Củi là thước đo phẩm hạnhBắt đầu từ ngã 3 Ngọc Linh – Đắk Glei, trên con đường dẫn vào Đắk Choong xuyên giữa cánh rừng già hun hút, chúng tôi bắt đầu thấy những phụ nữ, già trẻ có đủ, 2 tay chắp trước bụng, trên lưng là bó củi to tướng, sức nặng trên lưng khiến toàn thân họ chúi về phía trước, cong gập.
Anh bạn đồng nghiệp của tôi vốn đã “nằm vùng” ở đây từ hơn chục năm trước nên rành rẽ nơi này chẳng thua gì “thổ địa”, bảo: “Với phụ nữ đã “bắt” được chồng thì họ vẫn phải vào rừng đốn củi như thường. Nhưng là mang về nhà mình dùng. Còn với các thiếu nữ, họ đốn củi về, tích lũy dần để… làm của hồi môn”.
Để tìm hiểu rõ hơn chuyện của hồi môn này, chúng tôi tìm đến nhà ông A Thương, nguyên Bí thư Đảng ủy xã.
Vừa nghe tôi hỏi, ông Thương nói ngay: “Tập tục thiếu nữ Giẻ Triêng trước khi “bắt” chồng phải có củi có từ bao đời nay rồi, bây giờ vẫn vậy thôi”.
Ông A Thương
Nhưng, điều tôi thắc mắc là tại sao lại là củi mà không phải những thứ giá trị khác như vàng bạc, trâu bò? Ông giải thích: “Cái gì cũng có nguồn gốc của nó cả. Xuất phát từ cuộc sống thực tế. Đây là vùng núi cao, quanh năm lạnh lẽo, lửa là thứ giúp con người xua tan cái lạnh, nhất là những tháng mùa mưa, không thể vào rừng. Vì thế, với người Giẻ Triêng, củi là sản vật quan trọng bậc nhất.
Con gái Giẻ Triêng từ lúc 10 tuổi đã được cha mẹ dạy làm mọi việc trong nhà, từ nấu ăn, thêu thùa, đến làm rẫy. Đặc biệt là dạy cách kiếm củi, tích củi dần đến năm 14-15 tuổi là đi tìm, bắt chồng. Vì thế, khi con trai về nhà vợ, trong nhà mất đi người trụ cột có sức khỏe, người con gái phải thay chồng báo hiếu, tặng củi cho cha mẹ chồng, để có củi sưởi ấm lúc trời lạnh.
Ngoài ra, theo quan niệm của người Giẻ Triêng, phụ nữ kiếm được nhiều củi đồng nghĩa cô ấy có sức khỏe, đảm đang, chịu thương chịu khó, sẽ chăm lo chu đáo cho chồng con”.
Phụ nữ Giẻ Triêng với gùi củi trên lưng
Tôi hỏi: “Hồi xưa chú lấy vợ, cô ấy phải chặt bao nhiêu bó củi mới rước được chú về?”. Ông cười: “Hồi đó còn đang chiến tranh, loạn lạc, nên cha mẹ cũng không dám thách nhiều, sợ con trai ế. Nên bà ấy chặt có 150 bó thôi. Như vậy là ít hơn nhiều người rồi đó”.
“Người phải chặt nhiều nhất là bao nhiêu bó, chú?”. “Bình thường thì khoảng 300 bó. Nhưng cũng có người do nhà trai anh em, họ hàng đông, nên bắt con dâu phải chặt đủ 500 bó mới cho chồng. Số củi quá lớn, 1 mình cô gái phải làm vài năm mới đủ, cực lắm, nên các anh chị em, bà con họ hàng cô gái xúm vào chặt phụ”.
Chỉ mang tính tượng trưngTấp vào căn nhà nằm trên sườn đồi, ngay phía trên đường đi, hỏi chuyện, tôi được cô gái giới thiệu tên Y Loan, năm nay tuổi vừa độ trăng tròn, cô đang kiếm củi, chuẩn bị bắt chồng.
“Em phải kiếm bao nhiêu bó củi?”, tôi hỏi. “Ít thôi mà. Bây giờ kiếm củi khó lắm”, cô gái vừa đáp vừa cúi mặt cười bẽn lẽn. Mẹ cô, bà Y Lan bắt chồng từ hơn 30 năm trước cho biết: “Ngày trước, tôi phải chặt 300 bó củi mới bắt được chồng đó. Nhưng ít củi quá cũng không tốt đâu”.
Tôi nghe vậy, ngạc nhiên: “Chặt ít củi thì tốn ít thời gian, nhanh có chồng, lại đỡ mệt, sao không tốt?”. “Nếu nhà trai đòi cao quá thì làm lâu mới đủ, vất vả. Nhưng ít củi thì chồng chưa chắc đã tốt. Mà chặt củi lấy chồng là việc phụ nữ Giẻ Triêng phải làm thôi mà”. Tôi hỏi tiếp: “Cô chặt bao lâu mới được hơn 300 bó củi?”. Bà đáp: “Phải hơn 2 mùa rẫy mới được”.
Bà Y Lan bảo con gái ở làng ngoài sức khỏe, sắc đẹp, sự nết na, chịu thương chịu khó như vậy vẫn chưa đủ. Còn phải đảm đang, khéo léo, biết ủ rượu ngon, nấu ăn ngon, dệt váy đẹp. Có đủ những đức tính ấy mới mong lấy được chồng tốt. Tôi hỏi: “Tiêu chuẩn chồng tốt là gì ạ?”. Bà đáp: “Người chồng tốt là có sức khỏe, gan dạ, săn bắn giỏi, làm rẫy giỏi, thương yêu vợ con và cả gia đình vợ”.
Dấu hiệu nhận biết ngôi nhà có con gái đến tuổi “bắt chồng” là củi
“Hiện nay, rất nhiều tộc người thiểu số vẫn theo chế độ mẫu hệ, ngoài tộc Giẻ Triêng như đã nói, còn có người Ê-đê ở Đăk Lăk, người Cil ở Lâm Đồng, người Chăm ở Bình Thuận, An Giang… Chế độ này cho người phụ nữ khá nhiều quyền quyết định quan trọng trong gia đình, nhưng cũng khiến họ vất vả hơn. Để cưới được chồng, họ phải làm lụng vất vả trong nhiều năm, chắt chiu dành dụm để mong “bắt” được chồng tốt”, anh bạn tôi nói.
Tôi thắc mắc rằng chế độ mẫu hệ liệu có khiến đàn ông lười biếng, yếu đuối không? Cả anh bạn tôi và ông A Thương đều khẳng định chắc nịch rằng “Không!”. Ông A Thương nói: “Luật tục qui định thế, nhưng chỉ trước khi lấy chồng, người phụ nữ phải đi đốn củi thôi, còn khi lấy chồng rồi, mọi việc nặng nhọc vẫn do đàn ông đảm trách, hoặc cả 2 cùng làm”.
Anh bạn tôi nói thêm: “Đàn ông hơn 70 tuổi như chú Thương ở đây nhiều lắm, họ đều khỏe như chú, vẫn ngày ngày đi rừng, làm rẫy, mỗi chiều về lại gùi mấy chục ký trên lưng mà vẫn bình thường. Nếu không lao động thì sao khỏe được thế?”.
Đường vào Đắk Choong, xứ sở tộc người Giẻ Triêng