Nhà thờ Chính tòa Kon Tum hay còn có tên gọi dân gian là Nhà thờ gỗ Kon Tum nằm trên đường Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum – là một địa chỉ tham quan độc đáo không nên bỏ qua khi đến với mảnh đất này. Không chỉ đơn thuần là một nhà thờ, một địa chỉ tôn giáo mà còn được đánh giá như một kiệt tác về kiến trúc.
Nét độc đáo hiếm có của nhà thờ là sự kết hợp giữa kiến trúc Roman với kiến trúc nhà sàn của người Bana, như một sự giao hòa giữa văn hóa Tây phương và văn hóa dân tộc Việt Nam. Nhà thờ được xây dựng hoàn toàn theo phương pháp thủ công với chất liệu chính là gỗ “cà chít” (sến đỏ), tường sử dụng vữa trộn rơm của miền Trung còn những người thợ xây dựng đa phần đến từ Bình Định và Quảng Ngãi.
Tạp chí Hlabar Tơbang số 27 năm 1913 đã ghi lại tường thuật của cha Bề trên Kemlin về quang cảnh ngày dựng sườn nhà thờ thật náo nhiệt, vui tươi. Tất cả dân làng đều có mặt tại đây, dưới sự chỉ đạo của cha bề trên những cột gỗ tròn, dài và nặng được gắn kết với những cây đà lớn, vuông vức, sau đó được các thợ mộc khéo tay nhất đục đẽo, ráp mộng sít sao, rồi kéo lên bằng thừng, hoàn toàn bằng sức người: “Ấm áp của mùa hè! Mặt trời vừa ló rạng khỏi dãy núi phía Đông. Lòng người rộn rã như tiếng sấm mùa hè. Tùng, tùng, tiếng trống vang dội kêu gọi dân làng đến để dựng nhà thờ! Từ sáng sớm, có hai cha là cha Phước và cha Lê đã chuẩn bị đầy đủ, nào dây thừng v.v… Dân Kon Tum, anh em người Kinh và tất cả người Bahnar ra tập trung để chung sức kéo dựng. Đức cha và các cha đứng gần đó để coi. Gian đầu tiên, người ta kéo từ từ coi thử dây cột có chắc không; biết đã chắc rồi, cha Phước hô một tiếng to: phắt, tùng tùng, ông già đánh trống giữ nhịp độ kéo, người ta kéo các cột từ từ lên và dựng đứng thẳng. Trong lòng mọi người an tâm; họ thấy dễ dàng và không lo gì nữa”.
Khởi công xây dựng vào năm 1913, hoàn thành vào năm 1917, nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, với chất liệu chính là gỗ.
Hình ảnh nhà thờ vào năm 1927.
Ngoài những đặc trưng của giáo hội thì văn hóa Tây Nguyên hiện ra rõ nét trên những đường nét trang trí. Từ bức tượng Đức mẹ bế Chúa hài đồng đến cây thánh giá, các tượng trong và ngoài đều được tạc từ gỗ nguyên khối hoặc rễ cây rừng mang đậm nét mộc mạc, giản dị của các dân tộc Tây Nguyên. Trên tường treo những bức ảnh Chúa bằng kính màu. Mỗi khi có ánh nắng soi rọi vào, những lăng kính lấp lánh phản chiếu sắc màu khiến không gian trở nên lung linh, tráng lệ.
Kiến trúc nhà thờ là sự kết hợp giữa kiến trúc nhà thờ Roman với nhà sàn của người Bana.
Tượng Chúa được đặt ở vị trí trang trọng ở mặt trước nhà thờ.
Bên trong thánh đường.
Vòm cửa sổ nhìn từ ngoài vào.
Các chi tiết được chạm trổ tinh xảo.
Không xa nhà thờ Chính toà là Chủng viện Kon Tum, do đức giám mục đầu tiên của giáo phận Kon Tum xây dựng trong thời gian từ năm 1935 đến năm 1938.
Chủng viện cũng có kiến trúc tương tự như nhà thờ nhưng quy mô lớn hơn với không gian yên bình, thư thái. Trên tầng hai của chủng viện có một phòng truyền thống trưng bày chi tiết về lịch sử truyền giáo tại.
Tất cả các hiện vật, tài liệu đều được chạm khắc tỉ mỉ từ gỗ và mang những giá trị lịch sử lớn lao. Nhiều người coi đây như một bảo tàng thu nhỏ về nền văn hóa các dân tộc Tây Nguyên trên địa bàn Kon Tum.
Nhà thờ thường bình yên, trầm mặc quanh năm để những con chiên được tĩnh lặng lòng mình với Chúa. Chỉ đến mùa Giáng sinh, không khí ở đây mới rực rỡ trang hoàng và náo nhiệt.
Các khung cửa kính màu vẽ tranh mô tả các điển tích trong Kinh thánh, vừa có tác dụng lấy ánh sáng vừa giúp trang hoàng vẻ đẹp rực rỡ, ảo diệu của thánh đường
Nếu bạn có cơ hội đi ngang qua mảnh đất Tây Nguyên, nhớ dành ra một ngày ghé qua nhà thờ Chính tòa để hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, sự đa sắc tộc trên vùng đất hùng vĩ này.