Hương hoa quý từ núi rừngTrước khi có chuyến công tác lên phố núi, tôi đã nghe anh bạn thân dặn dò: “Cố gắng kiếm ít bụi lan rừng Kon Tum mang về nhé. Loài lan ấy có vẻ đẹp và hương thơm đặc biệt lắm, quý lắm, đất ở Hà Nội tìm mỏi mắt không có đâu”.
Những sáng sớm dạo quanh thành phố, tôi thường gặp từng tốp phụ nữ dân tộc đi từ những làng bản địa đến trung tâm thành phố. Họ trò chuyện vui vẻ, đằng sau là chiếc gùi đựng lan (dụng cụ đeo đựng đồ đạc của người dân tộc, tương tự như đeo ba lô), trên tay cầm một vài nhành lan rừng xinh xắn. Nơi họ tập trung bán lan đông nhất chính là ngã tư Lê Hồng Phong - Bà Triệu, thêm một vài địa điểm ở ngã ba Trần Phú - Thi Sách, trung tâm Thương mại, hoặc các con đường Nguyễn Huệ, Trần Phú, Phan Đình Phùng. Mỗi địa điểm này có hàng trăm cụm lan thuộc hàng chục chủng loại với hình dáng phong phú: có loại nở thành từng chùm, loại nở dần từng cánh, loại cánh tròn, có loại cánh dài, loại có râu, có vòi, có cánh hoa giống như cánh bướm, ong… Nhiều màu sắc phong phú: Lan đuôi cáo tím hồng, bông nở dày đặc, nhìn mà thích mê; Kim điệp vàng tươi, rạng rỡ như ánh nắng mùa xuân; Ngọc điểm màu trắng chấm tím xinh xắn, duyên dáng như cô gái tuổi mười tám; Lan Bò cạp vằn đỏ tía, cá tính; Hoàng thảo trúc mành trắng tím mỏng manh, nhìn yếu đuối,… Lan rừng tuy không có thân mập mạp, lá xanh dày, cũng không lâu tàn như lan lai, lan nhập khẩu song lại tỏa hương thơm dịu dàng, tạo nên nét duyên dáng ngầm. Thấp thoáng lẫn trong đó một vài giò lan lai giá cũng không quá đắt nhưng ít khách mua chú ý. Cầm trên tay cụm lan Điểm hồng vừa mua được, anh Trần Duy Đại (đường Nguyễn Trường Tộ) vui vẻ nói: “Mình chơi lan cũng khá lâu rồi, nhưng gần đây mới chuyển hẳn sang chơi lan rừng. Thỉnh thoảng nhờ bạn bè kiếm trên rừng về, còn chủ yếu là mỗi sáng cuối tuần tranh thủ ghé ra mua ở đây. Tuy lan nở thời gian ngắn nhưng có hương thơm rất dễ chịu, mỗi lần lan nở lại thấy vui vẻ, sung sướng, bõ cái công chăm sóc bấy lâu”.
Trái ngược với giá trị mà mình có, lan rừng ở đây được bán khá rẻ, một cụm lan loại vừa giá khoảng 10.000 - 30.000 đồng, còn cụm lớn hơn một chút thì có giá 50.000 - 100.000 đồng. Họ cũng có thể bán theo kg, từng loại như sau: Lan Chuỗi ngọc, Thủy tiên, Đuôi cáo, Kim điệp: 60.000đ/kg; Thanh đảm, Xương cá, Trúc vàng, Hồ điệp, Trúc mành: 50.000đ/kg, Cao giá hơn thì có Lan Đuôi chồn 120.000đ/kg, Dã hạc 200.000đ/kg, Long tu, Ngọc điểm 250.000đ/kg. Thi thoảng, người ta tìm được có loài quý như Trúc Phật Bà thì giá lên tới 600.000đ/kg. Tôi chọn cho mình cụm hoa Hoàng thảo nhất điểm hồng trắng tinh khiết, có một chấm hồng xinh xắn ở giữa. Hoa vừa đủ độ rực rỡ, nhìn rất đáng yêu. Đã định quay đi rồi, cảm thấy tiêng tiếc tôi lại chọn thêm hai cụm Thủy tiên vàng óng ả, để làm quà phố núi mang về thủ đô.
Nhọc nhằn đi tìm lan rừng
Những năm gần đây, khi thú chơi lan rừng ngày càng được nhiều người ưa thích, bán lan rừng trở thành một nghề tăng thêm thu nhập cho bà con dân tộc, nên lượng người vào rừng tìm lan ngày càng nhiều. Thế nhưng, nghề tìm lan rừng cũng lắm nhọc nhằn, phải băng rừng, vượt suối, trèo núi, gặp bao khó khăn. Tôi lặng lẽ ngồi hỏi chuyện anh A Huy (làng Kon Rờ Bàng, thành phố Kon Tum), một người “lão luyện” trong tìm lan rừng cho biết: “Bọn mình đi rừng tìm lan không phải dễ dàng đâu. Mỗi lần đi vài ngày, vào tận rừng sâu nên phải chuẩn bị đủ thứ dây, cơm, gạo, thức ăn…Đến tận những vùng Chư Mo Rai (huyện Sa Thầy), hoặc Đăk Tô, Kon Plông, có khi xuống dưới Gia Lai. Trung bình mỗi lần mang mấy chục cụm lan về thì được lãi khoảng 300.000 - 500.000 đồng, may mắn tìm được loài lan quý hiếm thì lãi khoảng 600.000 - 800.000 đồng”.
Lan rừng thường bám vào những thân, cành cây đã khô và mục hay trên đỉnh dãy núi đá nên việc lấy chúng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm. Người tìm lan nhất định phải dày dạn kinh nghiệm đi rừng, sức khỏe tốt, và đặc biệt là leo trèo giỏi. Hầu như ai cũng từng trải qua những trận sốt rét, rồi vắt, ong bò vẽ, rắn độc cắn, thậm chí còn bị chấn thương, để lại dị tật suốt đời. Song vì mưu sinh cuộc sống người ta vẫn chấp nhận dấn thân lên rừng, những giống lan quý hiện nay càng ngày càng ít, thỉnh thoảng may mắn lắm mới có đôi ba nhành quý, còn lại là những loại bình thường
Sau khi hái về, bà con phân loại lan ra từng nhóm, cột chúng lại từng bó, giao cho người thân đi bán lẻ hoặc bán thẳng cho các đầu mối chuyên đi gom lan ở Kon Tum, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Mùa mưa, lan rừng lá xanh mỡ màng, hoa nở tươi thắm thì vừa mang ra đã có người mua rất nhanh chóng. Nhưng khi mùa khô đến, thân cây khô gầy, hoa kém tươi thì bán chậm hơn. Quệt vội những giọt mồ hôi giữa trưa nắng, chị Y Duyên (38t, Làng Plei Rơ Hai, phường Lê Lợi, TP. Kon Tum) vừa lui cui căng tấm bạt che cho lan khỏi héo vừa kể: “Mình bán lan rừng ở ngã tư này được 3,4 năm rồi. Lúc đầu do chồng mình kiếm lan trên rừng về được ít nên chỉ để ở nhà, thỉnh thoảng cho bà con trồng. Sau này mình đem ra đây bán, ngày nào thuận lợi thì được 200.000 - 300.000 đồng, còn không thì chỉ 50.000 - 70.000 đồng thôi. Nói chung cũng chỉ vừa đủ lo cơm nước hàng ngày.”
Những nhánh lan rừng tươi xanh bị bứt khỏi đại ngàn, rồi được người chơi mua về, dày công ươm trồng, chăm sóc một thời gian dài, những nhánh lan rừng mới hồi sinh, xanh tươi trở lại mang đến cho con người thú vui thưởng hoa thanh tao, những phút giây thư giãn.
Gìn giữ nguồn lan rừng quý hiếm
Lan rừng đẹp là vậy, quý hiếm là vậy, nhiều người ưa chuộng là vậy nhưng có mấy ai bận lòng suy nghĩ rồi sẽ có một ngày trên cánh rừng xanh bạt ngàn thiếu đi những sắc hoa lan rạng rỡ? Cách suy nghĩ đơn giản của người bán, cụm lan to bán nhiều tiền, cụm lan nhỏ bán ít tiền, giống lan quý bán cao hơn một chút; Cách bảo quản lan quá thô sơ, bày bán bên hè phố, nắng gắt, thỉng thoảng tưới chút nước, thậm chí nhiều khi bán không được họ để mặc những cụm lan lăn lóc, lụi tàn tren hè phố. Nhu cầu chơi lan rừng càng cao thì dòng chảy lan rừng về phố ngày càng ồ ạt, nguy cơ nhiều loài lan quý sẽ bị xóa sổ đang lập lờ trước mắt. Giá như sau khi bán những cành hoa đẹp có giá trị cao, còn lại số lan rừng nhỏ lẻ, họ gom góp mang về chăm sóc, tạo dáng để lan sinh trưởng phát triển tốt, ổn định rồi mới bán, vừa giữ gìn được nguồn gen lan rừng quý hiếm, vừa tạo được nguồn hoa đều đặn đẻ bán.
Đất nước Việt Nam hiện nay có trên 4.000 loại lan nguyên thủy thiên nhiên, đứng vào hàng thứ nhì trên thế giới chỉ sau Colombia (trên 5.000 loài). Riêng núi rừng Kon Tum đã góp một phần không nhỏ trong việc phong phú giống lan rừng Việt Nam, đây là niềm tự hào cũng là động lực thúc đẩy vấn đề gìn giữ, bảo tồn các giống lan rừng quý hiếm. Nếu chúng ta không ra tay bảo vệ kịp thời bằng những biện pháp thiết thực thì tương lai không xa sẽ chẳng còn bóng dáng của Lan Thanh đảm tươi non như một cơn mưa mùa hè, mát rười rượi? Còn đâu màu Thủy tiên hường trắng pha tím nhẹ đáng yêu? Còn đâu vẻ mê hồn của Dã hạc trắng muốt, tinh khôi?