Tôi đã từng ao ước được một lần lên thăm miền ký ức nhuộm vàng tuổi thơ của các bạn và cũng đã từng ao ước giá như mảnh đất Miền Trung của tôi cũng có cánh đồng hoa Dã quỳ đẹp mê hồn đến như vậy. Thế là tôi ngồi tưởng tượng về một cánh đồng hoa mang tên Dã Qùy, miệng ngâm nga đọc câu thơ chợt nhớ:
“Tôi nông nỗi lúc gặp chiều hoa dại
Dã Qùy ơi vàng trải đến rưng rưng…”
Như một cái duyên khi chính người mà tôi yêu lại gọi tôi bằng cái tên “cô bé Dã Qùy”. Phải chăng suốt thời gian dài sinh sống, công tác, gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên nên anh đã rất yêu loài hoa đó, đặt cho tôi tên gọi “cô bé Dã Qùy” để thể hiện rằng anh yêu tôi như yêu loài hoa bình dị, rực rỡ và mãnh liệt đến lạ lùng? Cho đến một ngày tôi được đặt chân lên mảnh đất Tây Nguyên đúng mùa Dã Qùy nở rộ và tôi hiểu rằng “cô bé Dã Qùy” mà anh đặt cho tôi không chỉ đơn giản là vẻ đẹp bên ngoài của loài hoa.
“Ôi! … Oà … Đẹp quá”! Tôi reo lên như một đứa con nít, mắt tròn xoe ngỡ ngàng rồi ngẩn ngơ trước thảm vàng dịu ngọt đang ru mình theo gió, quấn quýt vào nhau giữa đại ngàn xanh thẳm. Đẹp thế này chẳng trách tác giả Đào Phan Toàn trong bài thơ Dã quỳ ơi đã phải thốt lên: “Dã quỳ ơi! Dã quỳ ơi! Chốn hoang vu sắc vàng tươi đất trời” Tôi tham lam, muốn gom hết những bông hoa dã quỳ vào máy ảnh của mình mà không biết rằng Dã Qùy đang reo cười xôn xao.
Nghe một số người dân nói rằng, Dã Qùy còn có tên gọi khác là cúc qùy, sơn quỳ, quỳ dại và là một chi thuộc học Cúc có nguồn gốc từ Mexico. Gọi là Dã quỳ bởi loài hoa này báo hiệu một mùa mưa đã qua và những ngày nắng đẹp đã đến, đúng như tác giả Hoa Nhã My đã viết:“Mùa khô tới bởi sắc vàng/Cao nguyên đẹp bởi miên man dã quỳ”. Tuy không sang trọng như hoa hồng, quý phái như hoa ly… nhưng bù lại, dã quỳ lại có một vẻ đẹp đằm thắm và vô cùng rực rỡ. Mùa đông Tây nguyên với khí lạnh núi rừng dường như ấm áp hơn bởi sắc hoa vàng quyến rũ ấy.
Bạn có thể thấy sắc hoa ở bất cứ đâu, từ trong lòng phố nhỏ, bên vệ đường, vây quanh những ngôi nhà nhỏ, những hàng rào xinh xinh, hay phủ vàng cả một triền đồi thương nhớ… Vào buổi sáng, sắc hoa vàng lãng đãng, hư ảo trong màn sương; gần trưa dã quỳ bung nở làm bừng sáng núi rừng; chiều đến, nắng vàng nhạt hiu hắt càng làm cho sắc hoa đẹp đẽ và lung linh; về đêm, dã quỳ thầm thì kể chuyện với non ngàn và tỏa ấm không gian tĩnh lặng. “Qùy lung linh trong nắng/ Qùy khép nép trong sương/Dã quỳ - ôi hoang dại/Vàng những đóa vô thường…”
Hoa theo chân người ra chợ bắt đầu ngày mới. Hoa theo chân người lên nương, rẫy hái chè, trỉa bắp. Hoa theo chân trẻ nhỏ đến trường. Hoa rung rinh trong chiếc gùi của cô sơn nữ. Hoa múa xoang cùng làng bản bên bếp lửa. Hoa minh chứng cho tình yêu đôi lứa… Hoa Dã Qùy là cuộc sống, là tâm hồn của con người Tây Nguyên!
Dã quỳ loài hoa của nắng, sống giữa đại ngàn, hé nụ chẳng ai biết, khai mầm chẳng ai hay, khi cánh hoa tàn lại trở về ẩn mình trong lòng đất, âm thầm chờ mùa xuân để bật mầm, để khao khát cháy bùng như ngọn lửa cao nguyên vào tháng 10, 11 hàng năm. Những cánh hoa mộc mạc, thanh khiết và rực rỡ như tâm hồn người dân phố núi, màu của hoa dã quỳ như gom hết màu nắng trong năm để khoe sắc một lần. Hoa nở ra, in trên nền một khoảng không xanh thắm, vời vợi. Nhiều khi ngẫm nghĩ, tôi thấy lạ. Dã quỳ, không ai trồng, không ai chăm sóc mà hoa cứ vươn lên, xôn xao và mãnh liệt vô chừng. Và có lẽ chỉ khi chìm trong khoảng không gian mênh mông không ràng buộc ấy dã quỳ mới thể hiện hết cái đẹp hoang dã, phóng khoáng của mình: “Hoa lả lướt cùng cao nguyên gió/Mùa nỗi niềm mây trắng bay đi”(Hoa chờ em – Phạm Quốc Ca)
Sẽ không bao giờ là thừa để bắt đầu nhiều ngày lái xe máy trên mảnh đất Tây Nguyên. Đến Kon Tum, bạn chỉ cần đi đến một bùng binh nhỏ, nhìn thấy các mũi tên: Sa Thầy, Măng Đen, Ngọc Hồi, và chọn ngay một cái tên bạn thích, bạn sẽ chẳng hối tiếc vì bất cứ chặng đường nào mình sẽ đi. Khi hoa dã quỳ nở vàng hết các ngõ ngách của tàng cây xanh, Kon Tum rùng mình một cái hoá nên lộng lẫy và đẹp đến nao lòng, đó quả là “Một chút Kon Tum” để nhớ , để thương lúc rời xa. Lên với Gia Lai, ta bắt gặp cuộc sống tràn ngập màu nắng của Dã Qùy: “Em cứ vậy dã quỳ hoang dại/ Hút hồn ta rực rỡ sắc vàng/Ta khờ dại nên một đời ngây ngất/Nghiện dã quỳ, ráng đỏ và em” (Dã quỳ và em – Ngô Thị Thanh Vân). Dã quỳ đan nhau, chen chúc, nối dài thành lớp lớp sóng hoa vàng xô nhau trước những cơn gió thồi ràn rạt dọc quốc lộ 19 từ Bình Định lên Gia Lai, quanh Biển Hồ - mắt ngọc, dưới chân núi Hàm Rồng, và những đồi hoa vàng ươm dọc đường đi ChưPrông, ChưSê cũng như dọc đường đi liên tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông. Và cuối cùng dạ quỳ kiêu sa khoe sắc lại vương quốc hoa Đà Lạt, nổi bật trên Núi Voi, núi LangBiang và rất niều nơi khác. Dã quỳ từng được lựa chọn là biểu tượng chính cho Festival hoa Đà Lạt tháng 12 năm 2005 và là niềm tự hào của bao người con Tây Nguyên.
Anh mơ...
Mùa xuân đến tim ta sẽ trở lại thời tuổi trẻ
Em đưa anh về trên con đường rải đầy quỳ dại
Sắc hoa vẫn vàng tươi mềm mại
Vẫn ấm lòng
Không trở tím một mùa xa...
(Lối dã quỳ anh đi – Lê Miên Ca)
Thế nhưng, sẽ là một thiếu sót và thiệt thòi nếu chúng ta chỉ nhìn thấy vẻ đẹp bên ngoài của loài hoa Dã quỳ. Tôi đã cho rằng mình thực sự may mắn khi đã được nghe và thấu hiểu truyền thuyết và ý nghĩa sâu sắc của loài hoa này. Chuyện kể rằng:
Ngày xửa ngày xưa, nơi buôn sóc nọ có chàng K’lang của núi rừng yêu tha thiết nàng H’limh của con suối. Ngày ngày chàng K’lang vào rừng săn bắt thú rừng còn nàng khéo léo dệt tấm chăn kiệu chồng (vì theo tục lệ của bộ tộc nàng con gái trước khi lấy chồng phải dệt một tấm chăn thật đẹp để mang về nhà chồng). Rồi tối tối họ lại quây quần đốt lửa và múa hát cùng dân làng trong buôn. Cuộc sống vui vẻ hạnh phúc của họ cứ trôi đi.
Đến một ngày kia khi H’limh chờ hoài đến tối mà vẫn không thấy K’lang đi săn về, nàng lo lắng từ buôn sóc nàng đi tìm K’lang. Nàng cứ đi, đi mãi đi hết mười mấy con suối, mười mấy ngọn núi rồi mà không thấy người yêu của mình đâu cả. Mệt quá nàng ngủ thiếp đi trong giấc mơ nàng thấy K’lang gọi nàng và bảo nàng hãy đi thêm một con suối nữa sẽ gặp chàng ở đó.
Nàng giật mình rồi đi tiếp đến cuối nguồn nàng nhìn thấy K’lang đang bị những tên hung ác của bộ tộc Lasiêng trói chặt. Nàng chạy lại ôm lấy chàng mặc cho những mũi tên, những ngọn giáo đâm vào da thịt. Mặc cho bao nhiêu đau đớn nàng vẫn quyết bảo vệ cho người yêu cho tới khi nàng bị trúng mũi tên độc cuối cùng của chàng La rihn con trai tộc trưởng Lasiêng. Vì quá hờn ghen với tình yêu của H’limh dành cho K'lang chàng đã buông lơi mũi tên hận tình. Chàng cũng không ngờ người lãnh trọn mũi tên ngiệt ngã ấy lại là H’limh – người con gái mà chàng ngày đêm thương thầm trộm nhớ mà không được đáp lại tình cảm.
Từ đó cứ mỗi độ tháng mười nơi nàng H’limh chết lại nở ra một loài hoa có màu vàng rực. Người ta thường gọi là hoa Dã Quỳ
Cuối nguồn con suối xa xưa
Nàng H’limh đã hy sinh đời mình
Hóa thân thành đóa dã quỳ
Ngàn năm hậu thế lưu truyền thủy chung …
(Sưu tầm)
Tôi đã rất xúc động khi được nghe câu chuyện này. Một phần vì tình yêu sâu nặng của nhân vật trong câu chuyện nhưng mặt khác tôi xúc động vì vỡ òa “Vì sao người tôi yêu lại gọi tôi là cô bé dã quỳ”. Thì ra, anh muốn tình yêu của anh và tôi cũng sẽ tràn đầy sức sống mãnh liệt, không chịu khuất phục và thủy chung, son sắt. Anh muốn tôi là mặt trời nhỏ rạng ngời và căng tràn sức sống, luôn vươn lên dẫu cuộc sống có muôn vàn khó khăn và thử thách. Anh muốn Dã quỳ sẽ đi theo tôi, tỏa sắc hoa rạng rỡ để cuộc sống của tôi luôn tươi vui, thành công và hạnh phúc.
Năm nay, mùa hoa dã quỳ lại tới, tim tôi lại rạo rực. Tôi thoảng ngửi thấy mùi hương hăng hắc, ngai ngái của Dã quỳ đang lan toả giữa núi đồi Tây Nguyên. Đó là mùi hương nếu lỡ quen rồi sẽ nhớ mãi không quên. Là mùi hương của sức sống mãnh liệt, mùi hương của tình yêu. Và như một lời hẹn ước với cố nhân, muà dã quỳ năm nay tôi lại đến với Tây Nguyên để được đắm chìm trong tình yêu và để được in dấu chân trên những đồi hoa dã quỳ đang bung nở.
Miên man bất tận trập trùng
Dã quỳ mãnh liệt một vùng hoag sơ
Sắc vàng nhuộm đẫm hồn thơ
Cho ta mê đắm ngẩn ngơ nhớ người
(Mùa hoa dã quỳ - Kiều Huệ)
Nhớ quá rồi! Phải xách ba lô và đi thôi, mùa hoa dã quỳ đang xôn xao mời gọi …