống (VD đường cố định, Internet). Còn CTO ngành DV tài chính xác lập tỷ trọng của việc hội tụ giữa Internet Banking, Mobile Banking, các DV tài chính cá nhân, các DV thẻ và các DV truyền thống.
Đảm bảo chất lượng công nghệ của các DV đang cung cấp. Ví dụ, CTO trong ngành viễn thông sẽ đảm bảo chất lượng cuộc gọi, còn CTO của ngành ngân hàng sẽ đảm bảo được việc sẵn sàng 24/24 của các máy ATM với thẻ Connect 24.
Đảm bảo việc phát triển công nghệ mạng lưới bao phủ vượt qua các đối thủ cạnh tranh. Trong môi trường cạnh tranh cao, các DV chủ yếu cho số đông thì việc đảm bảo phát triển công nghệ mạng lưới sẽ giúp DN nhanh chóng vượt qua đối thủ, tăng trưởng doanh thu. Điều này phải được đảm bảo từ cấp cao nhất là CTO.
• Lập lịch triển khai ứng dụng các công nghệ mới
• Tối thiểu hóa các vấn đề liên quan tới công nghệ mạng lưới
• Xác lập các tình huống và giải pháp cho thời điểm “đỉnh” (khi tất cả các khách hàng đồng thời sử dụng DV)
• Đảm bảo chất lượng của các DV gia tăng. Ví dụ CTO của ngành thông tin di động sẽ quan tâm tới Voicemail (thư thoại), SMS (nhắn tin), Prepay (trả trước), còn CTO của ngân hàng sẽ quan tâm đến E-Banking, SMS Banking hoặc E-Wallet...
DN nếu lựa chọn sử dụng hạ tầng thuê ngoài (ngay cả với các công ty thông tin di động như Indochina Telecom hoặc một số ngân hàng nhỏ) thì CTO sẽ giảm thiểu được các công việc như đảm bảo chất lượng DV, các vấn đề liên quan tới công nghệ mạng lưới... và có thể tập trung nhiều hơn vào các công nghệ phục vụ giá trị gia tăng và các công nghệ thuộc thế hệ tiếp theo (next generation).
Lĩnh vực công việc của CIO
Nếu CTO xác lập rõ ràng các công việc của mình gắn với công nghệ và kỹ thuật thì CIO lại gắn công việc của mình với các hệ thống có tính chất khái quát hơn. CIO trong DN sẽ tập trung phần lớn công việc của mình vào việc thiết kế hệ thống thông tin DN, phát triển các ứng dụng, xây dựng các kho dữ liệu cho toàn công ty, triển khai và bảo trì các hệ thống ứng dụng (như ERP, CRM, SCM...) Bên cạnh đó, CIO cần trả lời những câu hỏi lớn sau:
• Phân định và hợp tác với CTO trong các vấn đề liên quan tới DV dữ liệu?
• Công ty đã lựa chọn được các đối tác tốt nhất?
• Hiệu quả đầu tư từ lĩnh vực IT thế nào?
• Nên mua sắm, thuê ngoài hay tự phát triển các ứng dụng CNTT?
• Bản thân hệ thống thông tin đã thực sự phục vụ công tác điều hành quản lý DN?
• Hệ thống thông tin đã được sắp xếp và sát với các lĩnh vực kinh doanh chưa?
• Các quyết định được ra không cần sự hỗ trợ đầu vào từ CNTT?
Bản thân việc hoạch định luồng thông tin trong DN, cũng như quy hoạch và xây dựng hệ thống các ứng dụng sao cho hợp lý cũng là câu hỏi rất lớn của CIO trong lĩnh vực viễn thông. Bên cạnh hệ thống ứng dụng lõi (CORE) của DN (VD: DN viễn thông là hệ thống Billing, hệ thống Ngân hàng là Core Banking, hệ thống cho các công ty bán lẻ là Core Retail Trading... ) thì việc tích hợp với các hệ thống nền (back Office) như hoạch định nguồnlực (ERP), quản trị quan hệ khách hàng (CRM), quản lý nhân sự (HRM), quản lý chuỗi cung ứng (SCM) và hệ thống báo cáo đa chiều trong DN (Business Intelligence-BI) sẽ chiếm phần lớn công việc của CIO.
Hiện nay, nhiều DN Việt Nam mới bắt đầu tập trung vào việc xây dựng hệ thống lõi (Core) hoặc nâng cấp hệ thống sang một phần mềm khác hiên đại hơn và có tính ổn định, phục vụ được lâu dài hơn. Một số ít đã hoàn thiện mới bắt đầu tập trung vào ERP. Rất ít DN đã triển khai CRM hoặc HRM và BI.
Bảng: TOP 9 chỉ số đánh giá thông thường trong TC/DN
Xây dựng bộ chỉ số đánh giá chủ đạo cho từng vai trò
Cùng với việc phân chia vai trò rõ ràng, TC/DN nên lựa chọn bộ chỉ số đánh giá hiệu quả (KPIs – Key Performance Indicators) công việc của mỗi vị trí. Điều này không chỉ cho phép các giám đốc kiểm soát tốt hơn công việc của mình mà còn giúp CEO đánh giá tốt hơn về vai trò của từng vị trí và hơn nữa là sự phát triển cân bằng trong DN.
Hầu hết các DN trên thế giới đều xây dựng được các bộ chỉ số riêng cho mình và cho từng ngành. Đây là một thuận lợi lớn cho các DN Việt Nam vì không phải mất công trong việc tự nghiên cứu và xây dựng từ đầu.