Ngôi trường ấy có 335 học sinh, và tất cả đều là đồng bào Xê Đăng, thuộc diện trợ cấp theo quy định của Nhà nước.
Để bảo đảm đủ sĩ số của các lớp mỗi ngày, ngoài ý thức học tập của học sinh còn là cả sự nỗ lực hết mình của các thầy cô giáo.
Thầy giáo A Mập - hiệu trưởng Trường tiểu học bán trú xã Đắk Na - tha thiết giữ chúng tôi ở lại trường tới gần 12g trưa, chỉ để... chứng kiến một bữa ăn trưa của học sinh. Thầy A Mập cười bảo: “Nói các anh có thể không tin, chứ nhờ có những bữa cơm chất lượng như thế này mà anh em chúng tôi đi vận động học sinh đi học đỡ cực hơn”.
Đã hơn 11g30, tiếng trống báo hiệu giờ tan học vang đến tận các dãy phòng học, rộn rã đồi nương gần đó. Học sinh không kéo nhau ôm sách vở lao ra cổng trường như hình ảnh thường thấy ở các ngôi trường khác, mà ôm ghế nhựa níu nhau đứng hớn hở trước dãy nhà ăn được dựng tạm bằng gỗ, lợp tôn nằm bên các dãy phòng học.
Những nồi cơm mới nấu bốc khói nghi ngút được nhà bếp bưng ra, mùi canh thơm phức và những đĩa thịt kho dưa dậy mùi, khiến đám học sinh nhấp nhổm chờ các thầy cô giáo gọi tên lớp mình. Có hai thầy cô được phân công hướng dẫn học sinh ăn uống. Mỗi thầy cô đứng một góc, bắt đầu gọi tên lớp theo thứ tự: “Lớp 2A, đủ chưa? Rồi! Lớp 4C...
Xin mời các em xếp hàng theo nhau ngồi ngay ngắn đúng bàn của lớp mình, để chúng ta dùng cơm trưa”. Khi hơn 200 cái đầu khét nắng, chân đi dép sứt quai, mặc quần áo sờn cổ chịu ngồi yên vào bàn ăn, cầm đũa đợi hiệu lệnh của cô giáo thì cũng là lúc bữa ăn bắt đầu.
Bữa ăn của học sinh hôm ấy được nhà bếp lên thực đơn: cơm trắng, thịt heo ba chỉ nấu dưa chua, canh rau cải. Mỗi bàn ăn được bố trí 10 học sinh với một tô canh rau, đĩa thịt kho dưa, các em cúi đầu ăn ngon lành. Cơm trắng được ăn không giới hạn số lượng, nếu em nào có nhu cầu nước mắm hay nước tương thì được nhà bếp cấp thêm.
Thầy A Mập cho biết đa số học sinh Xê Đăng của mình ở Đắk Na có cuộc sống hết sức khó khăn. Nhiều em gia đình quá nghèo, thậm chí cơm ăn chưa đủ no, một bữa cơm có thịt ở gia đình nhiều khi là niềm mơ ước chẳng bao giờ có được của các em.
Bởi vậy, nhiều em đến trường không chỉ để được học cái chữ, mà có những tâm tư rất thật như “có cơm no để ăn”, “được ăn cơm có thịt”... Bữa cơm ở trường của các em được trợ cấp, sau khi trừ các khoản thì còn dư được 14.000 đồng để mua thức ăn. Dù chỉ có thịt mỡ, canh rau nhưng lại là những bữa cơm ngon lành, đủ no bụng cho học sinh nghèo vùng xa.
Vận động học sinh tới lớp là nhiệm vụ nặng nề nhất của giáo viên Trường Đắk Na. Trong ảnh: giáo viên đến tận nhà vận động một học sinh trở lại lớp
Các em học sinh ngồi đợi được xếp bàn vào giờ ăn trưa - Ảnh: B.D.