Đúng như tên gọi của mình: “độc mộc”, thuyền được thiết kế, đục đẽo từ nguyên thân cây lớn gỗ lớn, phổ biến nhất là gỗ sao xanh bởi loại gỗ này nhẹ nhưng chắc chắn, ít bị mối mọt. Cấu tạo của thuyền đơn giản nhưng việc làm ra nó cũng là một quá trình nghệ thuật đòi hỏi nhiều công sức và tài năng của người nghệ nhân. Trước hết là việc tìm gỗ, phải đúng cây gỗ sao, chu vi lớn hơn tay hai người ôm, thân thẳng tuột, ít cành nhánh. Sau khi hạ cây xuống, người ta sử dụng loại cuốc chim thật sắc bén để khoét lòng thuyền, bào nhẵn mặt bên trong và bên ngoài chiếc thuyền, vừa đẽo, vừa đốt lửa để hong khô thân cây. Trong quá trình đẽo thuyền, người nghệ nhân phải toàn tâm toàn ý, tập trung vào từng nhát rìu, tỉ mỉ từng đường nét, đến khi chiếc thuyền bắt đầu có hình có dáng. Mỗi con thuyền đối với người nghệ nhân là cả một công trình nhiều tâm huyết, có cả sự đam mê mà lòng tin. Chiếc thuyền độc mộc thành công là các bộ phận cân đối, hài hòa, vỏ thuyền tuy mỏng nhưng có sức chịu đựng tốt với việc các con sóng đánh ập vào. Nếu như thuyền làm ra không giữ được thế cân bằng thì khi di chuyển dễ bị nứt, toác dần ra đến không sử dụng được. Khi con thuyền đã hoàn thành và hạ thủy an toàn thì người dân mới tiến hành cúng Yàng để tạ ơn. Lễ vật cho mỗi lễ cúng đơn giản cũng phải con gà, ghè rượu...dân làng cùng góp mặt, ca hát, uống rượu mừng làng có chiếc thuyền mới. Người thợ làm thuyền sẽ được gia chủ mời rượu trước tất cả mọi người như một phần thưởng và sự tôn vinh tài năng... Trước đây, nhà nào đẽo được thuyền độc mộc lớn là nhà đó có của ăn của để và được dân làng quí trọng, tin cẩn. Thuyền chỉ được dành cho con trai cả hoặc người chủ nhà - là những người có sức khoẻ, có kinh nghiệm về sông nước trong gia đình, trong buôn làng.
Do cấu tạo địa hình cao nguyên nên hệ thống sông ngòi ở Kon Tum rất chằng chịt, về mùa mưa, nước sông dâng lên ồ ạt, dốc đột ngột, nhiều xoáy mạnh, còn mùa khô nước rút mạnh, khiến cho lòng sông hẹp, đáy nhiều đá nhọn lởm chởm. Điều này khiến cho việc sử dụng các phương tiện giao thông như tàu, thuyền lớn, ghe gặp nhiều khó khăn, chỉ có thuyền độc mộc với đặc điểm nhỏ gọn, cơ động mới thích hợp với cuộc sống của bà con dân tộc nơi đây. Với cấu tạo đơn giản nhưng thuyền độc mộc lại có sức nâng cao, đồng thời lại bớt lực cản của nước nên việc vận chuyển những loại hoa màu trồng được trên nương rẫy xuôi về nhà được thuận lợi. Bên cạnh đó, để phù hợp với địa hình đồi núi nhiều sông suối thì thuyền độc mộc cũng nhanh chóng đáp ứng nhu cầu đi lại giữa làng này qua làng khác. Có lẽ, không có hình ảnh nào đẹp hơn khi giữa một vùng sông nước Đăk Bla bao la rộng lớn, hai bên bờ cỏ cây xanh ngắt, không khí mát lạnh, có chiếc thuyền độc mộc lững lờ trôi trong nắng sớm cao nguyên. Tại thành phố Kon Tum, những ngôi làng ven sông như làng Kon Klor, Kon Ktu, Plei Tơ Nghĩa,…vẫn còn hình ảnh thuyền độc mộc neo đậu dưới bến sông êm đềm. Mỗi khi vụ mùa vừa xong, thuyền lại đầy ắp những khoai, lúa, ngô,…được bà con vận chuyển từ trên nương rẫy trở về nhà.
Giữa dòng sông Đăk Bla mênh mông nước dâng tràn, hai bên bờ cỏ cây xanh ngắt, chiếc thuyền độc mộc lặng lẽ trôi, duyên dáng, êm xuôi như một chiếc lá mùa thu. Thuyền độc mộc có từ bao giờ và ai là người sáng tạo ra loại phương tiên độc đáo này? Chẳng ai nhớ được, chỉ biết rằng thuyền độc mộc hiện hữu trong đời sống người dân tộc thiểu số Kon Tum như một nét chấm phá đáng yêu, vừa mang ý nghĩa thực tiễn như một phương tiện giao thông, vừa là công trình nghệ thuật của những nghệ nhân từ bản làng.
Thuyền độc mộc trên sông Đăk Bla
Nhưng rồi theo thời gian, rừng càng ngày càng lùi xa, gỗ lớn làm thuyền ngày càng khó tìm nên việc làm thuyền cũng trở nên hiếm hoi. Thêm vào đó là sự xuất hiện của những phương tiện giao thông hiện đại và thuận lợi khiến cho thuyền độc mộc vắng bóng trên những dòng sông, nghệ thuật làm thuyền độc mộc ngày dần mai một. Tại các huyện có địa hình sông nước chẳng chịt như Sa Thầy, Kon Rẫy, Đăk Tô ngày càng khó để tìm thấy bóng dáng mảnh mai, duyên dáng của thuyền độc mộc trên những dòng sông.
Để gìn giữ nét văn hóa đặc sắc này, hàng năm, trong dịp Tết Nguyên đán, người Kon Tum lại tổ chức hội đua thuyền độc mộc trên dòng Đăk Bla hùng vĩ, đây là ngày hội, là dịp để người dân các làng giao lưu, kết thân bè bạn với nhau. Ngay từ sáng sớm hàng ngàn người dân tập trung dọc hai bên bờ kè sông Đăk Bla để cùng theo dõi giải đua thuyền độc mộc truyền thống, đây không đơn thuần là một cuộc đua có giải thưởng mà còn là hoạt động văn hóa giữ gìn nét sinh hoạt truyền thống của người dân Bắc Tây Nguyên. Cuộc đua thường được bắt đầu từ 7g sáng, với 9 đội tham dự, đại diện cho các huyện, thành phố đến tranh tài. Mỗi đội lại gồm nhiều chiếc thuyền, và trên mỗi thuyền có hai người, mặc trang phục chỉnh tề, chuẩn bị tư thế sẵn sàng khi trọng tài cất tiếng còi là chèo thuyền vun vút. Đoạn sông đua dài khoảng 3km, không khí náo nức, hàng ngàn người tập trung cổ vũ. Thuyền chiến thắng không chỉ nhận được phần thưởng của Ban Tổ chức mà còn được sự ngưỡng mộ của nhiều người dân. Gần đây nhất là giải đua thuyền độc mộc truyền thống 2013 trên sông Đăk Bla có sự tham dự của 41 thuyền, với 82 vận động viên của 9 xã, phường ven sông. Do lượng nước trên sông Đăk Bla xuống thấp nhất trong 37 năm qua, nên một số đoạn đua mái chèo chạm cát, ảnh hưởng rất nhiều đến chuyên môn và chiến thuật thi đấu của các đội. Nhờ có sự chuẩn bị tốt và là đội tham gia đông nhất với 9 thuyền đua, đội thuyền độc mộc xã Sa Bình, huyện Sa Thầy đã giành cả ba giải: nhất, nhì, ba cá nhân và giải nhất tập thể.
Thuyền độc mộc hiện diện trong đời sống bà con dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên hàng trăm năm nay, cùng người dân qua những con sông lớn, lên thác xuống ghềnh bao lần, chống chịu được những cú va đập với đá ngầm, sóng lớn. Đây vừa là công cụ lao động gần gũi hằng ngày, lại vừa là một nét văn hoá rất đặc sắc cần được giữ gìn trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số Kon Tum.