Giấc mơ Măng Đen Kon Tum

Thứ ba - 15/03/2016 14:15
Sau một ngày rong ruổi trên đường Trường Sơn Đông, tôi về nghỉ lại ở Khu Du lịch Sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Tượng Đài Măng Đen - Ảnh: Thanh Phong
Tượng Đài Măng Đen - Ảnh: Thanh Phong

biệt thự măng đen

Đã đầu mùa khô rồi nhưng hoa sim chưa nở chỉ có ngàn thông xanh đang bắt đầu nhú những chồi non như chuẩn bị thắp lên ngàn ánh nến. À, mùa Noel lại đến gần. Cái lạnh đêm Măng Đen như xoáy sâu vào da thịt. Âm thanh của rừng hun hút trong tiếng gió thổi vô hồi, thi thoảng vài tiếng chim ăn đêm xuyên qua màn sương lạnh. Cái yên ắng của đại ngàn đang trùm lên những ngôi nhà xinh xinh nhấp nhô dưới rặng thông già. Tôi có cảm tưởng mình đang lạc vào xứ sở của những câu chuyện thần tiên trong cổ tích.
Tôi không biết Măng Đen được con người phát hiện tự khi nào, nhưng có lẽ nó được biết đến trước khi đoàn thám hiểm của bác sĩ Yersin khám phá ra cao nguyên Lang Biang và hình thành nên một thành phố ngàn hoa Đà Lạt, vì đây là con đường xuyên sơn của các đoàn giáo sĩ Thừa sai phương Tây mò mẫm từ đồng bằng Duyên hải miền Trung lên cao nguyên Kon Tum truyền đạo đầu tiên. Đến thời kháng chiến chống Pháp, địch đã lập đồn Măng Đen để án ngữ vùng phía Đông Kon Tum và sau đó tiền đồn này bị bộ đội ta xóa sổ từ những năm 50 của thế kỷ trước.
Người Mơ Nâm ngụ cư lâu đời ở những vùng thung lũng Kon Plông với đồi núi chập chùng thoi thỏi về phía đèo Violak, thường gọi nơi này là miền đất bằng và hẹp (T’măng Deeng-Măng Đen) và trên đó có vùng T’măng Kanh (Măng Cành) là miền đất bằng và rộng. Từ Kon Tum đi về phía Đông, chúng ta phải vượt con đèo dài hàng chục kilômét lên độ cao khoảng 1.200 mét so với mặt nước biển với những khu rừng nguyên sinh, có nhiều thác nước còn nguyên sơ, khí hậu mát mẻ quanh năm.

biệt thự măng đen 1

Vào những năm sau ngày thống nhất đất nước (1975), huyện Kon Plông nói chung và vùng Măng Đen còn khá hoang sơ, giao thông đi lại trắc trở; nó như một ốc đảo trong suốt những tháng mùa mưa tầm tã, các ngả đường dường như bịt kín bởi rừng. Những con đường mòn từ phía đồng bằng lên, từ đường Hồ Chí Minh xuyên qua, hay phía Kon Tum đến, các phương tiện xe cơ giới đều bất động vì cơn lũ rừng luôn đe dọa. Chính vì trở ngại bởi ngăn sông cách núi mà trong một thời kỳ dài nơi đây không phát triển, dân cư thưa thớt, đời sống khó khăn. Vốn được cho là nơi sơn tận thủy cùng với điều kiện khắc nghiệt “ruồi vàng, bọ chó, gió Măng Đen” nên con người ngại tiếp cận khiến cho chốn hoang sơ này thêm heo hút, vắng lạnh.
Bước sang thời kỳ đổi mới, đường sá được khai thông, tầm nhìn rộng mở, người ta đã nhìn ra Măng Đen của Kon Plông như một “nàng tiên” còn ngủ quên trong rừng. Với vùng khí hậu đặc chủng của cao nguyên như Sa Pa, Đà Lạt, Măng Đen quả là miền đất quý để phát triển du lịch sinh thái, nơi nghỉ dưỡng và trồng rau xứ lạnh. Hiện nay, nhiều dự án đã và đang được triển khai tích cực, đánh thức những tiềm năng sẵn có, mở ra cho Măng Đen một thời kỳ mới. Tuy nhiên, để xứ sở này phát triển đúng tầm, chúng ta cần một bộ óc tỉnh táo trong quy hoạch, tính toán chi tiết đến từng gốc cây, ngọn cỏ, nhất là bảo vệ môi trường, vùng sinh thái; bảo tồn những di sản văn hóa độc đáo của các dân tộc bản địa. Và đặc biệt là phải tìm đến với những con người có tri thức, niềm đam mê và một khả năng dám nghĩ dám làm.

sim măng đen

Hôm nay, điều đáng mừng là Măng Đen đã được đưa vào tầm ngắm và kết nối với các tour “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Con đường di sản miền Trung” và “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”. Nhưng để tạo dựng nơi đây thành chỗ dừng chân của du khách, chúng ta còn nhiều việc phải làm, nhất là phát triển các loại hình dịch vụ một cách chuyên nghiệp; khai thác các sản vật, văn hóa địa phương một cách bài bản, thân thiện gắn với không gian rừng và các buôn làng người bản địa: Mơ Nâm, Cadong, Hre. Cần tìm đến những nét riêng, độc đáo và cũng xây dựng thương hiệu cho mình chính trên điều kiện tự nhiên và vùng văn hóa đặc thù.
Ở vùng đệm Măng Đen, ngoài các khu rừng nguyên sinh với nhiều hồ, thác nước tự nhiên đẹp là những đồi sim tím chạy dài tít tắp đến chân đèo Violak. Vùng sim tự nhiên không những tạo nên vẻ đẹp đặc thù của Măng Đen ít nơi nào có được mà nó còn là cây thuốc quý trong Đông y, là nguyên liệu để chế biến thành nhiều sản phẩm có lợi cho sức khỏe con người. Mùa xuân, cây sim bắt đầu ra bông và nở rộ. Một màu tim tím phủ rợp các triền đồi gây ấn tượng nên thơ trong mắt du khách.

sim măng đen 1

Đầu mùa mưa, sim chín trĩu cành và cũng là mùa thu hoạch trái sim để ủ rượu. Rượu sim Măng Đen đã xuất lò trong dịp Tết năm qua nhưng đã cháy hàng. Tôi có hỏi người chủ khách sạn về rượu sim để tìm hương vị riêng trong bữa cơm nhưng quả nhiên đã cạn kiệt. -Anh muốn thưởng thức “Măng Đen tửu” thì phải đợi thôi. Hãy trở lại vào mùa Tết năm nay nhé! Mẻ rượu sim xuân này đang chuẩn bị cho xuất xưởng-người chủ tươi cười quảng bá với tôi một cách tự hào. Anh đọc cho tôi nghe chút tình sim: “Em đem ủ rượu mùa sim tím/Đợi đến ngày xuân sẽ đãi người/Chờ đến giêng hai hoa lại nở/Rượu mềm tím tái… nỗi chờ mong”-câu thơ của chàng thi sĩ lãng du nào để lại trên xứ sở ngàn thông khiến tôi chạnh lòng.

Tác giả bài viết: Bùi Quang Vinh theo Báo Gia Lai

Nguồn phát: Nhật Trường Kon Tum

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Tuyên bố trách nhiệm: Thông tin trên samtuoingoclinh.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên samtuoingoclinh.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Xách ba lô lên tới Măng Đen Kon Tum,

    Xách ba lô lên tới Măng Đen Kon Tum, "Đà...

    Đến với Kon Tum, đến với Măng Đen, bạn được đến một cao nguyên đầy nắng và gió, nhưng Măng Đen cho bạn một cái gì đó nó rất khác, đối với riêng tôi, mỗi khi đến Măng Đen là một cảm giác gì đó tươi...

  • Tham quan bản làng của các dân tộc ở Kon...

    Tham quan bản làng của các dân tộc ở Kon...

    Tìm hiểu, chúng tôi biết thêm, nghề dệt thổ cẩm ở đây được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; người lớn truyền dạy cho lớp trẻ; cụ thể là phụ nữ/ con gái nhưng đơn lẻ chưa tập hợp thành tổ hợp...

  • Kon Tum: Chiêm ngưỡng chiếc cầu treo...

    Kon Tum: Chiêm ngưỡng chiếc cầu treo...

    Cầu treo Kon Klor đã trở thành niềm tự hào của người dân Kon Tum và là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi ghé thăm mảnh đất này.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây