Hội xuân ở Bảo tàng diễn ra trong hai ngày mùng 6, 7 Tết. Điểm nhấn năm nay là sắc thái văn hoá Tây Nguyên với nhiều hoạt động trình diễn: chiêng tha, đàn bôông bôông, đing pú, goong ting của người Brâu; hát giao duyên, dân ca, klông pút, tơ rưng của người Xơđăng; cồng chiêng, xoang của người Bana. Ngoài ra, người Brâu sẽ trình diễn cách làm một số nhạc cụ truyền thống.
Trò chơi dân gian quen thuộc pháo đất do nghệ nhân đến từ Hải Phòng sẽ trình diễn và hướng dẫn-nét quen thuộc ở bảo tàng. Phường rối nước Minh Tân trình diễn các tích trò đặc sắc gắn với cuộc sống lao động của người nông dân hay các lễ hội của làng quê Việt Nam.
Ngoài các trò chơi dân gian của người Việt, năm nay công chúng có dịp trải nghiệm nhiều trò chơi mới của một số dân tộc: cọp bắt dê (Raglai); con ong, đá gỗ, húc trâu (Bana); thò thụt, bắt sỏi (Êđê); đứng tượng, vượt ô thắng (Giarai), đi cà kheo (Sán Chay, Xơ đăng)...
Không khí xuân không thể thiếu tục cho chữ, làm tranh Đông Hồ. Các bạn nhỏ có thể lựa chọn khám phá 12 con giáp bằng cách tự tạy nặn tò he hay vẽ và tô tranh, nhất là tranh về những chú khỉ con tinh nghịch.
Mỗi năm một phong vị ẩm thực theo từng chủ đề, xuân này người dân đến bảo tàng sẽ làm quen ẩm thực của Kon Tum khá mới lạ như: món gỏi lá, thịt nướng, gà nướng, bò một nắng chấm với muối trứng kiến, rượu cần. Người Thái ở Yên Bái đem đến cho thực khách món cá nướng, thịt trâu gác bếp, xôi ngũ sắc...
Tối mồng 6 Tết từ 19h, Bảo tàng tổ chức chương trình cồng chiêng, hát giao duyên, múa tứ linh, múa rối nước, đốt pháo bông, có hát kể sử thi Tây Nguyên. Công chúng được giao lưu trực tiếp với nghệ nhân để tìm hiểu khám phá tri thức dân gian về kho tàng sử thi Tây Nguyên. Trong ngôi nhà rông không chỉ có nghệ nhân dân gian người Bana hát kể sử thi mà còn có nhà nghiên cứu chia sẻ những câu chuyện thú vị xoay quanh việc bảo tồn và phát huy di sản quý báu này.