Độc đáo và dung dịTỉnh Kon Tum có trên 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 54%. Trong kho tàng văn hóa của người dân nơi đây, ngoài cồng chiêng, không thể không nhắc đến tạc tượng gỗ dân gian.
Tượng gỗ dân gian ở Kon Tum là nghệ thuật tạo hình mang sắc thái riêng và độc đáo, nhưng cũng rất dung dị. Hầu hết các bức tượng gắn với những hình ảnh sinh hoạt đời thường: Phụ nữ giã gạo, dệt vải, đàn ông săn bắn, cả gia đình đi rẫy, già làng, chơi nhạc cụ, uống rượu cần…
Các nghệ nhân tạc tượng theo cảm nhận và sự sáng tạo của riêng mình, không bị ràng buộc bởi khuôn mẫu. Chính sự sáng tạo của nghệ nhân, cùng với ảnh hưởng của văn hóa và nếp sống, nên mỗi bức tượng gỗ đều rất độc đáo và mang đậm phong cách của mỗi dân tộc.
Nếu các nghệ nhân ở huyện Đăk Tô thường tạc những bức tượng về chủ đề muông thú, về đời sống thiên nhiên… thì các nghệ nhân ở huyện Sa Thầy lại thiên về chủ đề hôn nhân gia đình, tình cha con, vợ chồng; trong khi đó, các nghệ nhân ở huyện Đăk Glei lại ưa thích tạc tượng về chủ đề mang tính kế thừa, giữa người già và người trẻ, thế hệ trước và thế hệ sau.
Nghệ nhân A Đếch, tổ trưởng tổ nghệ thuật dân gian huyện Đắk Glei chia sẻ, ông học hỏi từ cha mình nghề tạc tượng gỗ. Hình mẫu ông hướng đến là phụ nữ, bởi theo ông, phụ nữ luôn đóng vai trò trung tâm trong cuộc sống, là người kết nối tình yêu thiêng liêng gia đình từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Cũng theo nghệ nhân A Đếch, tạc tượng gỗ không chỉ nhằm lưu lại nét sinh hoạt, văn hóa độc đáo của dân tộc mình, mà còn giúp đồng bào có những niềm vui sau những ngày lên nương làm việc mệt nhọc.
Bảo tồn và phát huy giá trịNghệ nhân A Nếp, sinh sống tại huyện Đắk Glei, cho biết, tạc tượng gỗ được duy trì theo hình thức cha truyền con nối, chính vì thế, theo thời gian, loại hình nghệ thuật này đang dần mai một. Nguyên nhân chính là do ngày nay lớp trẻ bận rộn làm kinh tế, cộng với ảnh hưởng của lối sống hiện đại, nên rất ít người theo đuổi loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Trước thực trạng này, những năm qua, tỉnh Kon Tum thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển giá trị của nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian như: Tổ chức vinh danh các nghệ nhân tạc tượng; thường niên tổ chức cho các nghệ nhân tham gia các hoạt động tại Làng Văn hóa dân tộc Việt Nam tại Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam…
Trong các hoạt động đó thì liên hoan tạc tượng gỗ dân gian là một hoạt động nổi bật, thu hút được sự quan tâm, tham gia của các nghệ nhân cũng như của người dân.
Đây cũng là dịp để các nghệ nhân của tỉnh Kon Tum trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong nghệ thuật và cuộc sống với nghệ nhân các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, qua đó góp phần làm cho nhân dân, du khách nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị tinh thần, văn hóa của người Tây Nguyên nói chung, của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Kon Tum cho biết, tỉnh Kon Tum xem công tác bảo tồn văn hóa của đồng bào thiểu số là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho các cấp nhiều chương trình bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, Sở cũng sẽ tổ chức các lớp hướng dẫn về nghệ thuật tạc tượng do các nghệ nhân của các làng đứng ra truyền dạy cho con cháu.
“Riêng với các nghệ nhân, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để họ tiếp tục sáng tạo nên những tác phẩm mới, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh”, ông Hoàng nhấn mạnh.