Kon Tum tiếng Ba Na nghĩa là làng gần hồ nước. Có thể là tại thành phố này nằm ngay bên con sông Đăc Bla. Thường thành phố nào nằm bên sông thì hay đẹp, như Huế, như Đà Nẵng… chẳng hạn. 5 thành phố thủ phủ 5 tỉnh Tây Nguyên là Đà Lạt, Gia Nghĩa, Buôn Ma Thuột, Pleiku và Kon Tum thì mỗi Kon Tum có đặc sản trời cho là con sông Đăc Bla uốn lượn quanh thành phố.
Từ năm 1851, khi người Pháp đặt chân lên Kon Tum thì họ đã chú ý đến con sông này.
Tôi trở lại Kon Tum lần này bằng cách nhịn cà phê sáng, lái xe chạy một hơi từ Pleiku, lên Kon Tum mới uống cà phê, cà phê bờ kè, chính xác là bờ sông Đăc Bla. Mấy năm mà con sông Đăc Bla đã lột xác hoàn toàn và tôi phục cách nghĩ, cách tưởng tượng và cách xây dựng của người Kon Tum khi họ bám vào sông, biến bờ con sông thành điểm nhấn của thành phố. Điều mà bao nhiêu năm, nhất là hồi đang còn bị ghép với tỉnh Gia Lai thành Gia Lai – Kon Tum, chưa ai làm được.
Bỏ qua quán cà phê tranh tre Võ Trọng Nghĩa, nghe nói đang rất “hot”ở Kon Tum, hot vượt qua cả EVa của họa sĩ Nguyễn Hữu Ẩn vốn dĩ đã là một điểm dừng chân tham quan của Kon Tum lâu nay, chúng tôi chọn một quán bình dân ngoài trời ở bờ kè, đối diện quán tranh Võ Trọng Nghĩa, bắt wifi của quán ấy. Ngồi đấy và thấy mừng cho người Kon Tum đã được giời cho con sông lượn rìa thành phố (Nếu thành phố phát triển tiếp về phía Nam thì nó sẽ chia đôi thành phố như sông Hương, sông Hàn chứ chả thua kém), nhưng mừng hơn là người Kon Tum đã biết tận dụng địa hình địa thế để phát triển thành phố, chứ không cưỡng bức để xây dựng như thành phố tôi đang sống, đã kịp chặt hết cổ thụ, san hết dốc để nó “được như” Đà Nẵng, Nha Trang…
Nhưng cái ấn tượng nhất trong tôi, ấy là việc Kon Tum bảo tồn và giữ được và nâng lên thành bản sắc dựa trên sự phát triển hợp lý của đặc trưng làng trong phố và phố trong làng…
Kon Tum có cái may mắn nữa là được người Pháp phát hiện và quy hoạch. Kiến trúc Pháp bao giờ cũng mềm mại, lãng mạn và có vẻ hợp với Á Đông hơn. Pleiku là thành phố dã chiến quân sự do Mỹ quy hoạch và xây dựng, nên nó có gì đấy gấp gáp, vội vã, nhất thời với kiến trúc táp lô lợp tôn, kẽm gai cọc sắt, sau này khi tiếp quản, người ta “nâng cấp” lên thành bê tông trơn lì, thành thẳng băng trống vắng, thành choáng ngợp và xa lạ.
Kon Tum hiền hòa trong từng khúc ngoặt, từng đột ngột những góc phố, từng bất ngờ những mái nhà rông Ba Na thân thiện gần gũi chứ không chóe sáng tôn và lạnh lùng bê tông. Và đặc biệt là những ngôi nhà. Nhà ở đây dẫu của người Kinh hay người Ba Na thì cũng đều rất mềm mại, thoáng với cây xanh, với vườn, và ngói vẩy kiểu cổ. Những ngôi nhà sàn Ba Na cách điệu cho phù hợp thành thị nhưng vẫn rất Ba Na chứ không như những nơi khác, nó biến nhà xây cấp 4, nền xi măng, mái lợp tôn, cửa vênh vách lở. Những đôi mắt đen láy ở những góc phố – vườn ấy xoáy vào chúng tôi trong cái nắng vàng như mật ong, hình như cũng là đặc sản Kon Tum? Hầu như làng nào ở thành phố Kon Tum này cũng còn nhà rông. Những ngôi nhà rông thoáng đãng thảnh thơi ngay bên đường nhựa, giữa làng, rìa sông… chưa biết lúc nào thì nó bị biến thành cao ốc, thành các công trình hiện đại, anh bạn thổ công nói, bằng những gì anh biết anh thấy, thì điều tôi vừa thốt ra sẽ khó thành hiện thực, bởi chính quyền Kon Tum rất biết lợi thế của mình chính là những cái làng thảnh thơi ấy. Chả thế mà, những chàng trai Pháp, quý tộc Pháp hẳn hoi, sang du lịch rồi mà phải lòng làng, phải lòng các cô gái Ba Na ở đây, đã vui vẻ để các cô ấy “bắt”, rồi ở hẳn lại làng, chiều chiều cũng thơ thẩn địu những đứa trẻ lai Pháp đi khắp làng, rồi ra bờ sông ngồi. Không phải cá biệt mà là rất nhiều. Chúng tôi thấy trên tường nhiều ngôi nhà có ảnh các cô gái Ba Na sang Pháp làm dâu, ngồi ăn trong khu vườn cỏ của những ngôi biệt thự, khăn ăn trắng tinh, đồ ăn Tây với dao thìa nĩa, những bà mẹ chồng Pháp lúi húi nướng đồ ăn, những con chó… những bức ảnh sạch sẽ tinh tươm ấy treo trên tường nhà Ba Na đã ám khói. Tôi, quả thực đã hết sức ngạc nhiên và vô cùng cảm phục khi thấy gương mặt hân hoan của những chàng rể Pháp khi ngồi khề khà chai bia bên bếp lửa nhà sàn trong cái chiều Đăc Bla này. Có khác gì các cô gái làng đây sang Pháp, ngồi trong những biệt thự sang trọng bên bờ sông Seine bên những ông bố bà mẹ Pháp với những món ăn tây khác hẳn kiểu ăn Ba Na, trừ món nướng.
Người Ba Na Kon Tum rất giỏi ngoại ngữ. Chuyến đi của chúng tôi là để làm những việc thiện, ấy là tặng quà cho các nghệ nhân người Ba Na, mỗi cụ một cái radio, ít lương thực thực phẩm, và… kiểm tra xem các cụ sống thế nào. Có anh bạn nghĩ ra cách là kêu gọi mọi người giúp đỡ để “cấp lương” cho các cụ, mỗi cụ mỗi ngày 10 ngàn, vị chi là một tháng 300 ngàn. Có 7 cụ như thế. Cô Đào Phong Lan, nguyên là nhà thơ trẻ từ Gia Lai vào Sài Gòn lập nghiệp là người mang quà về tặng các cụ. Còn anh Nguyễn Quang Tuệ là người đứng ra hô hào để cấp lương cho các cụ. Bởi các cụ được phong nghệ nhân dân gian, và đều cũng đã rất già và quan trọng hơn, đều rất nghèo. Các cụ không làm được gì đã đành, ngay vợ con cháu chắt trong nhà cũng rất phập phù, chủ yếu là làm thuê, thu nhập rất thấp. Mà nói thật, đồng bào dân tộc Tây Nguyên đa phần là nghèo tới rất nghèo, chỉ một số ít giàu là do biết căn cơ, lại có điều kiện làm tiêu, cà phê, cao su… còn lại có việc gì làm để có thu nhập đâu? Trong 3 cụ chúng tôi đến thăm thì có đến 2 cụ mà cô Đào Phong Lan có thể nói… tiếng Anh với các cụ. Có một cụ còn hân hoan khuyến mãi thêm tràng tiếng Pháp.
Viết đến đây, lại nhớ một đoạn ngắn về Kon Tum tôi đã viết dạo nào: “Tôi nhớ hồi ấy mỗi lần từ Pleiku lên Kon Tum công tác là cái lũ mơ mộng chữ nghĩa chúng tôi lại thích thú thơ thẩn đi dạo lòng vòng dưới những con đường đầy phượng, nơi có những ngôi nhà lợp ngói mũi cổ kính, những con ngõ xinh xinh với kiến trúc chiều dài càng vào càng bí ẩn và luôn luôn chứa đựng những bất ngờ ở những khúc ngoặt không biết trước. Thị xã nằm bên bờ sông nên có những cây cầu rất đẹp, những bến tắm rất nên thơ. Hồi ấy chưa hiện đại như bây giờ, có nhà tắm hồ bơi, nên chiều chiều, bến sông đặc người tắm giặt. Và những kẻ độc thân xa nhà chúng tôi cứ nao nao ngồi bên sông, khi thì trước ly cà phê, lúc thì chai rượu gạo, lâng lâng đọc cho nhau những ký ức làng quê, nhấm nháp câu thơ Bế Kiến Quốc: Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng/ tất cả trả lời bên một dòng sông.
Phố ấy, khung cảnh ấy, không khí ấy… nó sinh ra những con người Kon Tum cũng lạ hơn Pleiku dù hai đô thị cách nhau chỉ 45 cây số, cùng có nguồn gốc người chủ yếu từ duyên hải miền Trung lên từ khá lâu, và sau này thì cùng là người tứ xứ đổ về lập nghiệp. Bản địa của Kon Tum là người Bahnar còn Pleiku là Jrai. Nhiều người cho đến giờ vẫn chưa phân biệt Kon Tum với Pleiku, nhưng chúng tôi, những người đã sống ở Tây Nguyên thì phân biệt khá rõ. Ấy là cùng li loạn, cùng ngược núi để tránh binh đao, nhưng những người chọn Kon Tum để sống và lập nghiệp phần lớn là theo đạo. Ở Kon Tum hiện nay có mấy địa chỉ tham quan liên quan đến Thiên Chúa giáo là Nhà thờ gỗ, là tòa giám mục, là tiểu chủng viện… Vậy nên cái tính cách nó cũng khác. Có gì đấy nền nã đằm sâu, lặng lẽ mà bền chặt. Họ sống căn cơ với ý thức lâu dài. Người ở Pleiku ngược lại, cùng lên thời ông Diệm lập dinh điền nhưng cái cách sống có phần tạm bợ. Đặc biệt sau này, khi chiến tranh lan rộng, Pleiku thành tiền đồn với dày đặc sắc lính thì vợ con gia đình lính lên sống cùng chồng cũng mang theo một lối sống nhanh, gấp, tiêu pha và không gìn giữ…”.
Tôi nhớ đêm kia, sau cái hôm lên trao quà cho các cụ nghệ nhân một ngày, tôi lại đưa ông nhà thơ Lê Huy Mậu lên Kon Tum, chỉ để ngắm hoàng hôn bên sông Đăc Bla rồi chui vào một cái quán của một nhà thơ xứ này, cái quán có cái view tuyệt vời mà không phải nơi nào cũng có: phía trước là ngoằn ngoèo dốc, rậm rịt cây, sau lưng là cánh đồng rười rượi vàng, mê mải những cơn gió sông biến cánh đồng thành một cái thảm chỉ nhìn đã ngây ngất. Trên cái thảm ấy, mùi khói cứ sực lên trong mỗi con người một vùng ký ức rơm rạ. Và cũng thật phù hợp, ông Lê Huy Mậu là tác giả lời của bài hát “Khúc hát sông quê” nức tiếng với “Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm…”…