Vì con người thường thích những trải nghiệm vừa ý, dễ chịu và ghét bỏ, né tránh hoặc cố gắng tìm cách chống cự lại những trải nghiệm đau đớn, khó chịu xảy đến trong đời mình. Nhưng thật sự khi nói về những điều đau khổ đó thì chúng lại đáng được hoan nghênh, trân trọng và khiến chúng ta tự hào hơn bao giờ hết. Nó là một kho báu mà tiền cũng không mua được.
Trước tiên, nó là một trải nghiệm, là một cơ hội để bạn trở nên hoàn thiện hơn so với ngày hôm qua. Vì khi cảm nhận đau khổ, bạn được nhìn lại chính mình một cách rõ ràng hơn, nhìn lại rằng trong thâm tâm bạn còn điều gì bám víu, để khi cuộc sống không như ý muốn bạn lại phải chịu gánh nặng như vậy. Cảm xúc tiêu cực chính là dấu hiệu rất chính xác để con người nhận biết rằng có điều gì đó chưa ổn trong suy nghĩ và cách cư xử của bản thân. Nỗi đau là cơ hội cho một người có ý thức quay về bên trong để tìm ra điều gì là tốt nhất cho chính mình và điều gì nên buông bỏ.
“Thượng Đế dìm người xuống nước sâu, không phải để làm cho họ chết đuối mà là để rửa sạch họ” – Colston
Đó là lý do tại sao người tu tập cần lặng lẽ quan sát chính mình trong từng hơi thở, trong giây phút hiện tại đó. “Tu” chính là sửa chữa, mà nếu không nhận biết được chính mình thì sửa sao cho nổi. Còn đối với những người vô thức thì họ cần nỗi đau như một cú giáng mạnh để tỉnh thức, quay về với chính mình dù chỉ là trong phút ngắn ngủi. Trong đời này, liệu có mấy kẻ nở hoa mà chưa từng đi qua mưa bão?
Hơn nữa, những vết thương, vết sẹo khiến bạn trở nên là duy nhất. Niềm hạnh phúc có thể giống nhau nhưng nỗi đau thì chẳng hề trùng lặp. Giống như chỉ có một ngọn núi để mọi người có thể leo tới nhưng dưới kia có biết bao nhiêu con đường chông gai mà mỗi người đặt bước một đường. Như Goethe, một trong những vĩ nhân trong nền văn chương thế giới, đã từng nói:
“Trí tuệ con người trưởng thành trong tĩnh lặng còn tính cách trưởng thành trong bão táp.”
Chắc chắn, một người đi qua khổ đau sẽ có thái độ phản ứng trước cuộc sống khác hoàn toàn với một người chưa từng nếm trải những điều đó. Nó tạo nên bản sắc riêng cho từng người mà sẽ không thể tìm được ở bất kỳ một ai đó khác. Hơn nữa, nếu bạn là người đã từng nếm trải nhiều đau khổ, hãy thử tìm lại những bức ảnh của mình trước kia khi vẫn còn “lành lặn” “an toàn” và so sánh chúng với những bức ảnh bây giờ. Nét mặt, chính xác hơn là thần thái của bạn khác hẳn so với trước đó cho dù khoảng thời gian có thể chỉ là một vài tháng. Sự từng trải hiện lên trên đôi mắt bạn, trên cách mà bạn cười. Với những trải nghiệm khác nhau, mỗi người sẽ “lấp lánh” với cường độ và hình thức khác nhau. Khổ đau đã làm nên con người bạn.
Một người khi vượt qua càng nhiều thử thách trong cuộc sống thì sẽ càng biết trân quý cuộc đời. Họ biết rằng không có phút đau đớn chia ly thì cũng không có phút hân hoan khi gặp mặt, không có sự thất vọng khi sự việc không thành thì cũng không có hy vọng cho một khởi đầu mới, và khi không trải nghiệm nỗi sầu khổ thì cũng sẽ không thể nhận ra cái ngày vui hạnh phúc. Họ nhìn thấy giá trị của nghịch cảnh nên sẽ thấy được sự quý giá của cuộc đời và sự may mắn của bản thân. Người thành công trong cuộc sống biết cảm ơn những thất bại, những nỗi đau mà họ đã nếm trải. Cùng một nỗi đau, nhưng có kẻ nhìn nó như liều thuốc độc và rồi chết dần chết mòn theo ngày tháng. Nhưng có kẻ nhìn nó như chiếc đòn bẩy để giúp mình bật xa hơn về phía trước. Cuộc đời cho chúng ta đau khổ để chết hoặc để sống mạnh mẽ hơn. Vậy nên con người phải nếm mùi vị “bị đời ghét bỏ” trước khi thấy “yêu đời tha thiết”.
Cuối cùng, đặc biệt quan trọng, kẻ đã nếm nhiều đau khổ sẽ có được khả năng đồng cảm hơn với những người xung quanh. Sống trong một xã hội mà một ngày có biết bao nhiêu người bất mãn từ bỏ gia đình, từ bỏ ước mơ, tự tử; và không biết bao nhiêu lời than thở, phán xét lẫn nhau từ trong suy nghĩ cho đến status trên facebook, những cuộc nói chuyện căng thẳng, khích trên mỉa dưới. Những kẻ không hiểu mình thì cũng chẳng thể hiểu người. Vì rằng mỗi người là duy nhất nhưng về bản chất, chúng ta là như nhau cả: Đều biết ghen tuông, đố kỵ, giận hờn, u sầu, thất vọng, bi quan, thích được người khác quan tâm, chú ý, không thích bị từ chối, hạ bệ. Vậy nên khi một người đã từng kinh qua nỗi khốn khổ, mệt mỏi khi ghen tuông, đố kỵ, giận hờn, u sầu, thất vọng đó, họ biết được chính mình khi đó và đồng cảm với những kẻ đã và đang trải nghiệm điều tương tự.
Một người đã từng trượt đại học sẽ hiểu được nỗi đau của những sĩ tử khi nhận giấy báo thi rớt. Một người mất cha, mẹ mới thấm được sự cô đơn của những đứa trẻ mồ côi. Một kẻ đã nếm vị thất tình sẽ hiểu được một kẻ đang quằn quại vì mới chia tay người mà anh ta yêu dấu. Liệu con người còn cần gì hơn sự cảm thông khi chung sống với nhau?
Mọi sự thờ ơ, xa lánh hay xích mích, căng thẳng, đổ vỡ đều xuất phát từ sự thiếu đồng cảm, chia sẻ lẫn nhau đó. Mà chúng ta chỉ thật sự đồng cảm khi cùng chung cảnh ngộ mà thôi, còn không, những lời như: “Tôi hiểu bạn đang phải trải qua chuyện gì!” hay “Đừng buồn nữa, mọi chuyện sẽ ổn cả thôi.” Khi mà bản thân chúng ta chưa trải nghiệm, thì chỉ là một lời sáo rỗng thốt ra từ một tâm hồn cũng trống rỗng nốt. Chúng không thể với tới được trái tim của kẻ khốn cùng kia chứ chưa nói là có thể xoa dịu, chữa lành cho họ. Vậy nên hãy lấy làm may mắn vì khi chúng ta đang nếm trải đau khổ, đó là một trong những chiếc chìa khóa giúp bạn chạm tới nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn mọi người, những nỗi đau.
Vâng, nếu bạn đang chịu những điều khó chịu, đau đớn, hãy thôi than vãn và khóc lóc đi vì bạn đang nắm trong tay một kho báu vô giá mà cuộc đời đã ưu ái dành tặng. Hãy dùng nó để “làm giảu” con người của chính mình, và để học cách yêu thương mọi người. Cuộc đời không ngu xuẩn đến mức tự mình ném cho bạn một mớ rắc rối chết tiệt để rồi bạn phải ghét nó đâu. Chúc các bạn tận hưởng ngày khổ đau vui vẻ!