Theo dược sĩ Võ Hùng Mạnh, Trưởng Khoa Dược Bệnh viện Y học dân tộc cổ truyền Bình Định, tỏi có tên khoa học là Allium sativum L, thuộc họ hành tỏi Liliaceae. Trong tỏi có thành phần iốt và tinh dầu, song thành phần chủ yếu là Allicin có công dụng kháng khuẩn, kháng virus và kháng ký sinh trùng. Theo Đông y, tỏi ngâm rượu có thể tăng cường sức đề kháng cơ thể, chữa được nhiều bệnh.
Các nghiên cứu phân tích cho thấy, rượu tỏi có thể chữa được 4 nhóm bệnh:
- Các bệnh xương khớp (viêm đau khớp, vôi hóa các khớp, mỏi xương khớp...).
- Bệnh đường hô hấp (viêm họng, viêm phế quản, hen phế quản...).
- Bệnh tim mạch (tăng huyết áp, huyết áp thấp, xơ vữa động mạch).
- Bệnh đường tiêu hóa (ợ chua, khó tiêu, viêm loét dạ dày - tá tràng).
Rượu tỏi trị được khá nhiều bệnh. Ảnh: An Nguyên.
Dược sĩ Mạnh khuyến cáo, tỏi là một vị thuốc có tính nóng nên cần phải lưu ý khi dùng. Một số trường hợp dùng rượu tỏi chữa cao huyết áp sau khi giảm một thời gian huyết áp đã cao trở lại. Do đó, dùng rượu tỏi lâu dài cần phải linh động gia giảm tùy theo cơ địa hàn nhiệt và điều kiện của mỗi người. Sau khoảng 2 hay 3 tuần, người bệnh phải giảm dần liều dùng và lưu ý dùng liều thấp hơn đủ để duy trì hiệu quả điều trị. Ngoài ra, dùng rượu tỏi điều trị cao huyết áp và phòng ngừa bệnh tim mạch cần phối hợp với chế độ ăn nhiều chất xơ, ít chất béo bão hòa trong các loại thịt động vật và tăng cường vận động.
Tỏi cũng có thể gây dị ứng làm ngứa ngáy, nổi mẩn ở một số người. Người chuẩn bị phẫu thuật không nên dùng tỏi, vì tỏi có khả năng làm thay đổi ảnh hưởng của các thuốc chống đông máu được dùng trong giải phẫu.
Cách ngâm rượu tỏi:
Dùng 300 g tỏi, bóc vỏ và xắt lát mỏng, ngâm trong 600 g rượu trắng khoảng 40 độ. Sau 2 tuần lấy rượu ra dùng, liều mỗi ngày 2 lần, mỗi lần từ 15 đến 20 giọt. Nếu điều trị huyết áp, sau khi sử dụng khoảng 2 hoặc 3 tuần nên theo dõi huyết áp để giảm dần liều xuống liều duy trì.
Cũng theo dược sĩ Mạnh, khi được cắt mỏng hoặc đập dập, dưới sự xúc tác của phân hóa tố anilaza, chất aliin có trong tỏi sẽ biến thành allicin. Do đó, khi ngâm rượu thì tỏi nên cắt nhỏ hoặc càng đập nát hoạt tính càng cao. Để nguyên tép tỏi để ngâm rượu hoặc giấm sẽ ít có tác dụng hơn là làm nát.