Dây mọc leo bò hoang dại trên các bờ đá, bờ đất hoặc trên những lùm cây ven bờ. Cũng như khổ qua nhà, khổ qua rừng khi lớn lên cho lá và trái, sống chừng 2 tháng thì rụi tàn. Trái khổ qua rừng chín rơi hạt xuống đất khô và khi có mưa đất ẩm thì cây con mọc lên tiếp tục một chu kỳ sinh trưởng mới.
Nếu như lá khổ qua rừng được nhiều người ưa thích lâu nay thì trái khổ qua rừng hiếm hơn. Cho nên, hái được nhiều trái khổ qua rừng cũng không phải là dễ.
Trái khổ qua rừng được chế biến thành nhiều món, ăn ngon gấp mấy lần so với khổ qua nhà. Sở dĩ nó có ưu điểm như vậy là do trước hết khổ qua rừng được xem như một loại rau trái sạch, không phân thuốc đáng nghi ngờ, ngại ăn như khổ qua trồng bán ngoài chợ. Thứ hai, trái này ít đắng, có vị thanh, thơm và nấu canh rất ngọt. Hơn nữa, khổ qua rừng ngoài nấu canh xào thì ăn sống cũng là một món có độ ngon khó tả được.
Đối với món trái khổ qua rừng nấu canh, nếu người nào thích thì xắt lát nhỏ rồi nấu với các loại thịt cũng tốt, nếu không thì lấy hết hạt rồi dùng thịt bò hoặc thịt heo băm nhuyễn ướp với các loại gia vị như hành tiêu rồi cho vào bên trong trái khổ qua nấu càng ngon. Khi nồi canh chín, nước có màu trong xanh, nêm ít gia vị và rau nêm thì ta có một tô canh như ý. Đặc điểm của canh trái khổ qua rừng là ăn thơm ngọt, ít đắng. Người ăn sẽ có cảm giác lạ miệng ngon cơm.
Nếu không thích ăn món canh, có thể làm món khổ qua rừng xào với trứng hoặc tôm mực đều ngon. Độc đáo hơn hết là món khổ qua rừng xắt từng khoanh nhỏ rồi chấm với các loại mắm. Ngon nhất trong những ngày đầu đông, được ăn cơm nóng với những lát khổ qua rừng chấm với mắm ruốc dân chài tự làm thì ngon tuyệt. Ngoài ăn ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm, trái khổ qua rừng còn có tác dụng giúp cơ thể an thần thanh nhiệt và chữa được nhiều bệnh khác.