Hãy thử nghĩ đến khoảng thời gian khách hàng dành để đọc những thông tin mang tính cá nhân về cuộc sống và người thân của mình. Một khi email của doanh nghiệp được chấp nhận xuất hiện tại một trong những không gian riêng tư nhất của khách hàng, đấy quả là một đặc ân.
Hãy bày tỏ sự trân trọng đối với niềm tin yêu của khách hàng bằng cách gửi đến họ những email đi cùng nội dung ý nghĩa, thú vị hơn là những bản tin quảng cáo và 10 bước đi sau sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện được điều này.
1. Tạo ra câu lạc bộ đặc biệt. Ai cũng thích được đối xử đặc biệt.
Hãy sử dụng lợi thế ấy để nhấn mạnh với người đọc thư rằng họ đang đọc những thông tin mới nhất hoặc đón nhận những chương trình khuyến mãi, quà tặng chưa áp dụng đối với những người khác.
Nếu có thể, hãy thông tin một cách trực tiếp hơn, chẳng hạn, trong email gửi đi, doanh nghiệp có thể viết rằng do là người đăng ký nhận tin định kỳ, khách hàng đang nhận được mẫu tin giảm giá 24 giờ trước khi mẫu tin ấy được đăng tải trên website, do đó người nhận có nhiều thời gian để nhanh chân chọn mua các sản phẩm chiết khấu vốn có số lượng rất hạn chế.
2. Giữ chân người đọc. Tính chất định kỳ là một yếu tố tạo dựng sự thành công lâu dài cho một chiến lược tiếp thị bằng email.
Nếu người đọc luôn đón đọc email của doanh nghiệp vào mỗi thứ Tư, thì đó chính là những gì nên làm. Nhưng điều ấy không đồng nghĩa rằng doanh nghiệp không nên tạo những sự ngạc nhiên thú vị cho khách hàng bằng một email gửi đi vào ngày đầu tháng hoặc dịp lễ tết để gửi lời cảm ơn đến khách hàng và đừng quên đi cùng một chút thông tin khuyến mãi hấp dẫn chỉ dành cho ngày hôm ấy.
3. Đi cùng nhịp độ của thời đại. Cập nhật những sự kiện đương đại hoặc những xu hướng đang biến đổi trên thị trường cũng là một cách để khuyến khích người đọc mở email vì họ luôn biết những thông tin hấp dẫn đang chờ họ khám phá.
4. Giúp khách hàng cảm thấy hứng khởi. Hãy thử hỏi với tất cả những gì doanh nghiệp đang có, điều gì có thể làm để khiến người đọc cảm thấy hứng khởi sau khi đọc email?
Không nhất thiết phải là một giá trị hiện vật, chỉ đơn giản nói lên những lời hay ý đẹp, kể ra một câu chuyện có nội dung lạc quan, động viên hay chỉ đơn giản hỏi thăm họ cũng mang đến một nụ cười trước màn hình máy tính.
5. Sử dụng cùng một tựa đề email. Nếu khách hàng đã tin tưởng vào thương hiệu của doanh nghiệp và sẵn sàng đăng ký nhận email định kỳ thì một email có chủ đề tương tự sẽ giúp khách hàng dễ dàng nhận diện và tìm kiếm email của doanh nghiệp trong hộp thư, đặc biệt nếu doanh nghiệp gửi tin hằng ngày, hằng tuần hay hằng tháng đến khách hàng.
Thêm vào đó, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm nhiều thời gian hơn khi không phải nghĩ đến việc tạo ra một chủ đề thư bắt mắt mỗi lần gửi.
6. Tỏ ra thân thiện và gần gũi nhất có thể. Hộp thư cá nhân là một không gian rất riêng tư, hầu hết dành cho những cuộc trò chuyện với người thân, gia đình và bạn bè. Do đó sự hiện diện của doanh nghiệp cũng nên tỏ ra thật cởi mở và chân thành.
Đừng ngại chia sẻ về những thử thách, chướng ngại và cả sự thất bại mà doanh nghiệp đã trải qua. Người đọc sẽ cảm thấy đồng cảm hơn khi liên tưởng đến những sự kiện tương tự trong cuộc sống của mình và do đó cảm thấy tin tưởng và gần gũi với doanh nghiệp nhiều hơn.
7. Sử dụng nút nhấn. Muốn mọi người nhấp chuột mua hàng hay cập nhật vào website, blog hay trang xã hội của doanh nghiệp? Hay thay đổi đường link dạng ký tự thành nút nhấn.
Một nghiên cứu công bố vào tháng 8/2014 từ CampaignMonitor.com cho thấy những email được khảo sát bằng hình ảnh nút nhấn có tỷ lệ nhấp chuột cao hơn 28% so với những email sử dụng đường link bằng ký tự thông thường.
8. Game hóa. Game hóa các chương trình tặng thưởng sẽ thúc đẩy khách hàng trở lại mua hàng nhiều hơn. Bất kỳ một “game thủ” nào cũng có khuynh hướng muốn đạt đến những thành tích bằng cách phá vỡ một thử thách mới và vươn tới một thứ bậc cao hơn.
Khuyến khích tinh thần chinh phục tương tự các trò chơi điện tử chính là một nỗ lực biến chuyển hành vi thành thói quen. Starbucks đã rất thành công khi tặng điểm thưởng cho khách hàng trung thành. Hay TripAdvisor tặng huy hiệu cho khách hàng để lại lời nhận xét trên website.
9. Sử dụng mã giới thiệu. Một khi đã tự tin về thương hiệu của mình cũng như những trải nghiệm mang đến cho khách hàng hiện tại, hãy sử dụng mã giới thiệu để kêu gọi họ mang đến cho doanh nghiệp những khách hàng mới.
Theo nghiên cứu từ ReferralCandy, 83% khách hàng hài lòng sẽ sẵn sàng giới thiệu một sản phẩm hay dịch vụ đến người thân, nhưng con số thực hiện chỉ dừng ở mức 29%. Nếu bạn khuyến khích họ giới thiệu bạn bè hay người thân, con số ấy sẽ lên tới 92%. Do đó hãy tận dụng mã giới thiệu để cả người giới thiệu và người được giới thiệu đều nhận được chiết khấu cho lần mua hàng sắp tới.
10. Tận dụng giá trị thương hiệu của đối tác. Nếu sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp đang gắn kết với những sản phẩm hay dịch vụ khác thì doanh nghiệp đang đứng trước một cơ hội tận dụng quyền lực thương hiệu từ đối tác thông qua những nguồn lực, sản phẩm, giải pháp, khách hàng và danh tính từ phía đối tác.