Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao thành phố Kon Tum Nguyễn Thị Hải Âu cho rằng với sự ra đời của đội cồng chiêng nhí của làng Kontum Kpơng, người lớn muốn vun đắp cho các em sự hiểu biết và lòng tự hào về âm nhạc dân tộc ngay từ gốc rễ. Hiện nay, sự phát triển của xã hội cùng sự hòa nhập văn hóa đã khiến không ít thanh niên dần quên đi cách chơi cồng chiêng. Cùng với đó, ngày nay, các lễ hội của dân tộc đang ít dần nên nhiều học sinh ít có cơ hội tìm hiểu chứ chưa nói đến chuyện đam mê. Do vậy, việc tập hợp các em vào đội cồng chiêng để vừa rèn luyện, phát huy năng khiếu vừa tạo một sân chơi lành mạnh là việc làm cần thiết và vô cùng có ý nghĩa trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Ba Na nói riêng và các dân tộc thiểu số khác của Kon Tum nói chung.
Ươm mầm cho mai sau
Người có công đầu tiên lập nên đội cồng chiêng “nhí” của làng Kontum Kpơng là ông A Ngơ, năm nay đã ngoài tám mươi tuổi. Nỗi buồn thấy các em nhỏ thiếu sân chơi, còn chiêng quý thì để trong xó nhà hoặc ra đi theo những cuộc mua bán, những kẻ trộm chiêng… khiến ông nảy ra ý nghĩ lập nên đội chiêng này từ năm 1998. Ông cho biết: Dạy cồng chiêng cho lứa tuổi 7-15 là việc không dễ bởi nhiều chiếc cồng có khi còn lớn hơn người chơi, có em mang chiếc cồng trên người đi loạng choạng vì nặng. Đó là chưa kể, ngoài giờ học, những đứa trẻ tóc cháy sém còn phải lên rẫy để phụ giúp cha mẹ khiến việc duy trì và tập luyện cho các em gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, vì nhiệt huyết với âm nhạc dân tộc, ông đã tìm đến từng nhà để vận động các em. Để lên lớp đúng giờ, ông đã mất nhiều thời gian để giúp các em hiểu ra ý nghĩa của việc học cồng chiêng. Một khi đã đam mê thì các em cũng tự tìm đến để học. Lúc đầu chỉ một vài em nhưng sau đó các em theo học ngày càng đông nhờ sự động viên, khuyến khích của cha mẹ.
Ông A Ngơ nay sức đã yếu, lực đã cạn nên không thể truyền dạy cồng chiêng cho các em được nữa. Tiếp nối công việc dang dở của già Ngơ, mấy năm nay, bà Y Blưh (64 tuổi) tiếp tục duy trì và truyền dạy cho đội cồng chiêng nhí của làng. Bà cho biết: "Mình phải kiên nhẫn động viên để chúng hiểu và "say" với cồng chiêng. Đối với những đứa nhỏ 5-6 tuổi, càng phải dành nhiều thì giờ hơn. Trước khi tham gia các hội thi, hội diễn, ngày hội văn hóa cồng chiêng hoặc ngày lễ lớn của thành phố, của tỉnh, của đất nước hay những dịp lễ hội của làng, mình phải tập trung các em để chỉ dẫn, truyền dạy trong vòng một tháng thì khi biểu diễn mới đạt kết quả tốt. Phải tập cho các em nam biết các giai điệu khi đánh cồng, các điệu múa xoong của các em nữ phải ăn khớp nhịp điệu, tiết tấu với bài cồng chiêng. Một số bài mà đội chiêng thường hay biểu diễn trong các dịp lễ hội như: Mừng lúa mới, Mừng năm mới, Đón giao thừa, Mừng nhà rông mới, Gùi nhỏ (ca ngợi chiếc gùi có ích cho đời sống của bà con dân tộc)... Bên cạnh đó, những người mẹ Ba Na ngoài việc khuyến khích con chơi chiêng, còn cất công cả tháng dệt thổ cẩm, may cho con những bộ trang phục đẹp để mặc mỗi khi đội chiêng trình diễn".
“Tiếp lửa” cho đam mê
Yêu quý “những người thầy” (như cách gọi của các em) tận tâm và ngày càng bị âm nhạc của cồng chiêng mê hoặc, đám trẻ tập luyện rất hăng hái, chăm chỉ, đứa lớn truyền dạy cho đứa bé. Đội cồng chiêng thiếu niên của làng Kontum Kpơng với hơn 30 thành viên có độ tuổi từ 10-15 đã tự tin trình diễn trong các dịp lễ hội của làng, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán hoặc tham gia các Hội thi, Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số do thành phố và tỉnh tổ chức. Ngoài ra, đội xoang của những thiếu nữ cũng hình thành để phụ họa cho đội cồng chiêng đặc biệt này.
Bà Y Blưh cho biết trong số các thành viên của đội cồng chiêng, A Luy (năm nay đã 18 tuổi) là người học trò xuất sắc nhất. Em mồ côi cha lúc 1 tuổi, nhà có 5 anh chị em, gia cảnh khó khăn nhưng A Luy đã tham gia theo học cồng chiêng từ năm 8 tuổi. Em cần cù chịu khó, học hành chăm chỉ, nắm vững nhạc lý nên là người tiếp thu nhanh nhất và giỏi nhất. Không những học cho mình, A Luy còn chỉ bảo tận tình, truyền dạy nghệ thuật đánh chiêng cho lớp đàn em nhỏ tuổi.
“Học cồng chiêng khó nhất là gì?”, em A Blư (học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Công Trứ) trả lời sau một hồi suy nghĩ: “Khó nhất là vừa đánh cồng chiêng vừa nhảy theo điệu nhạc. Khó vì bắt nhịp dễ sai, mà sai nhịp thì lạc lõng với các bạn liền”.
Còn đối với những em nhỏ trong đội múa thì khó nhất là việc giữ được thần thái trong từng bài: từ khuôn mặt cho đến cử chỉ. Với em gái thì vừa múa dẻo vừa vui tươi, đối với em trai thì vừa oai hùng vừa rắn rỏi như hành động của một chàng trai trên đường đi săn. Những cái khó đó, những già làng và cán bộ văn hóa địa phương đều thấu hiểu, thế nên họ tận tình chỉ bảo các em trong từng động tác.
Em Y Khaoh (học sinh lớp 4 Trường tiểu học Triệu Thị Trinh) cho biết: “Học múa xoong cũng có cái khó của nó. Khó nhất là phải múa theo tiếng cồng, tiếng chiêng và theo từng làn điệu, nội dung của bài múa, lúc trầm, lúc bổng, lúc nhanh, lúc chậm, vẻ mặt, cử chỉ thể hiện trong từng bài như thế nào cho ăn khớp với đội chiêng. Tuy khó nhưng em đã cố gắng học tập theo chỉ dẫn của cô Y Blưh, nay em đã biết múa thuần thục rồi...!”.
Hầu hết các em trong đội cồng chiêng của làng Kontum Kpơng đều đang theo học tại 2 trường: Tiểu học Triệu Thị Trinh và THCS Nguyễn Công trứ (phường Thắng Lợi), một số em đã học lên cấp 3. Trong đó có một số em nổi trội như: A Sang (lớp 9), A Kim (lớp 9), Y Xuyên (lớp 11), Y Blư (lớp 6), A Đoan (lớp 5), Y Khaoh (lớp 4)... Đặc biệt, 4 anh chị em ruột của Y Han (lớp 7) đều là thành viên đội cồng chiêng của làng. Năm 2012, đội cồng chiêng làng Kontum Kpơng (đại diện cho Trường tiểu học Triệu Thị Trinh) đã đạt giải A trong Hội thi cồng chiêng do ngành Giáo dục thành phố Kon Tum tổ chức.
Nỗi lòng nghệ nhân
Già A Ngơ hài lòng khoe với chúng tôi, đội chiêng dưới sự dẫn dắt của ông tiến bộ rất nhanh, đã có thể chơi chiêng trong các dịp lễ hội của làng, của phường, của thành phố và của tỉnh. Dù không phải già làng nhưng ông được dân làng tin cậy tuyệt đối trong việc truyền dạy cho lớp trẻ, bởi ông không chỉ chơi chiêng, chỉnh chiêng mà còn nắm giữ nhiều bản nhạc chiêng truyền thống. Tuy nhiên, những nghệ nhân như ông đang hiếm dần trong các thôn làng. Vì vậy, để tìm được người kế tục, lưu giữ những giá trị văn hóa đang đứng trước nguy cơ mai một, phải đi từ gốc, tức bắt đầu từ trẻ con, khi chúng chưa bị tác động nhiều của văn hóa bên ngoài.
A Ngơ có một vài học trò, nay cũng đã trở thành nghệ nhân. Tiêu biểu nhất là bà Y Blưh. Đây là một nghệ nhân làm ông yên tâm nhất, hài lòng nhất, có thể thay ông truyền dạy lại cho lớp trẻ, nếu một mai ông không còn. Mong muốn lớn nhất của ông đó là việc thành lập được những “đội cồng chiêng nhí” ở khắp các thôn làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dù đó là thôn làng của người Ba Na, người Xê Đăng, người Gia Rai hay người Giẻ-Triêng... nhằm tiếp tục duy trì, bảo tồn và phát huy bản sắc độc đáo của “văn hóa cồng chiêng” -một công việc thầm lặng mà ông đã làm trong suốt nhiều năm qua.
Việc "tiếp lửa" đam mê cồng chiêng của nghệ nhân A Ngơ, Y Blưh cho các em nhỏ đang nối dài hơn sức sống của loại hình độc đáo này ngay trên vùng đất Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung- nơi cồng chiêng đã được thế giới vinh danh, tôn trọng. Ông A Blũh, nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi chia sẻ: “Với người Ba Na chúng tôi, mỗi dịp ma chay, cúng thần linh, lễ hội… tiếng cồng chiêng là thứ nhạc không thể thiếu. Vì cồng chiêng đóng vai trò quan trọng trong đời sống là thế nên ý thức về việc giữ gìn, lưu truyền và phát huy văn hóa cồng chiêng luôn được người Ba Na đề cao. Các già làng còn khỏe họ còn nhớ cách chơi nhưng khi họ về với Yàng (Trời) là hết. Cho nên, những đội cồng chiêng nhí ra đời là để tiếp nối, gánh vác văn hóa cồng chiêng cha ông để lại”.
Trước khi chia tay với tôi, già A Ngơ, bà Y Blưh có đôi lời nhắn gửi: “ Mong muốn và mơ ước cuối cùng của chúng tôi là đội cồng chiêng nhí của làng được ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch cử đi biểu diễn nhiều nơi trong nước và nước ngoài để các em cảm thấy hãnh diện và tự hào vì đã góp công giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình...!”.
Tôi thầm nghĩ: Mơ ước ấy khó lắm thay! Và rồi tự nhủ: Biết đâu một ngày nào đó, “những ước mơ nho nhỏ” của già Ngơ, của bà Y Blưh, của các em trong đội cồng chiêng nhí làng Kontum Kpơng sẽ trở thành hiện thực.