Nghệ nhân cuối cùng của làngMảnh đất Kon Tum luôn ẩn chứa trong mình nhiều nét nguyên sơ, trầm mặc của văn hóa tâm linh, nhưng với đồng bào Rơ Mâm ở nơi tận cùng của đại ngàn xã Mo Rai (Huyện Ia H΄drai, tỉnh Kon Tum) thì sự bí ẩn đó càng lớn hơn gấp bội. Với họ từ bao đời nay, vẫn xem nơi yên nghỉ cuối cùng của các vị tiền nhân là vùng đất thiêng. Hay như tên gọi dân dã của người bản địa đây là khu “làng ma”.
Ông A. Ren bên tượng gỗ trong “làng ma”
Nét độc đáo của “làng ma” là sự góp mặt của quần thể tượng nhà mồ đa dạng. Đặc biệt vào dịp những ngày cuối năm người làng có tập tục tu bổ, sửa sang khoác lên mình những pho tượng gỗ một diện mạo mới với đủ màu sắc toát lên vẻ đẹp linh thiêng, huyền bí. Dạo một vòng quanh “làng ma” chúng tôi ngỡ như lạc vào thế giới vô hình. Những tượng gỗ, với đường nét hoa văn được đục đẽo, gọt dũa một cách công phu, tỉ mỉ. Mỗi bức tượng biểu thị cung bậc, cảm xúc khác nhau của người đã khuất. Sự trùng hợp duy nhất ở đây là gần như tất cả các pho tượng độc đáo này đều được tạo nên bởi bàn tay của người nghệ nhân tài hoa ông A Ren.
Ông A Ren bằng tài năng, sự khéo léo đã tạo nên những kiệt tác để đời tô đẹp vùng đất Tây Nguyên. Để hiểu hơn về “làng ma” cũng như nét bí ẩn đằng sau các pho tượng gỗ chúng tôi quyết tìm đến làng Le, diện kiến nghệ nhân A Ren. Con đường độc đạo dẫn vào làng Le nằm nép mình dưới các tán cây cổ thụ, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp, lẫn khuất sau lớp sương mờ ảo. Từ sự hướng dẫn tận tình của bà con Rơ Mâm tốt bụng, chúng tôi có mặt tại ngôi nhà gỗ nguyên sơ của người già làng đáng kính A Giỏi .
Trò chuyện với chúng tôi, già A Giỏi hóm hỉnh chia sẻ: “Khu nhà mồ nằm phía ven rừng cách làng khoảng 1 cây số. Đồng bào dân tộc Rơ Mâm ở làng Le cũng giống các dân tộc khác ở Tây Nguyên có tập tục dựng tượng nhà mồ cho người đã khuất, tuy nhiên hiện nay tập tục này dần phai nhạt theo năm tháng. Trước đây, trong làng có hai người thợ chuyên chế tác, tượng nhà mồ, nhưng giờ trong làng chỉ còn duy nhất nghệ nhân A Ren. Những năm qua, các tượng gỗ trong “làng ma” được đựng lên chính là nhờ đôi bàn tay khéo léo của ông A.Ren”.
Thổi “hồn” vào những pho tượng gỗKhi chúng tôi say sưa trò chuyện, một người đàn ông chân tay lấm lem bùn đất tiến vào trong nhà. Chúng tôi vô cùng mừng rỡ khi già A Giỏi giới thiệu đó chính là nghệ nhân A Ren.Thoáng trông vẻ bề ngoại A Ren nhìn tráng kiện và mẫn tiệp hơn số tuổi của mình rất nhiều. Biết chúng tôi là PV, ông A Ren nở nụ cười đôn hậu và tiếp chuyện. Khi chúng tôi đề cập đến những bức tượng nhà mồ tại “làng ma”, không giấu nổi tự hào ông A Ren khoe: “ Vừa qua, mình vinh dự được đại diện lo làng Le tham dự cuộc thi tạc tượng gỗ dân gian tuần văn hóa du lịch Măng Đen- Kon Plông, mình may mắm được nhận bằng khen giải ba”.
Chia sẻ về những khó khăn trong công việc ông A Ren tâm sự: “Ngày xưa, cha là người thợ điêu khắc tượng gỗ có tiếng trong làng, nên già luôn cảm thấy thích thú, thậm chí dành hàng giờ đồng hồ mỗi ngày ngồi ngắm nghía, quan sát thành quả của cha mà không biết chán. Lúc đó, già thầm ước sau này được nối nghiệp cha “thổi hồn sống” cho những pho tượng gỗ. Chính vì vậy, ngay từ nhỏ già luôn theo chân cha rong ruỗi khắp nơi học hỏi, chắt chịu kinh nghiệm quý báu”.
Bên tác phẩm chuẩn bị hoàn thành
Nói về bí quyết được truyền lại từ người cha đáng kính, ông A Ren chia sẻ thêm: “Để có được một tác phẩm hoàn chỉnh, là cả một quá trình gian nan vất vả của người thợ. Tuy nhiên, làm sao để những pho tượng chống chọi được với nắng gió khắc nhiệt của đại ngàn Tây Nguyên trong thời gian dài điều này không phải người thợ nào cũng biết. Muốn có một tượng gỗ đơn có hồn người thợ lành nghề cũng phải mất ít nhất bangày. Gỗ dùng tạc tượng là loại gỗ quý, thân mềm nhưng mối mọt không ăn được. Tuy nhiên, công đoạn khó khăn, quyết định vẫn là chi tiết miêu tả nét mặt, biểu cảm phù hợp với người đã khuất. Để làm được điều này là cả một quá trình, đòi hỏi người thợ phải nắm bắt rõ tâm tư, tình cảm của người thân đang sống”.
“ Hiện nay, tập tục làm tượng gỗ cho người đã khuất đang ngày mai một dần, bởi thanh niên trong làng không tâm huyết, đam mê với nghề, không biết già còn sống được bao nhiêu năm để lưu giữ nét văn hóa truyền thống của cha ông” – già A Ren tâm sự.
Với A Ren dù đã lớn tuổi, nhưng tình yêu, sự say mê với điêu khắc tượng nhà mồ thì không bao giờ già đi cùng thời gian. Ngày nào còn sức khỏe, còn cống hiến được cho thôn làng thì ông không từ chối và còn muốn được làm nhiều hơn thế. Ông chính là tấm gương sáng cho bao thế hệ con cháu noi theo và là truyền nhân trong hành trình bảo tồn di sản văn hóa của cha ông.