Thuộc địa phận làng Kon Klor (TP. Kon Tum), cầu Kon Klor được khởi công xây dựng vào tháng 2-1993 và hoàn thành tháng 5-1994, có chiều dài 292 m, rộng 4,5 m và được xem là cây cầu lớn nhất Tây Nguyên được làm bằng thép.
Trước khi có cầu, vào mùa nước cạn, từ người dân cho đến vật nuôi đều phải lội nước qua sông; vào mùa mưa, nước lớn nên bà con phải qua bờ bên kia bằng thuyền độc mộc hoặc bè. Còn mùa lũ, nước sông Đăk Bla trở nên hung dữ, không ai dám đi qua, mọi sinh hoạt, lao động cũng vì vậy mà trở nên gián đoạn. Năm 1994, cầu Kon Klor “chào đời” đã “đánh thức” kinh tế 2 bờ, tạo việc giao thương thuận tiện, cuộc sống của người dân cũng nhờ đó no đủ, nhộn nhịp hơn. Vào mỗi mùa trong năm, cầu đều hiền hòa đón nhận không biết bao lượt nông dân chở nông sản, các em nhỏ sớm chiều tung tăng nô đùa, từng đàn bò no căng bụng thong thả đi về... tất cả hòa quyện với cảnh sắc ven bờ, tạo nên không gian yên bình, thơ mộng. Đến Kon Tum, du khách đừng nên bỏ qua địa danh tuyệt đẹp này. Nơi đây, du khách có thể thong thả đi bộ trên cầu để ngắm khung cảnh thanh bình, dòng nước chảy nhẹ nhàng, những chiếc thuyền độc mộc neo đậu ven bờ, những đứa trẻ vô tư tắm mát bên dòng sông...
Buổi trưa đầy nắng, cây cầu càng trở nên nổi bật, nối liền màu xanh tươi của những vườn chuối, rặng tre ở hai bên bờ. Cầu Kon Klor đẹp nhất khi buổi chiều xuống, tất cả như chìm trong cảnh sắc hoàng hôn, tạo không gian lãng mạn đến say lòng. Ấn tượng với không gian tuyệt đẹp này, nhạc sĩ Lê Minh Thế đã gửi gắm tình cảm của mình vào trong ca khúc “Chiều trên cầu treo Kon Klor”: “...Chiều qua cầu treo Kon Klor, bỗng thương một vùng quê nhỏ, cầu nối đôi bờ tuổi thơ, thôi buồn chi nhé con đò. Chiều trên bến sông Kon Klor, có con diều căng cánh gió, bến sông cầu giăng bóng nhỏ, lòng ta chợt thoáng giấc mơ. Chiều lên bến sông Kon Klor, khúc ca trên cầu treo đó, xin hát thay câu hẹn hò...”.
Bên cạnh “dải lụa” khổng lồ này là nhà rông Kon Klor cao tới 22 m, được xem là một trong những nhà rông lớn nhất tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung, được xây dựng với các chất liệu truyền thống: gỗ, tranh, tre, nứa... và những hoa văn, họa tiết công phu, đẹp mắt, theo đúng truyền thống dân tộc Ba Na. Nhà rông được xây dựng tháng 6-2011, ngay tại nhà rông cũ bị cháy (năm 2010), với tổng kinh phí khoảng 1,8 tỷ đồng cùng sự đóng góp trên 3.000 ngày công của bà con làng Kon Klor và các địa phương lân cận. Không chỉ là điểm sinh hoạt cộng đồng của bà con Ba Na, nhà rông còn là điểm du lịch, biểu tượng văn hóa độc đáo của các dân tộc tỉnh Kon Tum.
Đến với Kon Klor, du khách sẽ cảm nhận được khung cảnh làng yên bình, ngập tràn màu xanh tươi của cây lá. Dạo quanh ngôi làng thơ mộng này, du khách sẽ bắt gặp những đứa trẻ có làn da nâu mịn, đôi mắt to tròn, trong veo đang vui vẻ chơi đùa; người lớn cần mẫn lao động, sản xuất... Tất cả càng điểm tô cho Kon Klor vẻ đẹp thanh bình, nhẹ nhàng nhưng không kém phần hấp dẫn, thú vị.