Theo một khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường GCOMM, 46% những người có ít nhất một tài khoản của MXH (bao gồm: Facebook, Zalo, YouTube, LinkedIn, Twitter...) cho rằng, những chia sẻ của họ liên quan đến sản phẩm hay dịch vụ của công ty nào đó sẽ không được công ty đó nhìn thấy.
Việc chia sẻ trên MXH, nếu có, cũng chỉ để "giảm cơn tức giận" vốn đang cần chỗ để xả sau khi nhận được sản phẩm hay dịch vụ không tốt như mong đợi. Thú vị hơn, 90% trong số họ cho rằng, các công ty nên chủ động và tích cực hơn nữa trong việc lắng nghe những gì người tiêu dùng (NTD) đang nói về mình trên MXH hơn là để NTD chia sẻ những nỗi tức giận hay thất vọng đó với bạn bè của họ.
Không giống những ngành hàng khác có rất nhiều lượt bình luận và chia sẻ trên truyền thông xã hội, sữa bột có số lượt bình luận và chia sẻ không cao. Cũng chính vì thế mà các công ty sữa bột tại Việt Nam ngoài nhiệm vụ chiếm thị phần, họ cũng phải luôn nghĩ về những chiến dịch truyền thông kỹ thuật số nhằm tạo ra "tiếng ồn thương hiệu".
2014 là một năm khá ồn ào của ngành hàng sữa bột so với những năm trước đó, khi có đến 666.000 lượt nói về ngành hàng và nhãn hàng trên các phương tiện truyền thông trực tuyến như Facebook, Forum... Trong đó, Facebook vẫn chiếm vai trò chính với 89,7%, bỏ xa Forum (6,5%) và các trang tin tức (3,5%).
Thực tế cho thấy, mỗi công ty sữa có một chiến lược đầu tư khác nhau cho kênh này, nhưng Facebook vẫn chiếm thế thượng phong trong việc phô trương thanh thế nhãn hiệu cho hầu hết các nhãn hiệu sữa. NTD, một khi có hơn một lựa chọn về kênh truyền thông để kiểm tra thông tin, họ sẽ có xu hướng đưa ra những nhiệm vụ cụ thể cho từng kênh, vì mỗi kênh có mức độ tin cậy khác nhau.
Các diễn đàn dành cho cha mẹ (Webtretho, Lamchame, Diendantretho...) chiếm vị trí cao nhất xét từ góc độ có được niềm tin của NTD khi muốn tham khảo thông tin về sữa bột.
Trong khi đó, các bài viết và bình luận trên Facebook cũng chiếm vị trí tương đối (24%) so với nguồn thông tin còn lại là Fanpage của nhà sản xuất. Các video từ YouTube, bài viết trên các blog gần như không có được niềm tin của NTD, chỉ mang tính tham khảo.
Chính vì thế, việc thực hiện chiến dịch truyền thông digital, ngoài gia tăng độ nhận biết thương hiệu trên mạng, rõ ràng chiếm được tình cảm và niềm tin của NTD, là một trong những mục tiêu rất quan trọng của các nhãn hiệu sữa. Điều này nhằm không lãng phí ngân sách vào những dự án chỉ có khả năng tạo ra sự ồn ào trên mạng mà không mang lại bất cứ lợi ích thương mại nào cho nhãn hiệu.
Thêm vào đó, với lịch thực hiện chương trình tương đối dày giữa các nhãn hiệu trong thời gian một năm, các nhãn hiệu sữa cũng buộc phải rất sáng tạo mới đạt được những kết quả tích cực cho các chỉ số như: mức độ hiệu quả của chiến dịch, tần suất chuyển sang mua sản phẩm, tỷ lệ những người nhận biết tên chiến dịch và nhãn hiệu, tỷ lệ bình luận tích cực, và quan trọng không kém là lượng theo dõi và chia sẻ các bài viết từ những người có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng (KOL).
Trong bức tranh digital marketing tại Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn khai sinh, các chuyên gia marketing phải rất tỉnh táo trong việc lựa chọn kênh truyền thống hay hiện đại. Kênh hiện đại thì nên phân bổ đầu tư như thế nào nhằm tối ưu hóa lợi ích nhãn hiệu, tương tác lâu dài với NTD theo chiều hướng tích cực.