Trong đông y Sơn tra là một vị thuốc quý có tác dụng tiêu thực chữa đầy bụng, ợ chua, cầm tiêu chảy, hạ huyết áp, cải thiện sức co bóp của tim. Đặc biệt ở quả Sơn tra là người dùng có thể sử dụng một cách triệt để. Hạt và ruột có nhiều tính năng giảm béo, hạ huyết áp, an thần cân bằng sinh lý và phòng chống tích cực các biến chứng do tăng huyết áp gây ra…
Chính bởi thế Sơn tra được dùng nhiều trong các vị thuốc bồi bổ tinh thần và chế thành rượu vang khai vị được nhiều người ưa thích. Sơn tra cũng còn được nhiều người dùng để giải khát mát và bổ trong mùa hè. Với những người khéo tay, quả
táo mèo được chế biến ra nhiều loại thức quà rất có giá trị và dễ thưởng thức như: xi rô, mứt, ô mai, muối xổi...
Cây sơn tra hay còn gọi là cây
táo mèo vốn là loại cây thường mọc ở sườn núi cao các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu và vùng núi Ngọc Linh Kon Tum. Trong những năm gần đây, người dân tộc đã đầu tư phát triển giống cây này cho hiệu quả kinh tế cao.
Trước đây, cây sơn tra mọc tự nhiên trên núi cao, người dân tộc thường lên hái quả về ăn và làm thuốc. Khi sơn tra ra trái nhiều, họ mang ra chợ bán cho người Kinh và khách du lịch.
Lợi thế địa hình ở núi cao, quanh năm khí hậu mát lạnh của các tỉnh nói trên thuận lợi cho cây sơn tra sinh trưởng và phát triển.
Táo mèo ra hoa vào mùa xuân và thu hái quả vào mùa thu. Tháng 9, tháng 10 là tháng quả
táo mèo chín rộ. Trước đây, cây sơn tra mọc tự nhiên, khi ấy đồng bào thường hái quả vào tháng 6, tháng 7 trong năm. Nhưng hiện nay, căn cứ vào lợi ích kinh tế cũng như thị trường tiêu thụ, được sự định hướng của trạm khuyến nông huyện, nông dân đẩy mạnh việc khoanh vùng, trồng và chăm sóc cây sơn tra.
Hiện nay ở các tỉnh miền núi diện tích cây sơn tra vừa là tự nhiên, vừa được nông dân trồng tại khu vực đồi núi thấp. Hàng năm, diện tích sơn tra cho thu hoạch tới hơn 2.000 tấn quả tươi. Với đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây sơn tra ở vùng cao, có thể phát triển tốt trên đất khô cằn, không cần bón phân và chăm sóc nhiều. Người dân chỉ cần phát quang tạo thế và không gian cho cây phát triển, thời gian cho thu hái ngắn nên dễ dàng cho việc trồng và thâm canh.
Tuỳ vào kích cỡ của quả mà phân loại sơn tra thành nhiều cấp. Thời gian thu hái thường duy trì từ tháng 7 – 10. Hiện nay, quả sơn tra được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, quả sơn tra còn được đưa về xuôi trở thành một đặc sản vùng cao.
Không chỉ phát triển cây sơn tra gắn với mô hình kinh tế hộ gia đình, hiện cây sơn tra còn được phát triển gắn với du lịch để huyện thu hút du khách ở mọi nơi, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân.