Xóa nghèo - nhiệm vụ cấp bách
Dù công tác giảm nghèo lâu nay đã được các cấp chính quyền đưa vào tầm ngắm như một nhiệm vụ xuyên suốt và cấp bách nhưng với đặc thù một huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số đòi hỏi cần có những chính sách, kế sách phù hợp với tình hình của địa phương.
Theo thống kê, năm 2013 toàn huyện có 1.974 hộ nghèo, chiếm trên 34%, từ đó vấn đề nghèo khó, thất học, các mô hình trồng cây gì, nuôi con gì cũng được lãnh đạo huyện, xã trăn trở đặt ra trong nhiều cuộc họp, cân nhắc với mong muốn cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Với quyết tâm nói là làm, các cấp chính quyền bắt tay vào triển khai để làm tiền đề cho một đề án có tầm chiến lược dài hơi. Cuối năm 2013, Đề án giảm nghèo đã chính thức được phê duyệt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; trọng tâm là khơi dậy sức mạnh trong nhân dân, tận dụng các nguồn vốn để phát huy hơn nữa những tiềm năng lợi thế đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả thì nhất thiết phải xây dựng cho được một “Đề án giảm nghèo” bám sát điều kiện thực tế của địa phương và phải có lộ trình rõ ràng. “Mọi chủ trương chính sách phải được công khai minh bạch để người dân tiếp nhận và phát huy vai trò chủ thể, đó chính là động lực giúp bà con thoát nghèo ” - ông Tân chia sẻ.
Và thế là chỉ trong thời gian ngắn, từ chỗ nhiều người dân chỉ biết canh tác cây lúa đến nay, mì cao sản, bời lời..., phủ kín các sườn đồi, nhiều nguồn vốn ưu đãi cũng đến với người nghèo vùng sâu, xa. Đây có thể xem như động lực chính để họ vươn lên thoát nghèo.
Đi trước đón đầu
Tưởng chừng từ một loại cây bỏ đi thì cây mì cao sản đã thắp lên nhiều hi vọng đổi đời cho nhiều người dân. Theo ông Hoàng Huy Toàn, cán bộ phụ trách Chương trình giảm nghèo của huyện, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở đây có thể trồng được nhiều loại cây nhưng mì cao sản được đưa vào như cây xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra cây bời lời cũng là cây trồng mà chúng tôi khuyến khích phát triển vì nó cho thu nhập cao lại ít tốn kém về nguồn vốn đầu tư rất phù hợp với người dân trong huyện.
Để kiểm chứng sự hiệu quả của Đề án, chúng tôi đến gặp anh A Hoàng, làng Kon Skoi, xã Đắk Ruồng. Không giấu được niềm vui khi có khách ghé thăm nhà, anh bảo mấy năm trước khách đến chơi không có chỗ nghỉ lại đâu, giờ có chỗ đãi khách rồi. “Trước đây làng mình nghèo có số, con cái cũng bỏ học theo lên nương rẫy nhưng giờ chỉ còn chưa đến 20% hộ nghèo”, anh A Hoàng chia sẻ.
Cũng theo A Hoàng, từ khi tiếp cận được các chính sách của Đảng, Nhà nước cùng những kiến thức mà nhiều đoàn công tác giảm nghèo của huyện tuyên truyền, gia đình anh có điều kiện để vươn lên thoát nghèo. Với 5 ha rẫy gồm 3 ha mì và 2 ha bời lời mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng kết hợp với mô hình nuôi dê, bò...từ một hộ nghèo gia đình anh Hoàng đã vươn lên thành hộ khá trong huyện.
Nhắc đến những ngọn cờ đầu tiên trong công tác giảm nghèo ở huyện thì không thể không nhắc đến già làng A Sreng, làng Kon Keng, xã Đăk T’Lùng. Dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng ông đã đi trước đón đầu Đề án bằng những tư duy đổi mới cùng kinh nghiệm được chắt lọc từ chính những người bạn của ông ở dưới xuôi, từ trong các hội nghị mà ông được tham dự. Ông chính là người tiên phong bắt cây lúa rẫy xuống nước, rồi các mô hình nuôi cây, con nhân rộng giúp bà con vươn lên. Khi chúng tôi hỏi về những người thoát nghèo ở vùng này, già làng A Sreng cười bảo “kể không hết đâu, người thoát nghèo, giờ nhiều lắm rồi”.
Động lực xây dựng nông thôn mới
Xác định hướng đi đúng cùng các nguồn vốn từ chương trình 293, 135, 168... và được nhân dân đồng thuận, từ huyện xuống đến xã đặt quyết tâm cao như tiếp thêm sức mạnh cả về vật chất và tinh thần để người dân nơi đây có nhiều cơ hội thoát nghèo.
Ông A Đang, thôn 10, xã Đắk Ruồng phấn khởi cho biết: Nhà nước cho xi măng, cát, đá, dân làng góp sức, góp ngày công lao động làm đường. Trước kia đi lại khó khăn lắm. Có đường đi, làm ra cái gì cũng bán được giá. Có tiền mua vật dụng cho gia đình rồi cho con cái đi học.
Đến nay, tất cả các xã trong huyện đều có đường ô tô đến được trung tâm; các con đường huyết mạch đều được bê tông hóa, nhựa hóa vào tận các xã vùng sâu, vùng xa. Có đường là có giao thương, nông sản của bà con được ra xã, huyện rồi theo đó mà lên phố qua quốc lộ 24 thông thương kết nối với các tỉnh duyên hải Miền Trung và ngược lại, hàng hóa tiêu dùng được đưa về phục vụ bà con.
Hàng loạt các công trình như điện, đường, trường, trạm… rồi cây, con giống mới cũng theo đường đến với người dân mang niềm vui, no ấm về với buôn làng. Từ một quyết định đúng đắn của đề án giảm nghèo, con đường xây dựng nông thôn mới ở Kon Rẫy đang tự tin với những bước đi vững chãi hơn.
Theo A Hoàng, từ khi tiếp cận được các chính sách của Đảng, Nhà nước cùng những kiến thức mà nhiều đoàn công tác giảm nghèo của huyện tuyên truyền, gia đình anh có điều kiện để vươn lên thoát nghèo. Với 5 ha rẫy gồm 3 ha mì và 2 ha bời lời mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng kết hợp với mô hình nuôi dê, bò...từ một hộ nghèo gia đình anh Hoàng đã vươn lên thành hộ khá trong huyện.