Theo y học cổ truyền, lá lốt có vị nồng, hơi cay, tính ấm, có công dụng ôn trung (làm ấm bụng), tán hàn (trừ lạnh), hạ khí (đưa khí đi xuống) và chỉ thống (giảm đau), thường được dùng để chữa các chứng đau nhức xương khớp khi trời lạnh, chứng ra nhiều mồ hôi ở tay chân, mụn nhọt lâu liền miệng...
Lá lốt thường được sử dụng ăn sống như các loại rau thơm hoặc làm rau gia vị khi nấu canh. Ngoài là rau ăn lá, lá lốt còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh. Khi dùng có thể dùng tươi, phơi hay sấy khô. Theo kết quả nghiên cứu hiện đại, lá lốt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau khá tốt.
Các bài thuốc chữa bệnh từ lá lốt:
Tổ đỉa ở bàn tay: Lấy một nắm lá lốt, rửa sạch, giã nát, chắt lấy nước cốt, uống hết một lần, còn bã cho vào nồi, đổ ba bát nước đun sôi kỹ. Vớt bã để riêng, dùng nước thuốc lúc còn ấm rửa vùng tổ đỉa, lau khô rồi lấy bã đắp lên, băng lại. Ngày làm 1 - 2 lần, liên tục 5 - 7 ngày sẽ khỏi.
Mồ hôi tay chân: Lấy 30g lá lốt tươi, đổ một lít nước vào đun sôi, cho thêm ít muối. Để nước ấm ngâm tay chân vào. Làm thường xuyên ngày một lần trước khi đi ngủ, sẽ có kết quả tốt.
Mụn nhọt: Lá lốt, lá chanh, lá ráy, tía tô, mỗi vị 15g. Trước tiên lấy lớp vỏ trong của cây chanh (bỏ vỏ ngoài) phơi khô, giã nhỏ, rây bột mịn rắc vào vết thương, sau đó các dược liệu trên rửa sạch, giã nhỏ đắp vào nơi có mụn nhọt rồi băng lại. Ngày đắp 1 lần. Đắp trong 3 ngày.
Đau nhức xương khớp: Lấy 20g lá lốt, 12g thiên niên kiện, 16g gai tầm xoang, sắc với 400ml nước còn 100ml, chia uống trong ngày. Uống liền trong một tuần.
Hoặc lấy 15g lá lốt, 15g rễ cây vòi voi, 15g rễ cây cỏ xước, 15g rễ cây bưởi, thái mỏng, sao vàng. Sắc với 600ml nước còn 200ml, uống ba lần trong ngày. Uống liền trong một tuần. Hoặc lấy 5 - 10 lá lốt phơi khô hay 15 - 30g lá lốt tươi, sắc kỹ với nước, chia 2 - 3 lần uống trong ngày. Uống liền một tuần.
Đau bụng do lạnh: Lá lốt tươi 20g, rửa sạch, đun với 300ml nước còn 100ml. Uống trong ngày khi thuốc còn ấm, nên uống trước bữa ăn tối. Dùng liên tục trong 2 ngày.
Đầu gối sưng đau: Lá lốt, ngải cứu mỗi vị 20g (tất cả dùng tươi), rửa sạch, giã nát, thêm giấm chưng nóng, đắp, chườm nơi đầu gối sưng đau.