“Dù lá phiếu bằng hạt bắp nhưng nhất quyết không bao giờ có chuyện bà con gian lận. Người Xê Đăng - Tơ Đra ở đây rất thật thà, bầu cho ai thì đúng bầu người đó, người bỏ bắp không ăn gian mà người được bầu cũng không nhận hạt bắp không phải của mình.
Anh Trần Quốc Bảo (bí thư Huyện đoàn Kon Rẫy)
Chủ tịch UBND xã Đắk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy) Nguyễn Trọng Phấn quả quyết với tôi: “Ở Tây nguyên chỉ còn nơi đây đi bầu cử bằng... hạt bắp. Xã vừa chọn được 16 cán bộ thôn ở tám làng, ông nào cũng ôm ống bia chứa đầy... hạt bắp”.
Kiểm... bắp - Ảnh: B.D.
Đại hội thôn làng
A Hơn là chàng trai Xê Đăng, nhánh Tơ Đra ở làng Kon Mông Tu, xã Đắk Tơ Lung. Mấy hôm nay đi đâu Hơn cũng cười tươi rói, cứ ra khỏi nhà là ăn mặc chỉnh tề, quần áo tươm tất, trừ lúc theo vợ đi lên rẫy.
Hơn cùng 15 thôn trưởng, thôn phó ở Đắk Tơ Lung vừa được bà con bỏ nhiều hạt bắp để chọn làm cán bộ nhiệm kỳ mới.
Trưởng thôn Kon Mông Tu vai dày như tấm gỗ, mặt già chát đứng trước mặt chúng tôi mới bước qua tuổi 24.
Hỏi sao ít tuổi thế mà được bà con bầu làm trưởng thôn rồi, Hơn gãi đầu: “Không biết nữa, thấy bà con bầu thì làm thôi”.
Nghe Hơn nói, một người dân đứng cạnh bảo: “Không phải đâu, nó có... trình độ đấy. Nó chịu khó đi rẫy, hiền lành và vừa đi bộ đội về nên bà con ưng, bỏ bắp cho nó”.
Ở Đắk Tơ Lung, người dân coi ngày bầu cử trưởng thôn như ngày lễ lớn của làng. Mà đúng là lớn thật, bởi họ bảo “mình bỏ cái bắp để nó đẻ ra cán bộ đại diện cho bà con”.
Kỳ đại hội thôn trưởng được diễn ra hai năm rưỡi một lần. Già làng U Đê, 62 tuổi, kể: “Làng mình chọn trưởng thôn kỹ lắm, họp hai ba đêm mới xong. Trước ngày bầu cử, bà con họp lại, rất nhiều người giơ tay ứng cử. Người lớn nhất ứng cử trưởng thôn 39 tuổi. Người nhỏ tuổi nhất là A Hơn”.
Ngày 10-5, tiếng cồng chiêng vang lên ở nhà rông Kon Mông Tu. Từ sáng sớm, tiếng chân của người làng đã giẫm thình thịch tập trung về nhà rông dự đại hội thôn trưởng.
Sau khi những cái đầu lô nhô đã chịu ngồi yên dưới sàn nhà rông, ngớt tiếng xì xầm thì già làng đứng lên giới thiệu năm ứng cử viên.
Ban tổ chức nói rõ lý do, thông qua quy chế bầu cử, ý nghĩa của việc chọn cán bộ thôn để đại diện dân làng. Nghe xong, người làng vỗ tay rào rào.
Giờ phút gay cấn nhất tới. Năm ứng cử viên của làng Kon Mông Tu được sắp ngồi thành một hàng, phía trên cùng của bà con. Dáng mặt ai cũng nghiêm trang nhưng khá căng thẳng. Một thanh niên bê ra một lốc ống bia rỗng, được khoét một đầu sắp thành hàng đều nhau trên chiếc bàn sân khấu.
Ngoài ống bia này một tờ giấy trắng được dán phủ lên. Trên đó ghi rõ to tên năm ứng cử viên: A Tiêng, A Hơn, A Bay, A Lợi và Y Bum... Tất cả năm người này đều được bà con đưa ra bầu công khai.
Người dân bỏ bắp vào các lon bia được làm rỗng để bầu người mình ưng ý làm trưởng thôn - Ảnh: B.D.
Kiểm bắp, chọn người
Già làng U Đê bấm ngón tay rồi kể rằng làng ông có 344 nhân khẩu. Làng đã chọn đủ và cử 236 cử tri trên 18 đuổi đến nhà rông đi bầu. 236 con người này ngồi dưới quan sát từng ống bia đựng bắp.
Ban tổ chức đọc tên từng ứng cử viên rồi ôm một túi vải chứa đủ 236 hạt bắp phát cho từng người dân.
Lần lượt từng người đi theo hàng, trên tay cầm một hạt bắp, chọn ống bia rỗng ghi tên người mình ưng ý rồi bỏ vào.
Hết giờ bỏ bắp. Ban tổ chức ngồi xổm, đổ bắp ra để kiểm. Những tiếng vỗ tay ran lên khi biết người được bà con vừa bụng nhất, bỏ nhiều hạt bắp nhất là A Hơn.
Ban tổ chức tuyên bố: “A Hơn thắng cử, giữ chức trưởng thôn. Đề nghị bà con nhiệt liệt hoan hô”. Tiếng loa chưa dứt, cả dàn cánh tay đã ran lên phía dưới.
Hỏi A Hơn được bao nhiêu hạt bắp, Hơn gãi đầu, cười: “Mình không nhớ, tại lúc đó vui quá, nghe nói là 140 hạt bắp”.
Sau khi bầu xong thôn trưởng, người làng tiếp tục sắp hàng “bầu lượt về” cho chức phó thôn. Lần này người thắng cử là A Bay. A Bay hơn tuổi A Hơn, nhưng người làng bảo “ưng A Hơn hơn nên để A Bay cho A Hơn chỉ đạo”.
Kể chuyện bầu cử ở Đắk Tơ Lung, nhiều già làng ở đây bảo đây là phong tục từ thời ông bà để lại.
Không chỉ bắp, trước đây cứ mỗi đợt bầu cử người dân lại ra ruộng đào củ khoai, hái trái cây rừng, thậm chí... hái cả lá cây hoặc nhặt đá vụn để về đi bỏ phiếu chọn thôn trưởng, già làng.
Người nhiều trái cây, đá... nhất là người được chọn. Giải thích về cách bầu cử này, tất cả già làng cho biết: “Mình không biết vì sao. Thấy ông bà làm thế nên làng cũng làm thế”.
Còn chủ tịch UBND xã Đắk Tơ Lung bảo xã tôn trọng tập tục của bà con, để bà con bầu theo cách của họ. Đợt bầu cử nào cũng rất nghiêm túc, vui vẻ.
Chúng tôi đi vòng qua những ngôi làng khác như Kon Bĩ, Kon Vi Vang, Kon Lung, Kon Keng... khi đợt bầu cử cán bộ thôn vừa kết thúc.
Những vị cán bộ mới vừa được bầu lên cười hiền như cục đất, bảo: “Thì bà con bầu mình thế, mình làm thôi”.
Các vị thôn trưởng cho biết sau một đợt bầu cử, bà con lại bê mỗi nhà một ghè rượu tới nhà rông, ai có thịt thì góp thịt, có cá góp cá, không có thịt cá thì góp... 10.000 đồng mỗi hộ gia đình để làm liên hoan, cúng lễ mừng thôn trưởng, thôn phó mới cho làng.
Tên các ứng cử viên được ghi trên vỏ lon bia, người đi bầu sẽ chọn tên người mình ưng ý để bỏ hạt bắp vào - Ảnh: B.D.
Ở nơi có nhiều già làng
Ngoài chuyện bầu cử, tại các ngôi làng ở Đắk Tơ Lung cũng duy trì nhiều tập tục lạ như “cúng thuốc”, cúng chọc tỉa, coi vận mệnh tốt xấu, ốm đau bệnh tật của làng trong năm thông qua củ một loại cây.
Nhiều cán bộ xã còn tiết lộ với chúng tôi một tình tiết khá bất ngờ: hầu như làng nào cũng có ít nhất... hai già làng - khác với nhiều buôn làng khác ở Tây nguyên.
Giải thích về chuyện này, già làng Kon Bĩ A Lôm - 39 tuổi - bấm ngón tay đếm, bảo: “Làng mình có mấy già làng, nhưng hai người phụ trách chính là mình và A Dắt”.
A Lôm là già làng do dân bầu, gọi là “già làng phong tục”, chuyên lo việc cúng kiếng trong làng, “quản” việc coi sóc lề lối, hương ước, luật tục của người Tơ Đra.
Còn A Dắt là “già làng uy tín”, tức là người có uy tín nhất, nói gì cũng đúng, bà con nghe theo. Thanh niên có thể cãi cha mẹ, chứ già làng quát một tiếng là nghe răm rắp, không dám ăn trộm, quậy phá.
Riêng làng Kon Mông Tu có tới ba già làng: một già làng phong tục, già làng uy tín và già làng lớn tuổi do dân bầu.
Hỏi có nơi nào mà nhiều già làng thế trong một làng không, U Đê day trán rồi bảo: “Mình không biết”. Cuối cùng U Đê nhớ ra: “À mà không có đâu, chỉ dân tộc Xê Đăng - Tơ Đra sống ở Đắk Tơ Lung này mới có nhiều già làng như thế”.