Tình yêu sét đánhBiên giới những ngày này mưa cứ sụt sùi. Làng Đăk Mế chiều hôm ấy cũng phủ trong những đợt mưa phùn, se se lạnh. Thôn trưởng Thao Lợi dẫn khách đi đến ngôi nhà mà anh giới thiệu là "nhà tranh hai trái tim vàng": có chàng rể ở bên kia biên giới, người Campuchia, còn nàng dâu là gái làng Đăk Mế.
Làng du lịch cộng đồng
Chủ tịch UBND H.Ngọc Hồi, ông Trần Văn Chí cho hay: địa phương đang tính toán xây dựng làng Đăk Mế trở thành điểm làng du lịch cộng đồng. Theo đó, làng sẽ được xây dựng lại theo không gian làng truyền thống người Brâu xưa. Đồng bào Brâu sẽ sinh sống tại các ngôi nhà này và sẽ "sống" được với dịch vụ du lịch ở đây.
Đứng trước ngôi nhà nhỏ nền đất, mái lợp tôn tuềnh toàng, đồ trẻ con đang phơi đầy bên ngoài, nhưng cửa thì đóng, Thao Lợi gọi: "Ớ, hai đứa ôm nhau trong ấy, không mở cửa cho khách vào nhà à?". Sau tiếng gọi, đôi vợ chồng trẻ cùng ra mở cửa. Chàng rể người Campuchia mời khách vào nhà, tiếng Kinh lơ lớ, ngượng ngùng tên là Đa Ra Ban Mo (33 tuổi), còn vợ là tên là Nàng Mỹ Anh, kém chồng trên 10 tuổi.
Mời khách vào nhà nhưng nhà không có bàn ghế, chỉ có hai cái giường ọp ẹp, Nàng Mỹ Anh mời chúng tôi qua nhà chị mình ở sát vách để trò chuyện. Trải chiếu ra mời khách ngồi vào, Ban Mo và Nàng Mỹ Anh thủ thỉ về chuyện tình đẹp xuyên biên giới của họ. Chân chất qua lời kể chắp nối không sõi tiếng Kinh, Ban Mo bảo, quê mình ở xã Ta Veaeng, H.Ta Veaeng Leu, tỉnh Ratanakiri (Campuchia), muốn qua đây phải đi hết một ngày rưỡi đường xe máy. Năm 2013 Ban Mo đi sang nhà anh họ ở làng Đăk Mế là Thao Chương ăn cúng, trong men rượu ghè ngất ngây hôm ấy, anh thấy Nàng Mỹ Anh da trắng, má hồng, đằm thắm dịu dàng đang vui cùng gia đình nên đem lòng tương tư.
Đôi chân không cưỡng được trái tim mách bảo, một buổi sáng cuối tuần, Ban Mo lấy xe máy vượt đèo, vượt rừng tìm đến làng Đăk Mế quyết gặp cho được Nàng Mỹ Anh cho thỏa khát khao. "Ban đầu em không yêu đâu. Người lạ hoắc lại ở Campuchia, biết thế nào mà yêu", Nàng Mỹ Anh nhìn xuyên qua làn mưa nhỏ, mông lung nhớ về ngày cũ, hai má ửng hồng, ánh mắt lung linh.
Nhưng trái tim Nàng Mỹ Anh rồi cũng rung động khi đều đặn tuần nào cũng thấy "anh chàng người Cam" với chiếc xe máy lấm lem bụi đường xuất hiện trước cửa nhà mình. Tấm chân tình của chàng trai người Campuchia rồi cũng "đánh bại" bao nhiêu trai làng đang đeo đuổi Nàng Mỹ Anh ở làng Đăk Mế. Đến một ngày, Nàng Mỹ Anh nhận lời yêu Ban Mo. Mối tình xuyên biên giới này cũng đến hồi kết: gia đình nhà trai từ làng Ta Veaeng tận Campuchia mang lễ vật sang làm lễ cưới. Ngày 29.10.2013 chính là ngày cưới của đôi vợ chồng Ban Mo - Mỹ Anh.
Từ ngày cưới đến giờ, Nàng Mỹ Anh đã về nhà chồng 4 lần, còn tất cả đều ở bên làng Đăk Mế. Riêng Ban Mo sau ngày cưới, vẫn đều đặn đi về thăm vợ cuối tuần và hàng tháng còn kèm theo số tiền 4 triệu đồng tiền lương đưa cho vợ. Niềm vui càng vỡ òa khi đứa con gái đầu lòng ra đời. "Bố mẹ chồng đặt tên là Nàng Đa Ra, lấy cả họ hai nước Nàng - Đa Ra để đánh nhắc lại tình yêu. Hơn nữa, Đa Ra còn là tên của một nữ ca sĩ nổi tiếng Campuchia", Nàng Mỹ Anh chia sẻ.
Người Brâu hiện nay tại Việt Nam còn hơn 300 người đang sinh sống tại huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum.
"Bắt chồng" xuyên biên giới
Thôn trưởng Thao Lợi bảo, từ 2006 đến giờ, có trên chục mối tình nam nữ người Brâu làng Đăk Mế yêu và cưới người Brâu bên Lào, Campuchia. "Gần nhất là năm 2014, Thao Cung (Campuchia) lấy Nàng Tiên, còn tháng 6.2015 có A Khăm Pan lấy Nàng Hót, A Noi ấy Nàng Nhạc. Tất cả các lễ cưới đều diễn ra tại làng Đăk Mế này nên ai cũng biết, tham dự cả", Thao Lợi kể. Có điều như Thao Lợi nói, có thể do ngày trước có theo mẫu hệ nên phần lớn trai làng Đăk Mế cưới vợ Lào, Campuchia đều theo về ở với nhà vợ, còn các chàng rể người Lào hay Campuchia thì bị "bắt chồng" ở lại Đăk Mế.
Khi được hỏi các cặp đôi xuyên biên giới lấy nhau, có đến UBND xã đăng ký kết hôn không, thì cán bộ phụ trách tư pháp xã Bờ Y, H.Ngọc Hồi (Kon Tum), chị Nguyễn Thúy Liễu bảo: Người Brâu làng Đăk Mế cưới người Campuchia và Lào, hầu hết đều không đăng ký kết hôn. Sau đó chính quyền địa phương kết hợp với bên Lào hợp thức hóa nhập khẩu cho 7 trường hợp, còn với phía Campuchia thì có phần khó hơn, chưa giải quyết được trường hợp nào. "Muốn nhập khẩu vào thì phải có giấy tờ chứng thực từ nơi mình ở, chính quyền sẽ tạo điều kiện ngay", chị Liễu nói.
Nhìn tình yêu qua đôi mắt… gà
Trong khi nhiều làng ở Tây nguyên, đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức lễ cưới theo kiểu hiện đại thì người Brâu ở làng Đăk Mế lại khác: vẫn tổ chức đám cưới theo phong tục. Ấy là, khi hai bên thuận tình đi đến hôn nhân thì nhà gái sẽ thách cưới và gia đình nhà trai sẽ đứng ra lo toàn bộ lễ cưới bên nhà gái, kể cả đó là chàng rể Campuchia, Lào hay Việt Nam. Có điều, lễ vật trong cưới xin rất đơn giản chứ không cầu kỳ, tốn kém. Thôn trưởng Thao Lợi kể, như đám cưới của Ban Mo và Nàng Mỹ Anh, gia đình nhà trai bên làng Ta Veaeng sang chừng 10 người, mang theo một con heo, gà, gạo và rượu cần.
Sau đó, hai họ mời thầy cúng đứng ra làm lễ. Lễ tục cuối cùng là thầy cúng cầm cái đầu gà đã chín, khoét hết hai con mắt và bảo hai vợ chồng mỗi người nhìn vào một bên của hai con mắt gà ấy. Nếu chồng và vợ thông qua con mắt nhìn thấy nhau thì thần linh đã ủng hộ họ cưới nhau, còn nếu nhìn qua mắt gà mà không nhìn thấy nhau, xem như thần linh chưa đồng ý.