Bộ chiêng đổi 30 con trâu Đến Đăk Mế hỏi trưởng làng Thao Lợi về chiêng Tha, anh bảo, dân tộc mình trước sau dời làng cả chục lần, cái gì cũng có thể mất do thiên tai, nhà cháy, có người bỏ làng ra đi nhưng ai đã có bộ chiêng Tha thì luôn gìn giữ bên mình. "Chỉ người Brâu mình mới có chiêng Tha này. Ngày trước còn nhiều lắm, nhưng do mất trộm và nhiều lý do khác, bây giờ làng còn 10 bộ. Ai có nó đều giấu kỹ, không cho người ngoài thấy và nếu ai có thấy thì chỉ đứng ngoài nhìn chiêm ngưỡng mà thôi". Ngỏ ý muốn xem chiêng Tha, Thao Lợi mẹ vợ mình là bà Nàng Chênh đang cất giữ một bộ, "để mình đi xin phép đã".
Thao Lợi đi ra ngoài chừng 5 phút rồi trở về dắt chúng tôi đi xem chiêng, nhưng anh nghiêm trang dặn dò: "Chỉ nhìn thôi, không được sờ mó và nói năng khó nghe, chiêng không thích đâu". Thao Lợi dẫn chúng tôi vào căn buồng kín đáo của bà Nàng Chênh, chỉ một cái bao màu đỏ nói là bộ chiêng Tha cất trong đó. Anh bạn đi cùng đường với tôi hỏi mở chiêng Tha ra được không. Thao Lợi lắc đầu quầy quậy bảo: muốn "mời" Tha ra phải có lễ vật.
Biểu diễn chiêng Tha
Đó là một con gà, một chén thuốc, một hủ rượu ghè để xin chiêng ra mới được. Nếu không có lễ vật này mà tự ý đưa Tha ra sẽ bị Tha giận mà trách phạt, nhẹ thì đau ốm bình thường, còn nặng thì mụt nhọt nổi khắp người, hay giật mình, đi tiểu tiện không được.
Thật khó tin khi Thao Lợi nói chuyện Tha phạt là có thật: "Đã từng có người bị như thế, người Brâu mình mới "sợ" nó như cha mẹ mình ấy chứ". Thao Lợi cười cười kể, trước đây ở nhà sàn, cất chiêng Tha ở đâu, chỉ chủ gia đình mới biết: có khi cất trong nhà, nhưng có khi mang vào rừng hay cất nơi nào, đố con cháu trong nhà nào hay biết.
Còn bây giờ, việc giấu chiêng không kín đáo bằng xưa, nhưng xưa nay chưa có ai dám tự ý mang ra. Một cán bộ ngành văn hóa tỉnh Kon Tum còn kể lại, xưa muốn người làng đưa chiêng đi tấu ở các lễ hội, cuộc thi lớn trong và ngoài tỉnh, đặt vấn đề và nói khô cổ họng, các gia đình Brâu ở đây mới miễn cưỡng đưa ra.
Theo lời của Thao Lợi, chiêng Tha sản xuất từ bên Lào, người Brâu quan niệm đó là tổ tiên, là linh hồn của tộc người mình. Để có được chiêng này, người đúc chiêng bỏ rất nhiều công phu pha trộn hợp kim vàng, đồng thau, chì và có cả đồng đen nữa. Mỗi bộ chiêng Tha có hai lá: chiêng trống (Jơliêng) và chiêng mái (Chuar), có đường kính từ 45-50cm. Mỗi khi đánh lên, chiêng Tha vang lên thánh thót, trong trẻo với 3-4 cung bậc khác nhau, vang xa hàng km, không lẫn với bất cứ loại chiêng nào khác.
Thế nhưng không phải chiêng Tha nào cũng có giá trị ngang nhau. Thao Lợi bấm đầu ngón tay, nói: chiêng thường thì bà con đổi 5-10 con trâu, nhưng chiêng tốt như của gia đình Nàng Coóc trong làng, xưa đổi đến 30 con trâu. Đây là bộ chiêng quý nhất làng Đăk Mế bây giờ.
Nghệ nhân Thao La kể chuyện làm lễ "chia tay" với bộ chiêng Tha
Trưởng làng Đăk Mế, anh Thao Lợi kể chuyện về chiêng Tha
"Mời Tha ăn", "mời tha nói"
Một buổi chiều lang thang ở làng Đăk Mế, chúng tôi được nghệ nhân Thao La mời về nhà chơi. Chúng tôi hỏi ông có thật chuyện chiêng Tha bắt tội như Thao Lợi kể. Thao La lặng lẽ: như thế nào thì không rõ, nhưng chuyện này thì có thật.
Ấy là trong làng có anh Thao Ương có bộ chiêng Tha quý gần bằng của bà Nàng Coóc, nhưng lúc uống rượu đã mang chiêng ra đánh mà trước đó không hiến lễ vật, nên bị hộc máu miệng, sau còn nổi mụt nhọt nữa. Người làng nói nó vô lễ nên bị Tha phạt. Theo Thao La, chuyện như Thao Ương rất ít và rất hiếm chuyện dám mang chiêng ra đánh kiểu như thằng Thao Ương.
Chuyện rất khó tin về chuyện bị chiêng Tha phạt tội, nhưng với người Brâu, mang chiêng ra ngoài thì phải cúng, dù mang chiêng ra đánh trong lễ cúng của gia đình hay của làng. Thao La nói, trước đây khi bán bộ chiêng Tha cho Bảo tàng Kon Tum, ông cũng phải làm lễ đàng hoàng.
Nhà rông chính của người Brâu ở làng Đăk Mế
Kể lại chuyện này, Thao La bùi ngùi, năm đó gia đình khó khăn, vợ thì đau yếu, nợ nần nhiều nên đành bán đi và khi chia xa nó chẳng khác người thân trong gia đình. Bận đó, ngày cá bộ bảng tàng lên nhận chiêng giao tiền, ông mời già làng, thầy cúng đến, còn gia đình thì chuẩn bị rượu cần, một con gà trống to luộc lên, có cả bộ lòng để sẵn ngoài hiên.
Khi thầy cúng đến nhà, trước khi cúng đã "mời Tha ăn"' bằng việc lấy máu gà bôi lên trong lòng hai lá chiêng, bôi chiêng "chồng" xong mới đến chiêng "vợ" đang để ngoài hiên nhà, miệng khấn đại khái: do hoàn cảnh gia đình nghèo, vợ đau, nợ nần nên hôm nay cho Tha đi ở nhà người khác, trong lòng buồn lắm. Tha đừng giận, đừng bắt phạt gia đình. Vợ chồng Tha đi đâu cũng phải bảo vệ nhau, mình không bảo vệ được tha nữa rồi.
Hết khấn vái, thầy cúng rót rượu vào hai lá chiêng gọi là "mời tha uống" và đọc lời khấn như lúc "mời Tha ăn". Sau nghi thức này, Thao La bảo dời tất cả vào trong nhà và bắt đầu chặt con gà luộc ra nhiều phần (tùy theo số người có mặt trong lễ hiến tế hôm đó) rồi đặt lên cái mâm giữa nhà.
Thầy cúng lần này bắt đầu chia thịt và khấn lời như trước đó, nhưng lần này cả già làng, khách mời của gia đình Thao La (trừ cán bộ bảo tàng không biết khấn) đều đồng thanh khấn theo. Cuối cùng là đưa bộ chiêng Tha ra ngoài sân treo trên giá đặt sẵn và gia đình bắt đầu đánh chiêng như lời chia tay cuối cùng bịn rịn.
Theo anh Trần Lâm, Phó phòng phụ trách Phòng nghiệp vụ văn hóa, Sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kon Tum, khi tấu chiêng, hai lá chiêng Tha này treo theo hướng úp vào nhau, cách mặt đất từ 15-20cm và phải có hai người cùng đánh.
Sau đó, hai người này dùng 4 cái dùi: 2 dùi đực (tơ lông Tha) thẳng dài 50cm to bằng ngón tay và 2 dùi cái (giơ ra Tha) như cổ ngỗng, ngắn hơn dùi đực. Khi đánh thì dùi đực đánh mặt lưng, dùi cái đánh phần bụng, nhưng đặc biệt khi đáng chiêng này thì nhất thiết phải là chiêng "vợ" lên tiếng trước.
Ngoài ra, khi đánh chiêng, hai nghệ nhân phải ngồi đối mặt nhau, nhưng người đánh dù đực thì ngồi xếp bằng, còn người đánh dùi cái thì bằng mông, 2 bàn chân duỗi ra, mũi chân đứng để giữ và ngắt nhịp chiêng.
Và các hình ảnh về chiêng và biểu diễn chiêng của đồng bào Tây nguyên