Rễ sắn thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 3, 4 năm sau. Rễ đào về rửa sạch, loại bỏ rễ con và chế biến ngay.
Chế biến cát căn phiến: Cắt các củ thành từng đoạn 10 - 20cm (nếu củ to thì bổ đôi) hoặc thái thành lát mỏng 0,3 - 0,5cm. Tiến hành xông diêm sinh một ngày; lấy ra phơi khô là được. Bảo quản nơi khô ráo, kín; thỉnh thoảng phơi sấy lại để loại mọt. Cát căn phiến dùng trong các đơn thuốc Đông y.
Cháo bột sắn dây rất tốt cho người tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đái tháo đường týp II...
Chế biến bột sắn dây: Cạo bỏ lớp vỏ ngoài, xay hoặc mài, vò nát và vắt kiệt lớp xơ với nhiều lần nước sạch để lấy hết tinh bột; dồn các nước lọc lại, để lắng, gạn bỏ lớp nước trong, cho tiếp nước sạch vào, khuấy đều, để lắng. Lọc và gạn nhiều lần (khoảng 3 - 5 ngày) đến khi có bột trắng thì đổ bột lên lớp vải sạch mịn cho ráo nước. Phơi hay sấy khô. Bột sắn pha uống sống hay nấu chín làm nước giải khát trị sốt nóng, nhức đầu, mẩn ngứa, mụn nhọt, rôm sảy, kiết lỵ ra máu.
Theo Đông y, củ sắn dây vị ngọt, cay, tính bình; vào các kinh tỳ và vị. Có tác dụng giải biểu thanh nhiệt, giải cơ thấu chẩn chỉ khát, sinh tân chỉ tả. Dùng cho các trường hợp cảm sốt đau đầu, đau cứng vùng đầu cổ vai, sốt nóng khát nước, lỵ, tiêu chảy, ban sởi mọc chậm không đều. Hằng ngày có thể dùng 6 - 16g bằng cách nấu luộc, chưng hầm, vắt lấy nước. Sau đây là các bài thuốc trị bệnh có dùng vị sắn dây.
Song cát thang: Khổ qua tươi 150 - 200g, sắn dây tươi 150 - 200g. Rửa sạch thái lát sắc hãm cho uống. Ngày 1 lần, đợt 2 - 3 ngày. Dùng thích hợp cho người bị cảm mạo phong nhiệt, đau đầu sốt nóng, vã mồ hôi, tắc ngạt mũi, đau sưng họng, viêm khí phế quản, ho có đờm vàng, sốt xuất huyết (mới sốt nóng hay đã có xuất huyết dưới da và niêm mạc).
Cháo sắn dây gạo tẻ: Bột sắn dây 30g, gạo tẻ 50g. Gạo ngâm nước 1 đêm, đem nấu cháo cùng với bột sắn, thêm chút muối và đường để ăn. Món này tốt cho người tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh tiểu đường týp II, tiêu chảy mạn tính do tỳ hư, còn làm thức ăn giải nhiệt giải khát khi nắng nóng mùa hè.
Nước ép sắn dây ngó sen: Sắn dây tươi, ngó sen liều lượng như nhau, ép lấy nước uống. Dùng thích hợp cho người bị xuất huyết dưới da, rong kinh, rong huyết, chảy máu chân răng, niệu huyết, đại tiện xuất huyết.
Nước rau má sắn dây: Rau má tươi 20 - 30g, bột sắn 10g. Rau má rửa sạch, giã nát, thêm 150 - 200ml nước sôi, để nguội gạn lấy nước; hòa bột sắn, thêm đường vừa uống. Bài này làm nước giải khát trị sốt nóng, nhức đầu, mẩn ngứa, mụn nhọt rôm sảy, kiết lỵ ra máu
Hoa sắn dây gọi là cát hoa có vị ngọt, tính bình. Có tác dụng giải ngộ độc rượu, chữa phiền khát, tràng phong hạ huyết (đại tiện ra máu).